Cơn mưa đầu mùa đến sớm đánh thức vườn cao su trở dậy cũng là thời gian Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang tiến hành cạo mủ và trồng mới cao su. Năm nay giá mủ vẫn tiếp tục giữ ở mức cao nên những người làm cao su rất phấn khởi. Nhiệm vụ trồng mới cũng đang gặp nhiều thuận lợi.
Thưởng cao cho người vượt khoán
Về Nông trường Tân Lập, nhắc tới Uyl thì ai cũng biết. Là công nhân cạo mủ của Tổ 1, vào làm công nhân được 9 năm và liên tục Uyl đều vượt khoán. Trên diện tích giao khoán 1.700 cây cao su, Uyl luôn vượt đến 36% sản lượng khoán với 2,6 tấn mủ mỗi năm. Uyl cho biết: “Lúc mới vào làm cao su mình bỡ ngỡ lắm nhưng nhờ được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật, cộng với tinh thần chịu khó, cạo đúng quy trình, không bỏ ngày cạo, ngày chủ nhật đi lễ thì mình tranh thủ đi lễ sớm rồi về để cạo mủ. Chính vì thế mà năm nào mình cũng vượt khoán. Vụ cạo mới này, mình quyết tâm vượt khoán cao hơn vụ trước để tăng thu nhập”.
Với khẩu hiệu “Vững lý thuyết giỏi thực hành”, quyết tâm hoàn thành vượt sản lượng 8.000 tấn mủ là mục tiêu phấn đấu của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang trong vụ cạo mới năm 2011. Năm nay, khí thế vào vụ cạo mới rầm rộ hơn mọi năm. Bởi lẽ giá mủ ổn định ở mức 104 triệu đồng/tấn. Hiện Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang có hơn 7.800 ha, trong đó có 6.600 ha đang khai thác. Tuy nhiên, nhiều vườn cây của Công ty lại đang bị phấn trắng, để cạo được mủ phải mất một thời gian chữa trị, chăm sóc.
Vườn ươm tại huyện Vansay-tỉnh Rattanakiri (Campuchia) của Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang. |
Tiếp tục phát triển vườn cây
Ngoài diện tích đã đưa vào khai thác, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đang tập trung phát triển nguồn nhân lực, tranh thủ các điều kiện để mở rộng quy mô, diện tích cao su tại Gia Lai, Kon Tum và Vương quốc Campuchia, phấn đấu đến năm 2015 diện tích cao su trồng trong nước là 10.000 ha, tại tỉnh Kon Tum và Campuchia là 12.000 ha. Việc làm này, cũng theo ông Lê Đình Bửu, không hoàn toàn vì lợi nhuận mà chính là tạo mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh ta với nước bạn Campuchia và tạo việc làm, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người địa phương và vùng lân cận.
Trong năm 2010, Công ty đã trồng mới tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) và tỉnh Rattanakiri (Campuchia) được gần 2.000 ha cao su, trồng tái canh được 260 ha, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn công nhân, với mức lương bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Vừa qua, tại huyện Vansay, tỉnh Rattanakiri, Campuchia, Công ty đã tổ chức lễ ra vườn trồng mới cao su năm 2011, động thổ khởi công nhà máy chế biến mủ, với công suất 10.000 tấn mủ/năm, tổng số tiền đầu tư cho nhà máy dự kiến hơn 20 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty có kế hoạch tuyển thêm 100 lao động phổ thông trên địa bàn tỉnh để đưa sang làm công nhân lâu dài tại các dự án trồng cao su ở Campuchia.
Khu nhà ở công nhân tại huyện Vansay, tỉnh Rattanakiri (Campuchia). |
Ông Lê Xuân Thảo- Phó Bí thư Đảng ủy Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang, cho biết: Công ty đã cử cán bộ kỹ thuật có tay nghề tăng cường cho các vùng dự án nhằm đảm bảo tiến độ trồng mới và đảm bảo chất lượng vườn cây. Năm nay, ngay từ đầu vụ khí hậu thời tiết thuận lợi cho việc trồng mới, là tiền đề để Công ty hoàn thành kế hoạch năm và những năm tiếp theo.
Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng mủ cao su và trồng mới năm 2011, áp dụng giải pháp nâng cao năng suất vườn cây, quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, tất cả hội đủ điều kiện để tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của năm.
Đinh Yến