Điểm đến Gia Lai

Công trình lưu giữ giá trị trường tồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 19-4 năm nay là tròn 75 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam diễn ra tại Pleiku. Bức thư giản dị và dạt dào tình cảm của Bác đã được ghi tạc thông qua các công trình, truyền bá rộng rãi đến người dân nhằm giữ gìn vẹn nguyên giá trị đến muôn đời sau.

Trường tồn cùng tháng năm

Sau khi thực dân Pháp âm mưu xâm chiếm trở lại nước ta, nhằm khơi dậy sức mạnh đoàn kết, sự đồng lòng đánh đuổi giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam diễn ra vào ngày 19-4-1946 tại Pleiku. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh-cho rằng: “Bức thư của Bác như một bài hịch kêu gọi các dân tộc thiểu số miền Nam đoàn kết đánh Pháp, đã mở ra thời kỳ các dân tộc ở Tây Nguyên cùng nhau đoàn kết và gắn bó chặt chẽ trong cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam, tạo nên sức mạnh thần kỳ, đánh bại những thế lực thực dân đế quốc sừng sỏ nhất, giành lại độc lập, tự do và đang cùng nhau xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh như Bác hằng mơ ước”. Với ý nghĩa to lớn ấy, bức thư với 275 chữ gói trọn tình cảm sâu sắc, niềm tin tuyệt đối của Bác dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam đã được tỉnh Gia Lai gìn giữ như báu vật. Và để bảo lưu các giá trị quý giá ấy đến muôn đời, trong thời gian qua, nhiều công trình lưu giữ thư của Bác cũng được tỉnh triển khai xây dựng.

  Không gian trưng bày các hiện vật, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức thư của Bác được khắc trên tấm gỗ hương mô phỏng nhà rông Tây Nguyên tại Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai-Kon Tum (Bảo tàng tỉnh). Ảnh: Phương Linh
Không gian trưng bày các hiện vật, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức thư của Bác được khắc trên tấm gỗ hương mô phỏng nhà rông Tây Nguyên tại Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai-Kon Tum (Bảo tàng tỉnh). Ảnh: Phương Linh



Tọa lạc trong khuôn viên trụ sở Tỉnh ủy (02 Hai Bà Trưng, TP. Pleiku), “Địa điểm đón thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku năm 1946” đã được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2017. Tại địa điểm này, trước đây có một ngôi nhà sàn-nơi diễn ra Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946. Năm 2006, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Đảng bộ, chính quyền tỉnh Gia Lai lập bia đá tạc nội dung thư Bác. Trên phiến đá xuất xứ từ tỉnh Thanh Hóa nguyên khối hơn 60 tấn là nội dung bức thư được tạc theo kiểu chữ hộp, chất liệu đồng, trên cùng là chân dung Bác trên biểu tượng đài sen. Năm 2017, khi được công nhận di tích cấp tỉnh, mặt trước của bia đá được đổi khắc dòng chữ: “Nơi đây ngày 19 tháng 4 năm 1946 đã tổ chức Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam”. Mặt sau tấm bia phác họa bản đồ Việt Nam.

Quảng trường Đại Đoàn Kết là “trái tim” của Phố núi Pleiku, trở thành niềm tự hào của người dân Gia Lai và là điểm đến yêu thích của du khách. Trong không gian tổng thể của Quảng trường, cùng với tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, Bảo tàng tỉnh, tượng Anh hùng Núp, cụm đá 54 dân tộc..., bức thạch thư tạc toàn bộ nội dung bức thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946 trên khối đá nặng hơn 100 tấn là “mắt xích” hoàn hảo liên kết các công trình nói trên, có ý nghĩa vô cùng to lớn. Ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy-chia sẻ: “Các công trình được xây dựng trong khuôn viên Quảng trường đều mang ý nghĩa biểu trưng cho tinh thần, sức mạnh đoàn kết dân tộc. Cũng vì lẽ đó mà “trái tim” của Phố núi được đặt tên là “Đại Đoàn Kết” như lời hiệu triệu, kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Lời kêu gọi ấy đến bây giờ vẫn còn vẹn nguyên giá trị”.

