Song, thật bất ngờ khi chủ nhân buổi tiệc cưới này lại là người miền Trung, sinh sống và kinh doanh tại Gia Lai.
Dành tình yêu sâu đậm cho bản sắc văn hóa của vùng đất đã chọn lập nghiệp, họ đã tổ chức buổi tiệc “có một không hai”, đúng chất rừng rực Tây Nguyên trong ngày trọng đại.
Đến giờ, chị Lê Thị Thanh Trà (SN 1997, trú tại 19 Âu Dương Lân, TP. Pleiku) vẫn nguyên niềm xúc cảm khi kể về đám cưới đáng nhớ của mình. Chị Trà cho hay, quê chị ở Quảng Bình, còn chồng là anh Nguyễn Tồn (SN 1994), quê Thừa Thiên-Huế. Từ năm 2017, khi lần đầu du lịch đến Gia Lai, họ đã mê khung cảnh, khí hậu của vùng đất này. Năm 2019, cả hai quyết định đến đây lập nghiệp. “Chồng tôi thường bảo, đất Gia Lai đãi người. Từ chỗ chưa có gì trong tay lúc vào đây, giờ chúng tôi đã dần ổn định cuộc sống, gầy dựng được một doanh nghiệp”-chị Trà tâm tình. Như một cách tri ân vùng đất đã bao dung mình, đồng thời giới thiệu đến đông đảo bạn bè, người thân về nét đặc sắc của văn hóa Tây Nguyên, họ đã dành tâm sức tổ chức một tiệc cưới hết sức công phu.
Phần trình diễn của đội nghệ nhân cồng chiêng TP. Pleiku (ảnh nhân vật cung cấp). |
Với sự tư vấn, hỗ trợ của đội ngũ quản lý Nhà hàng Century (TP. Pleiku), đám cưới của vợ chồng chị Trà đã tái hiện bản sắc Tây Nguyên thuần chất, mộc mạc. Một cây nêu dựng lên giữa sảnh tiệc cưới, xung quanh xếp những ghè rượu cần. Phần bài trí không thể chân thật hơn với mô hình nhà rông, gùi nỏ, khung dệt thổ cẩm, cồng chiêng... Các nữ nghệ nhân Câu lạc bộ Đan lát và dệt thổ cẩm xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) được mời đến trình diễn nghề dệt; phần biểu diễn cồng chiêng do đội nghệ nhân TP. Pleiku đảm nhận. Không chỉ âm vang cồng chiêng, buổi tiệc còn có sự hòa điệu của tiếng đàn t’rưng và k’lông pút.
Hơn 100 khách mời, trong đó có 2/3 là khách ngoài tỉnh vô cùng bất ngờ và thích thú khi đến với tiệc cưới, trải nghiệm các món ăn Tây Nguyên (gà nướng, cơm lam, lá mì xào, thịt xiên nướng…); các trò chơi (cà kheo, giã gạo); trưng bày trang phục Tây Nguyên (khách có thể trải nghiệm mặc và chụp hình lưu niệm)… Cô dâu, chú rể mặc trang phục truyền thống của đồng bào Jrai đón khách khiến người dự tiệc hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đặc biệt, gia đình anh Tồn-chị Trà còn bố trí một gian hàng bán đồ lưu niệm Tây Nguyên với các sản phẩm du lịch đặc trưng như: gùi, bầu khô, chuông gió, khăn thổ cẩm, túi xách thổ cẩm…; trong đó chủ nhân buổi tiệc trợ giá 50% để khách mời nào cũng dễ dàng chọn được một món mang về làm quà.
Chu đáo nên trước khi chính thức vào tiệc, khách mời còn được xem một clip quảng bá về văn hóa-du lịch Gia Lai với vẻ hùng vĩ, hấp dẫn của các điểm đến như: núi lửa Chư Đang Ya, Biển Hồ, thác 50… Chị Trà khẳng định: “Chúng tôi yêu Gia Lai, không có điểm đến nổi tiếng nào mà vợ chồng tôi chưa đặt chân tới. Vì vậy, chúng tôi mong muốn giới thiệu vẻ đẹp ấy đến với đông đảo bạn bè gần xa”.
Vợ chồng anh chị Nguyễn Tồn-Thanh Trà cùng các khách mời tại buổi tiệc. Ảnh: NVCC |
Chia sẻ niềm hứng khởi về đám cưới “độc lạ” nhất mà bản thân từng tham gia biểu diễn, anh Rcom Bus-Thành viên đội nghệ nhân cồng chiêng TP. Pleiku-chân tình chia sẻ: “Tôi rất tự hào khi thấy chủ nhân bữa tiệc trân trọng bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Trong không gian ấy, chúng tôi đã biểu diễn rất “cháy”. Anh Bus cho biết thêm, như những lần trình diễn tại các sự kiện văn hóa trong tỉnh, ngoài tỉnh và cả ở nước ngoài, cảm xúc của anh luôn vẹn nguyên và vô cùng hứng khởi khi được quảng bá văn hóa Tây Nguyên đến đông đảo khách mời từ phương xa đến.
Không phải ai cũng am hiểu, cũng đủ yêu văn hóa Tây Nguyên để tái hiện nguyên bản không gian ấy ngay trong ngày trọng đại của đời mình. Với tình yêu dành cho vùng đất cao nguyên, có thể nói anh Tồn-chị Trà gần như đã biến đám cưới của mình thành một chương trình xúc tiến du lịch!
Ngay cả khi chuyển sang bữa tiệc chính với phong cách hiện đại, khách mời vẫn chưa hết say mê khi được thưởng thức các bài hát về chủ đề Tây Nguyên, phần trình diễn trang phục thổ cẩm. Chị Trà bày tỏ: “Đám cưới thể hiện con người nội tâm của chính mình. Chúng tôi đều trọng bản sắc, yêu nét thuần Việt nên không chọn tổ chức cưới theo cách thức thông thường mà mong muốn có sự giao thoa giữa bản sắc và hiện đại. Đã vậy thì phải làm đúng chất Tây Nguyên, giúp khách mời có được cảm nhận chân thật nhất”.
Tiệc cưới kéo dài suốt 4 tiếng đồng hồ mang đến cho khách những ấn tượng vô cùng sâu đậm. Trò chuyện với P.V, chị Nguyễn Thị Phương Thảo (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ cảm giác choáng ngợp trước khung cảnh của buổi tiệc. “Âm thanh, giai điệu cồng chiêng thật hùng vĩ, như thể đang đứng giữa núi đồi, khác hẳn tất cả những đám cưới tôi từng tham dự. Khoai, bắp trở thành vật trang trí bắt mắt, có cả cây nêu, rượu cần, giúp khách hiểu hơn về văn hóa, con người Tây Nguyên. Tôi ghen tỵ với người dân Gia Lai vì được sống ở nơi có không gian đẹp, khí hậu mát mẻ, thức ăn ngon. Gia Lai thật là nơi đáng sống. Dù đã đến vài lần nhưng tôi vẫn cứ muốn tiếp tục quay trở lại. Đến đây tôi cảm thấy bản thân được nuông chiều cảm xúc”-chị Thảo hào hứng nói.