Du lịch

Tin tức

Cộng đồng người Bahnar ở Kbang làm du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kbang là điểm đến giàu sự trải nghiệm nhờ các tour “du lịch rừng”. Loại hình khám phá thiên nhiên ở vùng đất Đông Trường Sơn thu hút du khách cả nước, đồng thời “hút” theo một lực lượng lao động là người bản địa tham gia làm du lịch.

Mùa hè của thầy Ksor Nghin-giáo viên Trường THCS và THPT Kon Hà Nừng là những chuyến xuyên rừng già Kon Chư Răng, hướng dẫn du khách trải nghiệm thiên nhiên quê hương tươi đẹp. Theo thầy Nghin, những năm gần đây, khách du lịch về Kbang ngày một đông, nhất là du khách ở các thành phố lớn. Phần lớn du khách thích tour trekking vào thác 50 hoặc khám phá Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.

Trước nhu cầu được người bản địa dẫn đường, anh đã thành lập tổ phục vụ khách du lịch gồm 10 thành viên là người Bahnar, trong đó có người là giáo viên, có người làm nông. Mỗi người được phân công một nhiệm vụ như: khuân vác đồ đạc cho khách, dẫn đường, phục vụ hậu cần, chuẩn bị lều trại… Khách du lịch chỉ cần mang theo đồ dùng cá nhân, còn lại được tổ phục vụ mọi thứ từ thức ăn, chỗ ngủ nghỉ, đồng thời đảm bảo an toàn để có một chuyến trải nghiệm trọn vẹn.

"Thầy Nghin Vlog" hiện là tổ trưởng của tổ Bahnar phục vụ loại hình du lịch trekking, camping tại huyện Kbang. Ảnh: Hoàng Ngọc

"Thầy Nghin Vlog" hiện là tổ trưởng của tổ Bahnar phục vụ loại hình du lịch trekking, camping tại huyện Kbang. Ảnh: Hoàng Ngọc

“Trước kia, vào những ngày cuối tuần có cả ngàn du khách vào thác 50. Nhưng hiện nay, Khu Bảo tồn hạn chế khách để bảo vệ môi trường, tài nguyên rừng nên chỉ còn khoảng 200-300 khách. Những ngày trong tuần thường có các đoàn khách lẻ. Nếu nhận khách đoàn dưới 10 người thì tổ có 3 người đi theo phục vụ. Còn đoàn trekking đông nhất từ trước tới nay là 70 người, chúng tôi phải huy động tất cả thành viên trong tổ đi theo phục vụ. Công việc khá vất vả nhưng bù lại, các thành viên có nguồn thu nhập ổn định, khoảng 5-6 triệu đồng/tháng”-thầy Nghin cho hay.

Là giáo viên gắn bó nhiều năm ở vùng đất Kbang, thầy giáo người Bahnar còn tạo kênh “Thầy Nghin Vlog” giới thiệu đặc trưng văn hóa, phong tục, lễ hội của người bản địa cùng các thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ đến người dân, du khách. Những tour trekking băng rừng, lội suối, trở về với tự nhiên qua những hình ảnh chân thực trên kênh của “Thầy Nghin Vlog” quảng bá rất tốt tiềm năng du lịch địa phương.

Nhiều năm nay, anh Hvinh Nut-giáo viên Trường THCS và THPT Kon Hà Nừng cũng tham gia làm du lịch cùng cộng đồng địa phương. Vợ chồng anh Nut đều là thành viên của nhóm phục vụ du lịch do anh Đinh Văn Quý (làng Đak Asêl, xã Sơn Lang) làm trưởng nhóm. Anh Nut cho biết, với thế mạnh là người địa phương, am hiểu phong tục, văn hóa nên khách du lịch rất thích được người bản địa dẫn đường, giúp họ trải nghiệm, khám phá thiên nhiên và thỏa sự tò mò về đời sống sản xuất, sinh hoạt.

