Mặc dù thời tiết mưa gió, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trong khi nguồn kinh phí chưa thể đáp ứng đủ theo định mức nhưng tập thể cán bộ lãnh đạo và người lao động trong toàn Công ty CP Công trình Đô thị Gia Lai vẫn nỗ lực vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cắt dọn cây xanh trong mùa mưa bão |
Để “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” luôn Xanh - Sạch – Đẹp
Công ty CP Công trình Đô thị Gia Lai là doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn TP.Pleiku, tiền thân là doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công ích đô thị. Hằng năm, Công ty được UBND TP.Pleiku đặt hàng các hạng mục như chăm sóc cây hoa, thảm cỏ, giải phân cách, quản lý các nơi công cộng; vận hành, sửa chữa, thay thế thiết bị hệ thống điện công cộng và hạng mục thoát nước đô thị; thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đô thị…
Cụ thể trong năm 2020, Công ty đã hoàn thành tổng khối lượng công việc như: gom rác đường phố, đường hẻm, ngõ xóm gần 75.000km; thu gom, vận chuyển, xử lý gần 59.000 tấn rác; duy trì, chăm sóc thảm cỏ công viên với hơn 124.000m2; quản lý, vận hành 338 trạm điện chiếu sáng công cộng trong toàn thành phố…
Cây xanh gãy đổ do mưa gió, công nhân phải lập tức dọn dẹp bất kể ngày đêm |
Những việc làm trên của Công ty cùng góp phần giúp TP.Pleiku ngày càng sáng- xanh- sạch- đẹp , phát triển thành phố theo hướng đô thị thông minh, “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”, xứng tầm là đô thị loại I được Chính phủ công nhận là đô thị hạt nhân, trung tâm chính trị- kinh tế, văn hoá- xã hội, khoa học- kỹ thuật của vùng Bắc Tây Nguyên nói chung và của tỉnh Gia Lai nói riêng.
Dù đã hoàn thành tốt công việc được giao, nhưng trong năm qua, kinh phí đã chi cho thực hiện giá trị hợp đồng ở lĩnh vực dịch vụ công ích đô thị mới chỉ đạt khoảng 71%. Điều này đồng nghĩa, đơn vị đặt hàng chi trả giảm hơn 33 tỷ đồng so với dự toán đã phê duyệt. Kinh phí thiếu hụt đã gây nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất và chăm lo đời sống cho hàng trăm người lao động của Công ty CP Công trình Đô thị Gia Lai.
Nỗ lực vì công nhân nhưng khó khăn về… tài chính
Công nhân của Công ty thuộc nhóm đối tượng lao động nặng nhọc, độc hại trong lĩnh vực vệ sinh môi trường. Họ phải thường xuyên làm việc trọn vẹn tất cả các ngày trong tháng, kể cả dịp lễ tết và lúc mưa bão. Đặc biệt, trong năm 2020 và 8 tháng đầu năm 2021, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nên Công ty còn phải trả thêm chi phí phát sinh trong việc mua sắm trang thiết bị chuyên dùng và bảo hộ cho người lao động tăng cường làm việc tại các cơ sở cách ly, khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao COVID -19. Với đặc thù công việc, người lao động xứng đáng được chi trả đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách theo qui định, tránh trường hợp công nhân dừng làm việc khiến rác thải bị ùn ứ như vài năm về trước.
Ở lĩnh vực dịch vụ công ích đô thị, rác một ngày không thể không dọn, cây gãy đổ cần phải xử lý ngay, lương công nhân đến hẹn phải trả… Bởi vậy, để công việc trôi chảy và hiệu quả, trong năm 2020, Công ty đã phải “gồng mình” vay mượn, tạm ứng kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau để cố gắng đảm bảo thu nhập cho toàn thể người lao động tạm ổn định, không để tình trạng nợ lương, phúc lợi xã hội xảy ra.
