Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Công bố 10 điểm nhấn tiêu biểu của ngành Xây dựng trong năm 2023

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong năm 2023, nhiều chính sách "kìm" sự phát triển của thị trường bất động sản đã được tháo gỡ, trong đó nổi bật là việc Quốc hội thông qua Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Quốc hội làm việc sáng nay, 27/11. Ảnh: CTV/Vietnam+

Quốc hội làm việc sáng nay, 27/11. Ảnh: CTV/Vietnam+

Năm 2023, ngành Xây dựng đã "về đích" với nhiều kết quả tích cực. Trong đó nổi bật là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung đổi mới. Cùng với đó là việc thúc đẩy triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Dưới đây là 10 điểm nhấn nổi bật của ngành Xây dựng trong năm 2023 được đơn vị này công bố tại cuộc Họp báo thường kỳ quý 4/2023 diễn ra chiều 12/1 tại Hà Nội.

1. Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản được Quốc hội thông qua

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã đồng thời thông qua 2 dự án luật quan trọng do Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì soạn thảo gồm: Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh Bất động sản số 29/2023/QH15.

Hai Luật đã thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, kế thừa, ổn định của hệ thống pháp luật; thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý và phát triển nhà ở; sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy phát triển nhà ở, thị trường bất động sản; thêm các quy định mới về chính sách nhà ở xã hội, phát triển nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang, tăng vai trò của chính quyền địa phương, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trong việc chăm lo nhà ở cho người dân.

2. Quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra

Trong năm 2023, Bộ Xây dựng đã ban hành đầy đủ, kịp thời 22 Chương trình hành động, kế hoạch, 4 Chỉ thị để thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Bằng nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đổi mới, sáng tạo, Bộ Xây dựng đã vượt và đạt 10/12 chỉ tiêu đề ra, trong đó hoàn thành 05/05 chỉ tiêu được Chính phủ giao. Cụ thể, một số chỉ tiêu chính như: Tăng trưởng Ngành xây dựng tăng 7,06%, đóng góp 0,51 điểm phần trăm trong GDP chung, tuy mức độ thấp hơn các năm trước nhưng vẫn là mức đóng góp chiếm tỷ trọng lớn trong GDP cả nước; tỷ lệ đô thị hóa đạt 42,7%; diện tích nhà ở bình quân cả nước đạt 26 m2 sàn/người...

3. Triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam

Nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngay đầu năm 2023, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong giai đoạn 2021-2025, cả nước đã có 475 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp. Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+

Trong giai đoạn 2021-2025, cả nước đã có 475 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp. Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+

Một trong những điểm nổi bật để thực hiện Nghị quyết là việc đề xuất “luật hóa” việc quản lý và phát triển đô thị, quy hoạch đô thị và nông thôn và quản lý cấp, thoát nước. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tích cực xây dựng, hoàn thiện Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Cấp thoát Nước trình Chính phủ.

4. Chính sách phát triển nhà ở xã hội tiếp tục được đặt ở vị trí trung tâm, góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ “không để ai bị bỏ lại phía sau”

Để giải quyết nhu cầu cấp bách về nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng đã đề xuất, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030;” phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay.

Đến nay trong giai đoạn 2021-2025, cả nước đã có 475 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 432.698 căn đã hoàn thành và đang triển khai đầu tư xây dựng; đã có 23 tỉnh công bố danh mục 54 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.

5. Linh hoạt giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững

Bằng nhiều biện pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và các địa phương về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, trong 6 tháng cuối năm 2023 thị trường bất động sản đã có những tín hiệu tích cực hơn so với nửa đầu năm 2023.

Trong đó lượng tìm kiếm giao dịch các phân khúc đất nền, chung cư,… có sự phục hồi tốt và nguồn cung từ các dự án mới, giao dịch xuất hiện ngày càng nhiều.

6. Công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc đạt nhiều kết quả tích cực; Lần đầu tiên tổ chức Triển lãm quốc tế EXPO Kiến trúc tại Việt Nam

Trong năm 2023, Bộ xây dựng đã hoàn thành 2 quy hoạch quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;” đã thẩm định và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.”

Lần đầu tiên Triển lãm quốc tế EXPO Kiến trúc 2023 với chủ đề “Kiến trúc - Tạo lập không gian bền vững cho cộng đồng” được tổ chức, nhằm tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm các định hướng mới, giải pháp mới trên cả phương diện lý luận, sáng tác, đào tạo và quản lý cho sự phát triển của kiến trúc Việt Nam.

7. Tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng

Trong năm 2023, Bộ Xây dựng đã triển khai việc cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài; bổ sung quy định về kiểm tra việc thực hiện pháp luật nhằm bảo đảm cơ chế giám sát, kiểm tra khi phân cấp, ủy quyền.

Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+

Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+

Cùng với đó, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thí điểm phân cấp và trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật một số địa phương. Kết quả tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa quy định, chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ Xây dựng đạt 50%, vượt chỉ tiêu chung của Chính phủ là 10%.

8. Nhiều dấu ấn nổi bật về Chuyển đổi Số

Trong năm 2023, Bộ Xây dựng đã hoàn thành triển khai xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP) phục vụ công tác quản lý, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ Xây dựng với các cơ sở dữ liệu quốc gia và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác có liên quan.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng; vận hành hệ thống Cơ sở Dữ liệu về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng; triển khai thí điểm ứng dụng nền tảng GIS trong công khai quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

9. Góp phần hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng các công trình trọng điểm Quốc gia

Trong năm 2023, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã tổ chức kiểm tra và chấp thuận đưa vào khai thác, sử dụng 6 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2012-2020, Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1, Sông Hậu 1, các gói thầu liên quan đến công nghệ của Dự án Hóa dầu miền Nam...

Ngoài ra, hội đồng cũng đã tập trung hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về quản lý chi phí, định mức đặc thù chuyên ngành các dự án trọng điểm như dự án cao tốc Bắc Nam, đường sắt Bắc Nam, sân bay Long Thành, vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức...

10. Tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp được chú trọng, đạt kết quả

Trong năm 2023, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2022 - 2025. Kết quả nổi bật nhất trong công tác này đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Sông Hồng, thu về ngân sách nhà nước hơn 139 tỷ đồng, với giá bán thành công cao gấp gần 3 lần giá giao dịch trên sàn Upcom.

Cũng trong năm 2023, Bộ Xây dựng đã hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại và Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD; đang thẩm định Đề án tái cơ cấu và kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm của Tổng công ty Xi măng Việt Nam; triển khai thẩm định giá xác định giá cổ phần để thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Viglacera./.

Có thể bạn quan tâm