Đô thị

Công bố 6 vấn đề nổi cộm "ám ảnh" các khu đô thị của Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

"Suy giảm mực nước ngầm dưới đất tại các đô thị khu vực đồng bằng và xâm nhập mặn tại các đô thị ven biển đang trở nên phổ biến; trong khi úng ngập đang có xu hướng mở rộng và gia tăng". Đây là 2 trong số 6 vấn đề môi trường đô thị nổi cộm vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố chiều 20-7.

 

Hình ảnh quen thuộc tại các khu đô thị lớn khi xuất hiện mưa lớn.
Hình ảnh quen thuộc tại các khu đô thị lớn khi xuất hiện mưa lớn.



Theo Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2016, thời gian qua, tình trạng úng ngập tại nhiều đô thị không những không được cải thiện mà còn có xu hướng mở rộng và gia tăng, gây ra nhiều trở ngại cho người dân.

Căn nguyên là, các khu vực nội thị cũ đều được xây dựng thêm nhiều nhà cao tầng trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngày càng xuống cấp. Trong khi, các khu vực đô thị mới, mở rộng với những quy hoạch không tính toán đầy đủ việc tiêu thoát nước tổng thể cho cả vùng.

Ngoài ra, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường của thiên tai cũng khiến tình trạng úng ngập tại các đô thị diễn ra thường xuyên với mức độ ngày càng trầm trọng hơn.

Vấn đề thứ hai là, suy giảm mực nước ngầm dưới đất tại các đô thị khu vực đồng bằng và xâm nhập mặn tại các đô thị ven biển đang trở nên phổ biến, do hoạt động khai thác sử dụng chưa hợp lý. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu đang ngày diễn biến bất thường, tài nguyên nước có xu hướng xuy giảm mạnh.

Theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, vấn đề suy giảm nước ngầm tập trung tại các khu vực đô thị vùng đồng bằng Bắc Bộ như Hà Nội, Hải Dương. Trong khi xâm nhập mặn thường xảy ra tại các tỉnh vùng Duyên hải miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2016 cũng chỉ rõ: Hiện nay, ô nhiễm môi trường tại các tuyến kênh rạch, hồ trong nội thành, nội thị vân đang diễn biến phức tạp. Nhiều sông ở nội thành vẫn là các kênh dẫn nước thải, chất lượng nước cũng bị suy giảm.

Tại hầu hết các khu vực đô thị, tỷ lệ chất thải rắn được xử lý đúng kỹ thuật, hợp vệ sinh môi trường còn thấp, công nghệ xử lý còn lạc hậu và chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Phần lớn các bãi chôn lấp tiếp nhận chất thải rắn vẫn chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, rất nhiều trong số đó là bãi rác tạm, lộ thiên, thường trong tình trạng quá tải, gây ô nhiễm.

Thực tế cho thấy, ô nhiễm bụi tại các khu vực đô thị đang tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao, đặc biệt là các khu vực gần các trục giao thông hay các khu vực có hoạt động công nghiệp, xây dựng…Thực trạng này đang gây nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống và sức khỏe của người dân.

Theo Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2016, mặc dù ở cấp quốc gia và địa phương đã xây dựng và phê duyệt các quy hoạch phát triển đô thị, nhưng tại nhiều địa phương, việc phát triển đô thị còn mang tính tự phát, chưa được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi hệ thống hạ tầng không đồng bộ và đã bị quá tải.

Trước thực trạng nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất các giải pháp ưu tiên như: Cải thiện nâng cấp hệ thống thoát nước tại các đô thị; từng bước triển khai quy hoạch phát triển đô thị đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả; đồng thời kiểm soát chặt chẽ và giảm thiểu các nguồn phát tán bụi, khí thải ra môi trường; đẩy mạnh huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường đô thị.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm