Cồng chiêng sang “xứ kim chi”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi tôi viết những dòng này, mùa xuân đã về bên khung cửa.

Tự nhiên, lòng lại không thôi nhớ về những ngày tháng 9 năm ngoái khi tôi được dẫn đoàn nghệ thuật dân gian tỉnh nhà sang tham dự một sự kiện văn hóa lớn tại TP. Jeonju, Hàn Quốc-Lễ hội Âm thanh thế giới 2023 (Jeonju International Sori Festival).

Trước ngày xuất ngoại

Đoàn có 14 nghệ nhân nam người Jrai được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch triệu tập từ TP. Pleiku và huyện Ia Grai. Khó khăn đầu tiên mà đoàn gặp phải là việc làm thị thực (visa) nhập cảnh Hàn Quốc. Dù đã là đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam nhưng điều kiện để có được visa của nước sở tại vẫn rất nghiêm ngặt. Với các nghệ nhân, việc chứng minh trong tài khoản cá nhân có từ dăm bảy trăm triệu đến hàng tỷ đồng là không khả thi. Cận ngày đi vẫn chưa có visa, bí quá, tôi liên hệ với bộ phận chuyên môn tại Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh đề nghị được giúp đỡ. Sau thời gian suy nghĩ, xin ý kiến cấp trên, người đại diện trả lời: Hãy sao chụp giấy tờ nhà đất của từng người rồi dịch qua tiếng Anh và công chứng. Khấp khởi mừng, tôi chạy vào làng, đến từng nhà thực hiện yêu cầu từ phía bạn.

Tại làng cổ Hanok, người dân thích thú khi được trải nghiệm cùng cồng chiêng và các nhạc cụ tre nứa. Ảnh: N.Q.T

Tại làng cổ Hanok, người dân thích thú khi được trải nghiệm cùng cồng chiêng và các nhạc cụ tre nứa. Ảnh: N.Q.T

Nhưng, cánh cửa khó khăn vẫn chưa thể mở: Người Jrai theo mẫu hệ, vợ lấy chồng, nên bao nhiêu đất đai, tài sản đều mang tên vợ hoặc mẹ vợ. Không nản, tôi liên hệ với phía Hàn Quốc nhưng nói thế nào họ cũng không hiểu. Theo họ, đã là vợ chồng thì tài sản phải chung, trường hợp người chưa có tài sản riêng thì chứng minh bằng sổ hộ khẩu của cha mẹ. Và, mãi rồi cuối cùng 2 bên cũng thỏa thuận được khi tôi cam kết rằng, đoàn khi sang Hàn Quốc bao nhiêu người thì trở về bấy nhiêu, không có ai “trốn ở lại”. Đồng thời, tôi phải chụp, in và mang vào cho họ hình ảnh đang lao động trên ruộng rẫy, để chứng minh nguồn gốc nông dân của những người Jrai sắp xuất ngoại chuyến này.

Từ xứ Kim Chi nghĩ về Tây Nguyên

Những người Jrai chỉ qua vài lời chào hỏi, cái bắt tay đã có thể hiểu nhau nhưng để có một chương trình gồm 7 tiết mục, đoàn đã phải luyện tập suốt nhiều tuần. Chúng tôi rời Pleiku bằng chuyến bay sớm để nối chuyến tại Tân Sơn Nhất. Trong khoảng 150 kg nhạc cụ, bao gồm cả cồng chiêng và trống mang theo, đoàn đã phải trả khá nhiều tiền cho hành lý quá khổ, là những đoạn tre dài. Hơn thế, mỗi lần nối chuyến là một lần phải khuân vác khá vất vả. Nhưng chuyến bay cuối cùng sau nhiều giờ cũng đã đáp xuống phi trường quốc tế Incheon. Theo người dẫn đường, đoàn nghệ nhân lên xe bus, trực chỉ TP. Jeonju, tỉnh Jeollabuk, vượt qua 300 cây số trên đường cao tốc.

Đây là lần đầu tiên các nghệ nhân Gia Lai được tham dự một sự kiện nghệ thuật lớn ở ngoài nước, diễn ra trong 10 ngày liên tục (từ ngày 15-9 đến 24-9-2023). Sự kiện này diễn ra thường niên vào tháng 9 với sự góp mặt của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo các bạn Hàn Quốc, mỗi năm, sự kiện 1 chủ đề và chủ đề của năm 2023 là “Cùng bảo tồn và phục hồi” (Co-existence and Resilience).

Một phụ nữ Hàn Quốc cầm tờ báo đăng ảnh đoàn nghệ nhân Gia Lai trên trang nhất. Ảnh: N.Q.T

Một phụ nữ Hàn Quốc cầm tờ báo đăng ảnh đoàn nghệ nhân Gia Lai trên trang nhất. Ảnh: N.Q.T

Đêm khai mạc rồi cũng đến. Mỗi người cầm một tấm vé trị giá 100.000 won (tương đương 1,8 triệu đồng) được phía bạn tặng, đoàn chúng tôi bước vào nhà hát của thành phố với một tâm trạng hạnh phúc và hồi hộp. Tôi không nghĩ lễ khai mạc một sự kiện lớn lại diễn ra đơn giản và ngắn gọn như vậy. Và, trong khoảng 2 giờ đồng hồ, các nghệ nhân, nghệ sĩ xuất sắc của Hàn Quốc và tỉnh Jeollabuk đã trình diễn nhiều tiết mục đặc sắc. Các bài hát đều được lược dịch qua Anh ngữ, hiển thị trên 2 màn hình lớn đặt phía dưới cánh gà sân khấu để khán giả không biết tiếng Hàn có thể hiểu được nội dung tác phẩm.

Điều khiến tôi thấy thú vị là có khá nhiều câu chuyện dân gian đã được các nhạc sĩ lớn của Hàn Quốc chuyển soạn cho các dàn nhạc hiện đại từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trên một sân khấu lớn, trước hàng trăm nhạc công với các nhạc cụ phương Tây, xuất hiện một người nông dân hát về giấc mơ của mình. Rằng chàng trai làm nghề đốn củi ấy đêm kia, thoáng thấy tà váy trắng bên vạt rừng xanh. Gác lại công việc, chàng đuổi theo nàng tiên... Âm nhạc đắm đuối mở đường và cùng giao hòa với chàng và nàng. Tất cả tạo nên sự hấp dẫn và đẹp đến khôn cùng. Âm nhạc, lời ca và các vũ đạo dân gian chỉ dừng lại khi gã tiều phu đa tình ấy bừng tỉnh trong tiếc nuối.

Ngay vào thời điểm đó, tôi đã thầm ước, giá như một phần kho tàng truyện cổ, sử thi Tây Nguyên của chúng ta được chuyển soạn, biểu diễn như thế này thì sức lan tỏa sẽ rất lớn. Văn học dân gian ở Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung từng được đánh giá là khổng lồ. Nhưng bây giờ, khi những người cao tuổi dần mất đi, sự tiếp nối câu chuyện ấy là một vấn đề không dễ, rất cần có một cái nhìn mới.

Âm vọng cồng chiêng

Đây là lần đầu tiên, các nghệ nhân Gia Lai góp mặt ở một sân chơi nghệ thuật có quy mô lớn ở Hàn Quốc. Điều gì đã làm nên sự đặc sắc của đoàn Gia Lai? Tôi nghĩ trước hết là sự lạ và độc đáo. Không có đoàn diễn viên, nghệ nhân của quốc gia nào tham dự sự kiện này lại đi chân đất, đóng khố và chơi cồng chiêng trên sân khấu hiện đại một cách say sưa và cũng không có đoàn nào mang theo nhiều chiêng trống và các loại nhạc cụ tre nứa tự tạo như ta.

Hơn tất cả, trong lời giới thiệu về đoàn mình, tôi đã nói rất rõ rằng, đây là những người nông dân, phần lớn lần đầu tiên được đi máy bay và lần đầu tiên đến Hàn Quốc. Nhiều khán giả quốc tế xem trực tiếp đã có phần sốc khi đón nhận thông tin về các “nghệ sĩ chân đất” của Gia Lai. Sau đó, họ dần chuyển sang thán phục, dù vẫn lúng túng khi tự lý giải vì sao cả một dàn chiêng đơn sơ lại mang đến những âm thanh diệu kỳ đến vậy.

Đoàn nghệ nhân Jrai biểu diễn tại Lễ hội Âm thanh thế giới 2023. Ảnh: Shim Juhyung

Đoàn nghệ nhân Jrai biểu diễn tại Lễ hội Âm thanh thế giới 2023. Ảnh: Shim Juhyung

Dưới sân khấu, cầm tay tôi, Tiến sĩ Hyung Kun Kim (Trung tâm Nghiên cứu văn hóa phi vật thể Hàn Quốc) bày tỏ sự ngạc nhiên trước các tiết mục của đoàn nghệ nhân Gia Lai. Theo Tiến sĩ Hyung Kun Kim, dù từng đến Hà Nội, xem khá nhiều clip về cồng chiêng và các loại nhạc cụ tre nứa nhưng anh không nghĩ chúng lại có thể gây nên sự sôi động và hấp dẫn đến vậy. Ngay sau buổi diễn đầu tiên, hình ảnh các nghệ nhân Gia Lai tràn ngập trên nhiều trang web và mạng xã hội. Tờ báo của địa phương ngay lập tức đưa tin về các nghệ nhân Jrai lên trang nhất.

Ở TP. Jeonju 5 ngày, ngoài 2 buổi diễn chính thức với 7 tiết mục trong khuôn khổ lễ hội, đoàn nghệ nhân Gia Lai được các bạn Hàn Quốc sắp xếp tham quan một vài địa điểm, trong đó có làng cổ Hanok. Tại đây, trước khi chính thức trở thành khách du lịch, các nghệ nhân Jrai đã có suất diễn đường phố kéo dài khoảng 1 giờ. Thật tự hào khi tiếng trống vang lên, từng nhóm khách mang nhiều quốc tịch đã kéo đến. Thêm một lần nữa, nghệ nhân Jrai đã chinh phục khán giả bằng các giai điệu cồng chiêng và các bài hòa tấu nhạc cụ tre nứa. Chúng tôi đã không dám đặt chiếc gùi quyên tiền quen thuộc như trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” ở Pleiku mỗi tối thứ bảy hàng tuần, nhưng chính các khán giả đã làm điều đó. Trong thời gian ngắn ngủi, khoảng 100.000 won đã được những người xem tặng đoàn nghệ nhân Gia Lai, kèm theo những tràng pháo tay không dứt, những lời cổ vũ nhiệt thành.

Các nghệ nhân trở về trong niềm vui của những người vinh dự được giới thiệu với thế giới một phần nền văn hóa Gia Lai đặc sắc. Tiễn đoàn, Tiến sĩ Heasun Kim-Giám đốc điều hành Lễ hội Âm thanh thế giới 2023 nắm tay tôi thật chặt và nói: “Nhất định kỳ tới, tôi sẽ đề xuất để chính quyền địa phương mời đoàn nghệ nhân Gia Lai sang biểu diễn”.

Có thể bạn quan tâm