Nhà cũ cha mẹ để lại con đã phá đi rồi để xây ngôi nhà mới tiện nghi, hợp với cuộc sống hiện đại của nông thôn mới. Cha mẹ cũng đã nương theo hương khói về cùng tiên tổ. Cuộc sống hối hả trong vòng quay xô bồ của cơm áo, gạo tiền.
Thế mà chiều nay nơi khoảnh sân nhà, tấm liếp phên một thời xưa cũ, trải qua bao mưa nắng vẫn khiến con bồi hồi xúc động, không nỡ bỏ đi cái kỷ vật tưởng như vô giá ấy. Bao kỷ niệm ngày xưa ùa về xa xăm mà ngỡ vẫn tươi nguyên như mới hôm qua.
Ở làng quê xưa, tấm liếp phên tre trở thành vật dụng đa năng không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà. Tùy vào cách đan dày hay thưa và nan tre chẻ to hay nhỏ mà liếp phên có những công dụng khác nhau. Trong nhà thì làm bức vách, làm mái trần. Ngoài sân lại thành mái hiên di động cho sân đất, sân gạch. Che tấm liếp trước hiên nhà, mùa nắng đỡ rọi mùa mưa đỡ tạt, đỡ người ngoài nhìn thông thốc vào nhà. Cũng vật liệu ấy, nếu đan thưa và tấm nhỏ lại thành tấm mành rào vườn để chăm chút ít hoa màu khỏi sự phá hoại của bầy gà. Ở các làng nghề, người ta có thể đan tấm liếp phên để phơi bánh tráng, bánh đa...
Cái hữu dụng và mang nét gần gũi, bình yên cho mỗi ngôi nhà làng quê xưa bỗng dưng một ngày bị thay thế mà ta vô tâm chẳng nhận ra. Thậm chí đôi lúc còn đáng trách hơn khi ta muốn sự thay thế ấy diễn ra nhanh chóng hơn mà đâu biết nó là kỷ niệm, là nhân chứng của một thời khó nhọc đã qua, đã xa, đã một đi không trở lại. Ta đâu nhớ rằng để đan được tấm liếp phên cũng cần biết bao sự tỉ mỉ, nhẫn nại kì công. Đầu tiên là chọn những cây tre già, dài đốt chặt về đem ngâm xuống ao một vài tháng để tăng độ bền và khả năng chống mối mọt. Sau đó, tre được vớt lên, phơi khô, cưa thành khúc tùy theo công dụng và chẻ thành nan để đan. Người xưa thường bảo “Giỏi đan lồng mốt, dốt đan lồng hai” để nói rằng có rất nhiều cách thức đan lát theo từng nan lẻ hay nan đôi nhằm tạo ra những sản phẩm khác nhau và đan lát là cả một nghệ thuật đầy công phu.
Minh họa: Trà My |
Nguyên liệu chính của tấm liếp phên là tre và dây mây. Đó cũng là nguyên liệu để làm nên tất tần tật mọi vật dụng trong nhà từ thúng, mủng, rổ rá đến nong nia, giần, sàng... Thậm chí vòng tuần hoàn của một đời người cũng gắn với một đời tre.
Khi con sinh ra được mẹ, bà hát ru ầu ơ trên chiếc chõng tre mà khôn lớn, trưởng thành. Khi chết đi, vẫn là hai đòn tre nâng đỡ thân xác để trở về cát bụi. Ký ức tuổi thơ của mọi đứa trẻ thôn quê ngày xưa chạm vào đâu cũng là hình ảnh của cây tre, lũy tre. Bao nhiêu trò chơi, đồ chơi gắn liền với tre từ chiếc bẹ làm cống ngày mưa, nhánh tay non bóc bẹ quay vòng, làm ống phóc đến đan sập lồng, đan lồng bẫy chim hay những trò chơi quên cả thời gian buổi trưa hè dưới lũy tre mát rượi...
Cây tre một thuở thân thuộc, tiện dụng như thế nên bao nhiêu nhà văn, nhà thơ ví như con người Việt Nam: “Rễ siêng không ngại đất nghèo/ Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù” (Tre Việt Nam - Nguyễn Duy) hay “Tre giữ làng giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hy sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu” (Cây tre Việt Nam - Thép Mới)...
Khi đất nước bước vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sắt thép đã nhiều hơn tre nứa. Làng quê giờ đã hiếm hoi những lũy tre trùm mát rượi. Khúc nhạc tâm tình của tre đã lùi về dĩ vãng. Những vật dụng từ tre được thay thế bằng nhựa, inox... Ta bỗng luyến nhớ, tiếc thương thể như cánh diều tre tuổi thơ buổi chiều căng gió đã vụt bay mất.
Tấm liếp phên kỷ niệm rồi làm sao ta có thể giữ mãi cho khỏi hư hỏng cùng thời gian. Cha mẹ ta rồi cũng khuất mờ trong ký ức theo hương khói. Nhập nhòa trong nước mắt, ta chợt thấy bóng mình của một buổi mai nào ngồi trước hiên nhà, chống liếp phên lên ngóng đợi cha đi cày ruộng, mẹ đi chợ xa sao vẫn chưa về...
Đinh Hạ (baodaklak.vn)