“Nhóm hiện có 15 thành viên, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4 triệu đồng/tháng. Ngoài làm du lịch, phần lớn các thành viên còn tham gia các tổ bảo vệ rừng nên thu nhập khá ổn định và nhận thức về bảo vệ tài nguyên rừng cũng thay đổi thấy rõ. Du khách tìm đến Kbang vì vùng đất này còn giữ được rừng, giữ được môi trường tự nhiên hoang sơ, khí hậu trong lành. Đó là yếu tố quan trọng nhất để thu hút du khách, phát triển du lịch, tạo việc làm cho cộng đồng”-anh Nut chia sẻ.

Anh Hvinh Nut (bìa trái) cùng nhóm Bahnar thường xuyên tham gia các hoạt động giới thiệu, quảng bá du lịch tại địa phương. Ảnh: M.C

Anh Hvinh Nut (bìa trái) cùng nhóm Bahnar thường xuyên tham gia các hoạt động giới thiệu, quảng bá du lịch tại địa phương. Ảnh: M.C

Kbang là vùng đất có nguồn tài nguyên rừng phong phú, cảnh trí thiên nhiên đa dạng. Nhiều tổ, nhóm người Bahnar tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch, dịch vụ tại địa phương góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch cộng đồng nhiều cảm xúc. Anh Nguyễn Vĩnh Thụy-du khách đến từ miền Tây Nam Bộ-cho biết, anh mua tour khám phá thác 50 thông qua một công ty du lịch của TP. Hồ Chí Minh, nhưng được những người bản địa làm hướng dẫn viên, chuẩn bị bữa ăn đậm chất núi rừng.

“Mặc dù cách phục vụ của người dân chưa thực sự chuyên nghiệp nhưng tạo cho chúng tôi sự tin tưởng. Hành trình khám phá trở nên thú vị hơn nhờ có những người địa phương dẫn đường, nhất là họ dạy cho chúng tôi kỹ năng bắt cá suối, cách lội qua những dòng suối không bị trượt ngã. Sự thân thiện, chân thành và hiểu biết về rừng núi của họ khiến cả đoàn rất cảm phục và yêu mến”-anh Thụy tâm sự.

Thu hút cộng đồng bản địa làm du lịch cũng là mục tiêu phát triển bền vững của huyện Kbang. Không chỉ tạo sinh kế cho người dân, du lịch giúp họ nhận ra tầm quan trọng của công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống tự nhiên. Theo anh Nut, làm du lịch giúp nhiều người thay đổi từ nhận thức đến hành động. “Ngoài nộp thuế môi trường khi dẫn khách vào Khu Bảo tồn, chúng tôi xem bảo vệ tài nguyên rừng là trách nhiệm. Quá trình tiếp xúc với các đoàn du khách cũng giúp bà con hiểu sự cần thiết của thiên nhiên hoang sơ, bảo tồn văn hóa bản địa để thu hút khách. Dọn vệ sinh, không chặt phá cây rừng là yêu cầu bắt buộc của mỗi thành viên”-anh Nut nói.

Sự thân thiện, am hiểu văn hóa, thiên nhiên của người bản địa luôn nhận được sự yêu mến của khách du lịch. Ảnh: NVCC

Sự thân thiện, am hiểu văn hóa, thiên nhiên của người bản địa luôn nhận được sự yêu mến của khách du lịch. Ảnh: NVCC

Có thể thấy, nhiều mô hình du lịch cộng đồng của người bản địa ở vùng đất Đông Trường Sơn như homestay của Đinh Angưi, Đinh Mỡi, Đinh Văn Quý… thu hút một lực lượng lao động là người bản địa tại địa phương. Dù kỹ năng phục vụ vẫn cần được nâng cao, mài giũa, nhưng những hiểu biết về văn hóa và kỹ năng sống dựa vào rừng chính và “tài sản” để đội ngũ này tạo nên sự thú vị, độc đáo cho những tour du lịch trải nghiệm rừng núi.

Có thể bạn quan tâm