Bạn đọc

Công bố bản án, quyết định trên internet chuyển biến trong cải cách tư pháp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ông Nguyễn Thanh Hảo-Phó Chánh án phụ trách Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 03 ngày 16-3-2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao “Về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án”, từ ngày 1-7-2017 đến nay, TAND 2 cấp trong tỉnh đã công bố hơn 3.000 bản án, quyết định trên mạng internet, góp phần thực hiện cải cách tư pháp, giúp mọi người thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, giám sát, đánh giá chất lượng xét xử, đồng thời góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của thẩm phán.

Để chuẩn bị cho việc công khai các bản án, quyết định trên mạng internet, TAND tối cao đã tổ chức tập huấn viết bản án cho các thẩm phán và thư ký trong toàn quốc. Tòa án nhân dân 2 cấp trong tỉnh cũng đã chủ động tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, áp dụng pháp luật thật khách quan, viết bản án thật chính xác, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp các trang-thiết bị cho công tác này.

 

Thẩm phán, thư ký TAND tỉnh tập huấn viết bản án công bố trên mạng internet. Ảnh: H.C
Thẩm phán, thư ký TAND tỉnh tập huấn viết bản án công bố trên mạng internet. Ảnh: H.C

Nhờ vậy mà việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của Tòa án được thực hiện đúng lộ trình, hoạt động cải cách tư pháp đã và đang được dư luận xã hội đánh giá cao về tính công khai, minh bạch, chuẩn xác, không trùng lặp thông tin mã hóa, không làm thay đổi nội dung của các bản án, quyết định của Tòa án... “Từ ngày thực hiện công bố bản án, quyết định lên mạng internet, TAND huyện Chư Prông đã bớt đi việc in ấn, photocopy, cung cấp các bản án, quyết định cho mọi người; có thêm thời gian để tập trung làm công tác chuyên môn như: nghiên cứu hồ sơ, thu thập chứng cứ, tổ chức rút kinh nghiệm xét xử, viết bản án, ban hành các quyết định”- ông Lê Khả Thế-Chánh án TAND huyện Chư Prông, chia sẻ.

Công khai các bản án, quyết định của Tòa án lên mạng internet là tạo điều kiện thuận lợi cho hàng ngàn người cùng một lúc theo dõi và giám sát việc thực thi pháp luật, tạo bước chuyển biến quan trọng trong việc thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Tuy nhiên, một số bản án, quyết định của Tòa án không thể phổ biến rộng rãi trên mạng internet. Cụ thể, tại Điều 4, Nghị quyết số 03 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã quy định rõ các bản án, quyết định không được phép công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án là các bản án, quyết định tổ chức xét xử kín; có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước; có chứa đựng thông tin về hoạt động đầu tư tài chính, bí mật nghề nghiệp, công nghệ chưa được công khai; có chứa đựng nội dung ảnh hưởng xấu đến truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; có chứa đựng nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật quốc gia; có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi... “Nhờ những quy định này mà nhiều bí mật nghề nghiệp, cá nhân, tổ chức, quốc gia... được pháp luật bảo vệ, đảm bảo các hoạt động tố tụng, thể hiện tinh thần quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013”-Luật sư Hoàng Ngọc Xuân-Phó Chủ nhiệm Thường trực Đoàn Luật sư tỉnh, khẳng định.

Các bản án, quyết định về hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính, lao động, quyết định tuyên bố phá sản... được công khai trên mạng internet thì không chỉ có các đương sự, cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng, người nghiên cứu, báo chí, luật sư, luật gia mà nhân dân đều có thể theo dõi, giám sát hoạt động xét xử của Tòa án. Đây là bước chuyển biến mới rất tích cực trong công tác cải cách tư pháp, thể hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân, của công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Phòng-chống tham nhũng và Luật Tiếp cận thông tin.

Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm