Điểm đến Gia Lai

Công an tỉnh Gia Lai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ đắc lực cho công tác nghiệp vụ và tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi liên hệ công việc.
Công an toàn tỉnh hiện quản lý và sử dụng hơn 60 phần mềm nghiệp vụ trên tất cả các lĩnh vực công tác. Trong đó, chỉ sau 3 tháng triển khai hệ thống “Quản lý văn bản điều hành” trên mạng nội bộ, các đơn vị đã chuyển phát hơn 8.000 văn bản, trung bình phát hành qua hệ thống khoảng 85 văn bản/ngày. Đến nay, 100% văn bản gửi nội bộ không có độ mật đã được các đơn vị chuyển giao dưới hình thức văn bản điện tử.
Ứng dụng công nghệ thông tin giúp Công an TP. Pleiku kiểm soát tốt hơn trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Đặc biệt, Công an các địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin qua hệ thống camera giám sát giao thông. Riêng TP. Pleiku đã lắp đặt hơn 200 camera giám sát tại các nút giao thông ngã ba, ngã tư… Không những vậy, trên địa bàn còn lắp đặt nhiều camera tự động trên các tuyến đường để ghi nhận lỗi của phương tiện giao thông vi phạm như: vượt đèn tín hiệu, đi ngược chiều…
Trung tá Hồ Thanh Sơn-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an TP. Pleiku) cho hay: “Hệ thống camera còn hỗ trợ lực lượng Công an trong xử lý các vụ va chạm giao thông cũng như hỗ trợ công tác điều tra các vụ án”. Từ ngày 15-5 đến nay, qua hệ thống camera giám sát, Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an TP. Pleiku) đã phát hiện và xử lý 327 trường hợp vi phạm.
Trong thời đại mạng xã hội bùng nổ, các đơn vị thuộc lực lượng Công an đều thành lập trang Facebook để đăng tải các bài viết liên quan đến vấn đề an ninh chính trị nhằm định hướng dư luận. Trung tá Đỗ Xuân Hưng-Phó Trưởng Công an huyện Phú Thiện-thông tin: Công an huyện đang quản lý 31 trang Facebook. Từ tháng 8-2019 đến nay, các trang Facebook này đã đăng tải hơn 9.000 bài viết, hình ảnh, video tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
“Cuối tháng 9 vừa qua, UBND huyện đã tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện mô hình này. Qua đánh giá, mô hình đã huy động được đa số người dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng-chống tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn huyện”-Trung tá Hưng cho biết. 
Trên địa bàn TP. Pleiku hiện có hơn 200 camera giám sát giao thông. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Trao đổi với P.V, Đại tá Phạm Hữu Trường-Phó Giám đốc Công an tỉnh-cho biết: Hiện nay, Công an tỉnh cũng đã sử dụng nhiều phần mềm nghiệp vụ như: đăng ký xe ô tô, mô tô; quản lý xuất-nhập cảnh, quản lý chứng minh nhân dân, quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ... Trong 10 tháng năm 2020, Công an tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết đăng ký mới hơn 1.500 xe ô tô, 35.700 xe mô tô qua phần mềm đăng ký xe ô tô, mô tô; quản lý, cấp hơn 7.200 hộ chiếu và các giấy tờ liên quan qua phần mềm quản lý xuất-nhập cảnh.
Cổng thông tin điện tử của Công an tỉnh cũng đã phục vụ hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận, công khai các thủ tục hành chính. Đồng thời, tích hợp cung cấp 183 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 145 dịch vụ mức độ 2 và 38 dịch vụ mức độ 3. Trong 10 tháng qua, Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh đã thu hút hơn 1,2 triệu lượt truy cập. Đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết hơn 84.000 hồ sơ trực tuyến về khai báo lưu trú, đăng ký tạm trú người nước ngoài, xác minh lý lịch tư pháp…
“Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ nâng cấp mở rộng, chỉnh sửa các tính năng, chức năng, cập nhật các dịch vụ công trực tuyến, nâng cao hiệu quả khai thác Cổng thông tin điện tử theo hướng lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm thuận tiện, đầy đủ thông tin, dễ tìm, dễ khai thác”-Đại tá Phạm Hữu Trường nhấn mạnh.
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm