Đô thị

Nhịp sống Đô thị

"Công trình nghệ thuật" trên đèo Lò Xo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khách lữ hành ngược Bắc xuôi Nam trên tuyến đường Hồ Chí Minh, ngang qua đèo Lò Xo ngày nay, ngoài cảnh đẹp thiên nhiên của quần sơn Ngọc Linh kỳ vĩ còn được “no mắt” khi chứng kiến và chiêm ngưỡng một công trình “nghệ thuật” cũng kỳ thú không kém. Đó là liên tục những đoạn rào chắn ta luy âm bằng lốp ô tô loại thải được sơn phết sáng loáng, đẹp mắt.
Đèo Lò Xo có chiều dài gần 30 km thuộc tuyến đường thiên lý Hồ Chí Minh, ngay điểm giáp ranh giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.
 Một đoạn rào chắn ta luy âm trên đèo Lò Xo. Ảnh internet
Một đoạn rào chắn ta luy âm trên đèo Lò Xo. Ảnh internet
Đèo Lò Xo nổi tiếng hiểm trở. Từ nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra tại đây, công cuộc chỉnh đốn, gia cố tuyến đèo này được tiến hành rốt ráo. Một trong những công đoạn chỉnh đốn, gia cố ấy là làm lan can rào chắn tất cả các đoạn phía ta luy âm suốt dọc cung đèo bằng lốp xe ô tô loại thải. Công trình này đã khiến cảnh quan cung đèo thêm phần khác lạ và độc đáo.
Những lốp xe ô tô loại thải được xếp chồng lên nhau, cứ 6 chiếc lốp thành một cột rào chắn. Các cột lốp liền khít nhau tạo thành một bức tường thành che chắn phía ta luy âm, trông rất vững chắc, bề thế. Các trụ sắt và cột lốp nối dính liền nhau, chằng chéo lấy nhau chắn kín mỗi đoạn ta luy. Toàn bộ phần lốp xe quay ra ngoài đều được sơn phản quang hai màu trắng-đỏ đan xen, cách liền đều. Không kể ban ngày, vào ban đêm lớp sơn phản quang này bắt ánh đèn ô tô rất rõ, giúp cánh lái xe kiểm soát mặt đường an toàn.
Những đoạn cột lốp ô tô trắng đỏ như vậy cứ cách đoạn nhau và liên tục đổi phía ở 2 bên đường theo từng điểm cua quanh, kéo dọc dài đến vài mươi cây số suốt cung đèo Lò Xo, tạo nên cảnh quan vô cùng lạ mắt, sống động và ngoạn mục. Cách làm này đã vô tình biến công trình giao thông thành một “công trình nghệ thuật” vô cùng lý thú. Hầu như khách lữ hành nào ngang qua đây cũng đều buột miệng xuýt xoa khen đẹp. Cung đường thiên lý như cũng bớt đi sự đơn điệu của cảnh sắc hai bên vốn chỉ một nét núi rừng hoang dã, tịch liêu. Sử dụng lốp ô tô cũ làm vật liệu, công trình này còn góp phần giải quyết vấn nạn rác thải nhựa làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hiện nay. Bằng cách làm rất sáng tạo, chi phí cho rào chắn kiểu này cũng ít tốn kém hơn so với cách xây dựng kiểu rào chắn “cứng” khác. Nói dại, nếu chẳng may phương tiện giao thông lỡ ga, lỡ đà xảy ra va quệt vào rào chắn trên thì trước hết là đỡ rơi xuống vực, sau là đỡ phần nguy hiểm và hỏng hóc nhờ ma sát với phần mềm của dàn lốp ô tô.
Được biết, kiểu công trình này đã được áp dụng ở Hàn Quốc từ lâu, còn ở nước ta không rõ đã được thực hiện ở những đâu nữa. Nhưng, trên những chuyến “phiêu lưu ký” của mình, chúng tôi chỉ mới được bắt gặp kiểu công trình này ở đoạn quốc lộ 34 trên đường từ huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) sang tỉnh Cao Bằng. Tại đây, cũng có một đoạn ngắn rào chắn kiểu này, chỉ dài chừng trên dưới trăm mét mà thôi, không “kỳ vĩ” đến vài mươi cây số như ở đèo Lò Xo.
TẠ VĂN SỸ

Có thể bạn quan tâm