Kinh tế

Giá cả thị trường

CPI tháng 11 thêm 0,39%: Do giá xăng dầu và chi phí thuê nhà tăng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

CPI tháng 11 đã tăng 0,39%, trong đó khu vực thành thị tăng 0,48%, khu vực nông thôn tăng 0,29% so với tháng 10. Trong rổ tính CPI, báo cáo cho biết có 8 nhóm hàng tăng giá và 3 nhóm giảm giá.

Chỉ số giá nhóm lương thực của tháng 11 tăng 0,59% so với tháng 10. (Ảnh: Vietnam+)
Chỉ số giá nhóm lương thực của tháng 11 tăng 0,59% so với tháng 10. (Ảnh: Vietnam+)


Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 đã tăng 0,39% so với tháng 10, tăng 4,56% so với tháng 12/2021 và tăng 4,37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá xăng dầu, chi phí thuê nhà lên cao

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) chỉ ra nguyên nhân chính khiến CPI trong tháng tăng lên chủ yếu do giá xăng dầu trong nước đã điều chỉnh theo biến động của thế giới cộng thêm chi phí thuê nhà tăng cao.

Cụ thể, CPI tại khu vực thành thị tăng 0,48% và khu vực nông thôn tăng 0,29% so với tháng trước. Trong rổ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, báo cáo chỉ ra có 8 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và 3 nhóm giảm giá.

Theo ghi nhận từ báo cáo, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 11 đã tăng 0,97% so với tháng 10 và tác động CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm, bắt nguồn từ mức giá thuê nhà "leo thang"1,54% và giá dịch vụ sửa chữa nhà ở lên trên 0,45%.

Tốc độ tăng giảm CPI tháng 11 so với tháng 10:


 

 (Nguồn: TCTK)
(Nguồn: TCTK)


Bà Oanh cho hay giá nhân công sơn và xây tường, lát gạch, lao động phổ thông đắt hơn do nhu cầu sửa chữa và xây dựng nhà vào cuối năm tăng cao. Ngoài ra, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,28%, bởi giá xi măng, gạch xây, gạch bê tông, tấm lợp, sơn tường tăng theo giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.

Mặt khác, giá gas tăng 5% so với tháng trước, tăng 20.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới tăng 35 USD/tấn (từ mức 575 USD/tấn lên mức 610 USD/tấn). Giá dầu hỏa tăng 7,02% và giá xăng dầu tăng 5,83% trong các đợt điều chỉnh (ngày 1-11-21/11).

Việc xăng dầu tăng giá đã khiến chỉ số giá nhóm giao thông trong tháng tăng 2,23% so với tháng 10 và tác động CPI chung tăng 0,22 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm lương thực của tháng cũng tăng 0,59% so với tháng trước. Trong đó, giá gạo tẻ thường tăng 0,46%, gạo tẻ ngon và gạo nếp đều tăng 0,31%.

Bà Oanh cho biết chủ yếu do các nhà xuất khẩu tăng cường thu mua lúa từ nông dân để hoàn thành các hợp đồng đã ký. Hơn nữa, tỷ giá USD/VND trên thị trường tăng làm cho giá gạo xuất khẩu tốt hơn, từ đó khuyến khích các nhà xuất khẩu đẩy mạnh bán hàng ra nước ngoài.

Lạm phát được kiềm chế

Bà Oanh nhấn mạnh để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội.

Nhờ vậy, lạm phát đã được kiềm chế và chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 3,02% so với cùng kỳ năm 2021.

Một số nguyên nhân chính làm tăng CPT trong 11 được bà Oanh chỉ ra, như việc giá xăng dầu được điều chỉnh 31 đợt, theo đó giá xăng A95 tăng 490 đồng/lít, xăng E5 tăng 120 đồng/lít, dầu diezen tăng 7.230 đồng/lít, dầu hỏa tăng 8.130 đồng/lít.

Tính bình quân 11 tháng so với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước tăng 31,76% và tác động làm CPI chung tăng 1,14 điểm phần trăm. Ngoài ra, giá gas cũng tăng 12,76% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm.

Bà Oanh cho biết thêm sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng và điều này đã khiến cho giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 11 tháng tăng 4,78% so với cùng kỳ năm trước đồng thời làm CPI chung tăng 0,41 điểm phần trăm.

Theo bà Oanh, lạm phát cơ bản tháng 11 tăng 0,43% so với tháng 10 và tăng 4,81% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân 11 tháng của năm, lạm phát cơ bản  tăng 2,38% so với cùng kỳ năm 2021 và thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,02%).

 

(Nguồn: TCTK)
(Nguồn: TCTK)


“Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu,” bà Oanh nhấn mạnh.

Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm