(GLO)- “Tham gia ngành sản xuất, chế biến thực phẩm, mình không chuẩn ngay từ đầu thì sẽ phải trả giá rất lớn. Do đó, khi chuyển hướng sang lĩnh vực chế biến cà phê, tôi lựa chọn đồng hành, hỗ trợ nông dân đưa các sản phẩm cà phê chất lượng, an toàn cho sức khỏe đến tay người tiêu dùng. Đây chính là con đường hướng đến sự bền vững của doanh nghiệp”-bà Phan Thị Thùy Dung-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thùy Dung Gia Lai (phường Hội Phú, TP. Pleiku) chia sẻ.
Nhắc đến Công ty TNHH một thành viên Thùy Dung Gia Lai, người tiêu dùng trên địa bàn TP. Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung không xa lạ bởi đây là doanh nghiệp có uy tín lẫn bề dày hoạt động ở mảng kinh doanh hàng thực phẩm, tiêu dùng, là nhà phân phối cho rất nhiều nhãn hàng có thương hiệu. Năm 2015, Công ty bắt đầu bước chân vào một lĩnh vực mới mẻ, đó là chế biến cà phê bột nguyên chất, cà phê hạt rang xay. Quyết định này bắt nguồn từ sự trăn trở của bà Phan Thị Thùy Dung-Giám đốc Công ty: “Mình sống trên vùng đất Tây Nguyên có thế mạnh về cây cà phê, hồ tiêu. Tại sao mình không giúp nông dân thương mại hóa sản phẩm, tận dụng lợi thế mạng lưới phân phối để đưa cà phê hạt nguyên chất 100% đến tay người tiêu dùng”.
Cà phê Thùy Dung tham gia Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm tại Gia Lai năm 2019. Ảnh: S.C |
Với sự quyết đoán của một người làm kinh doanh lâu năm, bà Dung bắt tay liên kết với nhiều nông hộ sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, đặt hàng sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với mức giá luôn cao hơn giá thu mua trên thị trường để giúp nông dân yên tâm sản xuất. Ngoài ra, Công ty còn thu mua nguyên liệu sạch trên sàn từ các nhà cung cấp lớn như Olam, Itamex để chế biến sản phẩm.
Gia đình ông Trần Quang Sơn (thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) là một trong những hộ liên kết sản xuất với Công ty Thùy Dung Gia Lai. Ông Sơn cho biết: “Khi liên kết với doanh nghiệp, chúng tôi chỉ cần tập trung sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng mà không phải lo lắng về giá cả, đầu ra sản phẩm. Ngược lại, Công ty Thùy Dung Gia Lai có nguồn nông sản chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Còn người tiêu dùng thì yên tâm khi sử dụng sản phẩm, không lo hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”.
Là “tân binh” trong ngành chế biến cà phê bột, Công ty Thùy Dung Gia Lai xác định phải làm bài bản ngay từ khâu nguyên liệu đến chế biến. Do đó, Công ty đã mạnh tay đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến Cà phê Thùy Dung Gia Lai với dây chuyền thiết bị hiện đại. Không những thế, Công ty còn đầu tư hàng trăm máy xay, máy ép cà phê để cung cấp cho các quán; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu để đẩy mạnh marketing ra thị trường; kết hợp nghiên cứu tâm lý, thị hiếu người tiêu dùng để cho ra đời 19 dòng sản phẩm như: cà phê hạt, cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê ép phin, cà phê ép máy, cà phê chồn… Đến nay, cà phê Thùy Dung được phân phối qua hệ thống 1.000 quán hợp tác sử dụng, phân phối sản phẩm, phủ sóng thị trường các huyện, thị xã, thành phố và ra các tỉnh thành khác.
Không chỉ chế biến cà phê, với tâm huyết đưa nông sản, đặc sản Gia Lai đến tận tay người tiêu dùng, Công ty Thùy Dung Gia Lai còn chủ động liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với nông hộ, vùng nguyên liệu đặc sản như: hồ tiêu, các loại hạt, thảo dược, trà xanh, chuối rừng, măng khô, mật ong, nấm linh chi… Từ đó, Công ty đã có trên 60 mặt hàng đặc sản được thương mại hóa dưới thương hiệu Thùy Dung để đưa ra thị trường.
Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Tuy mới tham gia lĩnh vực chế biến cà phê nhưng sản phẩm của Công ty Thùy Dung Gia Lai đã định hình thương hiệu, từng bước có được thị phần. Công ty hiện nằm trong tốp đầu doanh nghiệp ở lĩnh vực sản xuất cà phê bột. Kết quả này rất đáng ghi nhận vì lĩnh vực chế biến cà phê bột có mức độ cạnh tranh rất lớn, không dễ chen chân nếu không đủ khả năng, tiềm lực. Đáng lưu ý, cà phê là mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, dư địa sản xuất, chế biến sau còn rất lớn. Vì vậy, khi Công ty Thùy Dung Gia Lai đi theo hướng chế biến sâu, gia tăng giá trị cho sản phẩm, cộng với kinh nghiệm về mảng phân phối để phát triển thị trường đầu ra cho nông sản là điều rất đáng khuyến khích.
SƠN CA