Công việc đã nặng nhọc lại tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật |
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Công ty CP Công trình Đô thị Gia Lai, phân trần:“ Gánh nặng tài chính đang dồn hết cho công ty. Thế nên đời sống của người lao động vốn đã nặng nhọc, độc hại nay lại càng vất vả hơn do dịch bệnh Covid-19. Nhằm tạo điều kiện giúp đỡ cho Công ty tháo gỡ khó khăn về tài chính, rất mong lãnh đạo các cấp xem xét bổ sung nguồn kinh phí còn thiếu trong năm 2020 để Công ty không chỉ trả lương mà còn trang trải phúc lợi dành cho người lao động vì hiện tại công ty phải vay cũng như tạm ứng từ nhiều nguồn để cố gắng đảm bảo thu nhập cho người lao động, không để nợ lương kéo dài… ”
Trăn trở của người lao động
Thấu hiểu khó khăn mà công ty phải gánh chịu, năm 2019 Công ty đã được UBND tỉnh Gia Lai và UBND TP.Pleiku quan tâm hỗ trợ cấp bổ sung có mục tiêu 25 tỷ đồng để bù đắp các khoản chênh lệch giữa giá trị hợp đồng đầu năm và giá trị dự toán. Điều này đã góp phần động viên kịp thời để Công ty đảm bảo hoạt động sản xuất và tăng lương cho người lao động với trên 10% so với năm 2018.
Nữ công nhân Nguyễn Thị Lân trú tại đường Âu Cơ, phường Thắng Lợi (TP.Pleiku) chia sẻ: “ Tôi làm nghề thu gom, vận chuyển rác đã được hơn 10 năm, từng bị xe chạy ẩu tông chấn thương, đến nay chết hẳn một dây thần kinh thực vật. Mặc dù Công ty rất quan tâm đến đời sống cho chúng tôi, nhưng do kinh phí cấp trên giao còn thiếu nên giai đoạn gần đây chế độ thưởng các dịp lễ tết bị cắt giảm so với trước. Vậy nên rất mong các cấp lãnh đạo xem xét. Được như vậy chúng tôi rất mừng! ”.
Nữ công nhân thu gom rác ban đêm trên đường Đồng Tiến, TP.Pleiku. |
Đồng cảm với ý kiến trên, chị Nguyễn Thị Hoài trú ở tổ 1, phường Thống Nhất (TP.Pleiku) ưu tư: “Vợ chồng tôi cùng làm trong Công ty. Công việc nặng nhọc, độc hại không ngại, nhưng thời gian gần đây chế độ lương thưởng chưa tương xứng so với công sức bỏ ra khiến đời sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Mong lãnh đạo tỉnh và TP.Pleiku quan tâm nhiều hơn nữa đến công việc và đời sống của chúng tôi.”
Về câu chuyện kinh phí còn thiếu, PV chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu và được Chủ tịch UBND Tp Pleiku Nguyễn Hữu Quế, thông tin: “ Khó khăn là khó khăn chung. Thành phố cũng rất muốn đáp ứng 100% theo định mức để Công ty làm tất cả các công đoạn để đô thị Pleiku xanh, sạch hơn. Tuy nhiên do nguồn thu của Thành phó có hạn, trong đó chi thường xuyên cũng như các khoản chi khác cũng không kém quan trọng cần phải đáp ứng…
Chúng tôi chấp nhận cắt bớt một số công đoạn để bảo đảm mức chi phù hợp với thu ngân sách trên địa bàn. Vẫn biết như thế là chưa ổn nhưng chưa thể tìm được giải pháp nào khác nên tạm chấp nhận vậy. Trong tương lai khi thu ngân sách tăng, thành phố sẽ đáp ứng đầy đủ theo định mức … Việc thiếu khoảng 30% kinh phí, Công ty có thể yêu cầu ngân sách Tỉnh hỗ trợ thêm …”.
Theo THÁI HÀ (trithuccuocsong)