Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Công khai tài sản cán bộ cấp cao trước và sau bổ nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 “Thực hiện công khai tài sản của cán bộ vào thời điểm trước, trong và sau khi đảm nhận vai trò là lãnh đạo cấp cao cũng được xem là một giải pháp hiệu quả. Bởi một trong những điều kiện tiên quyết của đảng viên là phải trung thực, khai báo đúng sự thật trước Đảng. Thiếu trung thực thì không xứng đáng là đảng viên”, PGS. TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, bình luận về vấn đề phòng chống tham nhũng sau khi hàng loạt cán bộ cấp cao bị đề nghị xem xét xử lý kỷ luật thời gian qua.

PGS. TS Nguyễn Minh Tuấn.



PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn nói: Như chúng ta đã biết, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhấn mạnh đến việc tăng cường thẩm quyền, trách nhiệm và vai trò của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đây là một cơ quan, tổ chức trong Đảng, có vai trò lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng. Với tinh thần đó, Đảng và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng thể hiện rõ quan điểm quyết liệt, mạnh mẽ trong phòng, chống tham nhũng, kiên quyết xử lý những vụ án tham nhũng còn đang bùng nhùng.

Đây là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, không thể xử lý ngay trong một sớm, một chiều. Có nhiều vụ việc phải xới xáo nhiều lần, làm cẩn trọng mới có thể đưa ra thông báo, kết luận. Thông báo số 16 của Ủy ban Kiểm tra trung ương vừa qua cho thấy, những vụ việc dư luận lo ngại “bị quên lãng” đã được điều tra đến cùng, đúng người, đúng tội.

Người dân rất trông mong ở những việc làm cụ thể như vậy, chứ không phải cứ nói chung chung, trừu tượng. Đặc biệt phải xử lý cho được những vụ án tham nhũng lớn về kinh tế. Việc để thất thoát hàng trăm, hàng ngàn tỷ phải có người chịu trách nhiệm.

Việc xử lý tham nhũng sẽ không có vùng cấm, không loại trừ bất cứ ai. Từ những cán bộ đã nghỉ hưu, đến cán bộ đang đương nhiệm và cả cán bộ cấp cao, nếu vi phạm đều bị xử lý theo đúng quy định của Đảng, quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng phải được tiến hành rất thận trọng, vững chắc và thể hiện quyết tâm cao. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải huy động sức mạnh được toàn dân và cả hệ thống chính trị.

Để việc chống tham nhũng hiệu quả hơn, theo ông cần thực hiện giải pháp nào?

Tôi cho rằng, giải pháp căn cơ nhất vẫn là cơ chế kiểm soát quyền lực. Ai có quyền lực đều phải kiểm soát. Tổ chức kiểm soát quyền lực phải toàn tâm, toàn ý, có ý chí và không chịu sự chi phối của bất kỳ quyền lực nào.

Trên cơ sở đó cần phải gắn kết mối quan hệ giữa Ủy ban Kiểm tra trung ương với các cấp ủy, tạo điều kiện cho cơ chế kiểm soát quyền lực vừa đúng, đủ, vừa chắc chắn và không có kẽ hở. Bên cạnh đó, bản thân những người thực thi nhiệm vụ kiểm soát quyền lực cũng cần miễn dịch với những chỉ đạo, can thiệp, chi phối khác.

Thứ nữa là công tác cán bộ và lựa chọn cán bộ, được xem như khâu then chốt của mọi then chốt. Qua đó, cần rèn luyện, bồi dưỡng và lựa chọn những cán bộ hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, có ý chí quyết tâm chống tham nhũng. Đặc biệt với những việc đã hứa với dân thì cần phải được thực hiện chứ không để bị rơi vào quên lãng.

Ngoài ra, công khai tài sản của cán bộ vào thời điểm trước, trong và sau khi đảm nhận vai trò là lãnh đạo cấp cao cũng được xem là một giải pháp hiệu quả. Bởi một trong những điều kiện tiên quyết của đảng viên là phải trung thực, khai báo đúng sự thật trước Đảng. Cán bộ có khối tài sản kếch xù mà lại khai báo có vài tỷ đồng thì không thể chấp nhận được. Thiếu trung thực thì không xứng đáng là đảng viên.

Cảm ơn ông.

 

Thành Nam (TPO)

Có thể bạn quan tâm