Kinh tế

Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai: Triển khai kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu giai đoạn 2025-2030

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)-Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai (AgriS Gia Lai) vừa tổ chức hội nghị khách hàng và triển khai kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu giai đoạn 2025-2030.

Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp; Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa (TTC AgriS) Thái Văn Chuyện; ông Lê Quốc Phong- Tổng giám đốc Trung tâm Kinh doanh nông nghiệp AgrC (thuộc TTC AgriS); lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai; lãnh đạo các địa phương trong vùng nguyên liệu của AgriS Gia Lai và gần 250 khách hàng đại diện hơn 4.000 hộ trồng mía khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai và các vùng lân cận.

z5985758336915-49be9728923e9668cbdfc553d4cb78bc.jpg
Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai cùng lãnh đạo TTC AgriS và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Nguyễn Lê

Vụ ép 2023-2024, vùng nguyên liệu mía của AgriS Gia Lai đạt 14.500 ha, năng suất bình quân đạt gần 80 tấn/ha, sản lượng thu mua hơn 1 triệu tấn. Trong vụ ép 2024-2025 sắp đến, dự kiến vùng nguyên liệu của AgriS Gia Lai nâng lên 15.000 ha, công suất ép 8.000 tấn mía cây/ngày, sản lượng mía ép dự kiến trên 1 triệu tấn.

co-gioi-hoa-boc-mia-giam-duoc-nhieu-cong-lao-dong.jpg
Cơ giới hóa trong khâu bốc mía trong vùng nguyên liệu AgriS Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Lê

Đối với giai đoạn 2025-2030, AgriS Gia Lai xây dựng kế hoạch nâng công suất ép của Nhà máy từ 8.000 tấn lên 12.000 tấn mía/ngày. Mở rộng vùng nguyên liệu lên 18.000 ha. Ngoài ra, AgriS Gia Lai sẽ bảo hiểm giá mía thu hoạch trong 3 vụ liên tiếp từ vụ ép năm 2025 đến năm 2028 với giá 1 triệu đồng/tấn mía 10 chữ đường.

z5986062186782-4fe8796cb6415878d4157c64954cab2d.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Lê

Phát biểu tại hội nghị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp biểu dương những kết quả đạt được trong vụ ép 2023-2024 của AgriS Gia Lai cùng những định hướng phát triển vùng nguyên liệu mía gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cho người trồng mía.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Hiện nay, ngành nông nghiệp Gia Lai đang phát triển theo hướng hữu cơ, công nghệ cao gắn liên kết theo chuỗi giá trị. Vì vậy, định hướng phát triển vùng nguyên liệu AgriS Gia Lai từ năm 2025-2030 là phù hợp với chủ trương của tỉnh. Thời gian tới, Công ty cần tiếp tục hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc, thu hoạch mía theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa các khâu nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho người trồng mía. Đồng thời, đề nghị các địa phương trong vùng nguyên liệu tạo điều kiện cho AgriS Gia Lai đồng hành cùng người dân phát triển cây mía theo hướng bền vững…”.

z5992037326590-bea5051aee0214dd9b619843be8e94a1.jpg
Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai cùng lãnh đạo TTC AgriS và AgrC cùng kỳ vọng cây mía sẽ phát triển bền vững. Ảnh: Nguyễn Lê

Cũng tại hội nghị, ông Lê Quốc Phong-Tổng giám đốc Trung tâm Kinh doanh nông nghiệp AgrC (đại diện TTC AgriS)-cho biết: Là một thành viên trong hệ sinh thái TTC AgriS, Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai tự hào viết tiếp hành trình “TTC AgriS 55 năm phụng sự kiện toàn chuỗi giá trị trách nhiệm và 55 năm thương hiệu Đường Biên Hòa”. TTC AgriS sẽ dồn toàn lực phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững nhằm đạt mục tiêu 60.000 tỷ đồng vào năm 2030. Thực hiện nghiêm túc tôn chỉ kinh doanh xanh-sạch-bền vững và đạt Net Zero vào năm 2035.

Ngoài ra, trong niên độ 2024-2025, TTC AgriS Gia Lai sẽ tập trung vào việc hoàn thiện mô hình “Một điểm dừng-Đa dịch vụ tiện tích” thông qua Trung tâm Kinh doanh Nông nghiệp AgrC. Cùng với đó, AgrC cung cấp dịch vụ phân tích đất, tư vấn quản lý dinh dưỡng cây trồng, các sản phẩm phân bón và quản lý, bảo vệ thực vật toàn diện. Song song là các giải pháp về cơ giới hóa trong nông nghiệp, ứng dụng canh tác chính xác dựa trên thế mạnh của hệ sinh thái John Deere-Nhà cung cấp máy móc và nông cụ hàng đầu thế giới, các ứng dụng về công nghệ trong nông nghiệp (AgTech) như: giải pháp tưới, quản lý đồng ruộng bằng hồ sơ nông trường điện tử; thám sát đồng ruộng bằng công nghệ viễn thám. Ngoài ra, AgrC cũng cung cấp các dịch vụ về nông học như: giống, quy trình canh tác, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, các chương trình đào tạo ứng dụng cho nhân sự trong hoạt động sản xuất nông nghiệp…

Có thể bạn quan tâm