Kinh tế

Nông nghiệp

Cộng đồng trách nhiệm giữ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc giao khoán bảo vệ rừng cho nhóm hộ và cộng đồng dân cư dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng, gắn trách nhiệm của họ trong việc giữ bình yên cho những cánh rừng.

Từ sáng sớm, anh Rơ Châm Oa (làng Dip, xã Ia Kreng, huyện Chư Păh) cùng các thành viên trong tổ nhận khoán bảo vệ rừng bắt đầu thực hiện nhiệm vụ. Anh cho biết: “Tổ có 33 người nhận nhiệm vụ bảo vệ hơn 900 ha rừng. Việc bảo vệ rừng không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm vui khi nhìn thấy những cánh rừng do mình canh giữ được bình yên. Gia đình tôi chủ yếu làm rẫy nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Vài năm trở lại đây, khi tham gia công tác bảo vệ rừng, tôi được hỗ trợ một khoản, phần nào giúp trang trải cuộc sống gia đình”.

Ông Trương Duy Kha-Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 4 (Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly) cho biết: Trên địa bàn xã Ia Kreng có hơn 8.183 ha rừng. Ia Kreng giáp ranh với xã Ia Tơi (huyện Ia HDrai) và xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Trạm chỉ có 4 người nên việc tuần tra bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, việc giao khoán rừng cho cộng đồng làng quản lý giúp chúng tôi có thêm nhiều người để đi tuần tra. “Với việc nhận khoán bảo vệ 900 ha rừng, bình quân mỗi hộ có thêm khoảng 1 triệu đồng/tháng”-ông Kha nói.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly phối hợp với người dân xã Ia Kreng (huyện Chư Păh) làm đường ranh cản lửa để phòng-chống cháy rừng. Ảnh: N.S

Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly phối hợp với người dân xã Ia Kreng (huyện Chư Păh) làm đường ranh cản lửa để phòng-chống cháy rừng. Ảnh: N.S

Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba được giao quản lý trên 24.600 ha rừng. Diện tích rừng giáp ranh với tỉnh Đak Lak và thị xã Ayun Pa. Diện tích lớn, địa hình hiểm trở nên công tác quản lý, bảo vệ rừng thực sự là một thách thức đối với 18 nhân viên trực tiếp tham gia quản lý rừng của đơn vị. Ông Nguyễn Đình Sơn-Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba-cho biết: “Để quản lý, bảo vệ diện tích rừng giáp ranh với tỉnh Đak Lak, nhân viên phải đi xe máy gần 4 tiếng đồng hồ với địa hình hết sức khó khăn, nguy hiểm. Vào mùa mưa lũ, anh em phải dầm mình trong mưa, chinh phục những con thác dữ, rồi vắt rừng, cảm sốt…”.

Cũng theo ông Sơn, giai đoạn 2020-2025, đơn vị đã giao khoán 3.600 ha rừng cho 18 nhóm hộ tham gia bảo vệ. Mỗi nhóm có 5-7 hộ gia đình được phân bổ ở 4 xã của huyện Krông Pa gồm: Chư Drăng, Ia Rmok, Ia Hdreh và Uar. Từ khi được giao rừng, các nhóm hộ cùng với nhân viên của đơn vị thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng. Bà con thấy được quyền lợi và trách nhiệm nên đồng hành cùng chủ rừng. Đặc biệt, thông qua tiền dịch vụ môi trường rừng, các hộ dân được tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Từ đó, nhiều hộ dân đăng ký tham gia nhận khoán bảo vệ rừng.

Nhóm hộ do anh Ksor Ka (buôn Thành Công, xã Chư Drăng) phụ trách có 7 gia đình, nhận 200 ha rừng phòng hộ đầu nguồn để quản lý, bảo vệ. Anh Ka cho biết: Không chỉ quản lý tốt diện tích rừng được giao khoán, nhóm của anh còn hỗ trợ cán bộ, nhân viên của Ban trong việc tuần tra. Không những vậy, nhóm còn trực tiếp cùng với chủ rừng xử lý các vụ vi phạm về khai thác gỗ trái phép.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Trong giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh có 59.517 hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng với diện tích trên 847.414 ha. Tổng kinh phí thực hiện khoán bảo vệ rừng là 250 tỷ đồng. Việc triển khai công tác khoán bảo vệ rừng đã tạo việc làm và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân sống gần rừng.

“Thời gian tới, các đơn vị chủ rừng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các hộ nhận khoán về công tác bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện tốt việc lập kế hoạch, phân công trách nhiệm trong các hộ dân nhận khoán. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhằm bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, phấn đấu nâng cao độ che phủ rừng. Tăng cường kiểm tra, giám sát các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng, kịp thời nghiệm thu, thanh toán tiền công nhận khoán bảo vệ rừng đúng thời gian quy định nhằm ổn định về đời sống, giúp người dân yên tâm gắn bó với nhiệm vụ bảo vệ rừng. Cùng với đó, kiến nghị các bộ, ngành tăng đơn giá chi trả khoán bảo vệ rừng, đồng thời giữ ổn định đơn giá đó để người dân an tâm nhận khoán bảo vệ rừng”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nêu giải pháp.

Có thể bạn quan tâm