Ngoài ra, hiện diện tại nhà trưng bày về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Bảo tàng tỉnh), bức thư của Người còn được khắc trên tấm gỗ hương mô phỏng dáng nhà rông Tây Nguyên. Cùng với bộ sưu tập, bức thư của Bác cũng được đánh máy, in phóng to treo trên tường, phía sau bức thư khắc trên gỗ; 2 bản dịch bằng tiếng Jrai và Bahnar cùng nhiều tư liệu liên quan khác. Ông Lê Thanh Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng tỉnh-cho hay: “Nhiều du khách đến thưởng lãm tại Bảo tàng đều dừng lại rất lâu trước các hiện vật, hình ảnh lưu giữ thư Bác Hồ để đọc từng câu, từng chữ mà Người gửi gắm. Tôi tin rằng, ý nghĩa, giá trị các công trình, hiện vật, tư liệu, tài liệu về Bác nói chung, về thư Bác gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946 nói riêng luôn được gìn giữ, trường tồn”.

Khắc ghi lời Bác dặn

Xuất thân từ một ngôi làng Jrai ở xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện), chị Rơ Mah H'Nin từng bước vươn lên, trưởng thành, khẳng định bản thân bằng những năm tháng cống hiến hết mình cho hoạt động Đoàn Thanh niên. Để rồi, từ một cán bộ Đoàn, chị H'Nin chuyển sang công tác tại Ban Dân vận Tỉnh ủy từ năm 2012. Ngày ngày đến làm việc tại trụ sở Tỉnh ủy, khuôn viên có di tích lịch sử “Địa điểm nơi nhận thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku năm 1946”, chị H'Nin vô cùng vui sướng và tự hào. “Những ngày lễ, dịp kỷ niệm, tôi  thường cùng chị em, đồng nghiệp đến chụp hình lưu niệm tại di tích này. Là người Jrai, tôi cảm thấy rất vinh dự khi được làm việc ở đây. Anh chị em trong cơ quan luôn khắc ghi lời Bác, đoàn kết, vui vẻ, hết lòng hỗ trợ, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”-chị H'Nin cho biết.

 Ông Võ Văn Thanh (tổ 6, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) bên bức thạch thư. Ảnh: Phương Linh
Ông Võ Văn Thanh (tổ 6, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) bên bức thạch thư. Ảnh: Phương Linh


Hầu như ngày nào ông Võ Văn Thanh (tổ 6, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) cũng đến Quảng trường Đại Đoàn Kết để tập thể dục. Địa điểm mà ông thường nghỉ lúc mỏi chân là cạnh bức thạch thư. Chăm chú nhẩm đọc từng chữ trên bia đá, ông Thanh bày tỏ: “Việc khắc giữ bức thư của Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946 giàu ý nghĩa không chỉ về mặt lịch sử, giáo dục mà còn thể hiện tình cảm, tấm lòng của người dân Gia Lai đối với Bác. Đây là nơi giáo dục về tình đoàn kết, cội nguồn của sức mạnh dân tộc, của mọi thắng lợi và dựng xây cuộc sống hòa bình, ấm no ngày nay”.

Theo ông Ngô Thành, các công trình khắc lưu thư Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh được đặt đúng vị trí, thể hiện sự tôn trọng, tấm lòng tri ân của đồng bào Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung với Bác. Các công trình ấy đã tạo điều kiện thuận lợi để đông đảo người dân được tiếp nhận, hiểu rằng nội dung bức thư đã dẫn đường Tây Nguyên nói riêng, các dân tộc trong cả nước nói chung củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết vững mạnh, đấu tranh kiên cường, bất khuất giành lấy độc lập tự do, sát cánh xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ quê hương, đất nước trong thời bình.

 

PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm