Bắt đầu từ ngày 1-7-2018, Chính phủ sẽ gia hạn miễn thị thực (visa) thêm 3 năm cho công dân 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha) đến Việt Nam, thay vì gia hạn từng năm.
Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, việc tạo điều kiện thuận lợi về visa giúp tăng lượt khách quốc tế đến Việt Nam khoảng 10% |
Thông tin này được dư luận, nhất là những người làm trong ngành du lịch, doanh nghiệp lữ hành, du khách… đánh giá cao. Bởi những năm gần đây, các hãng lữ hành đều phải chờ đợi mỗi năm để xem có được xét duyệt miễn visa tiếp hay không, gây khó cho doanh nghiệp khi muốn quảng bá điểm đến, bán tour.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, Việt Nam đang bị tụt hạng so với các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia về chính sách miễn visa. Chẳng hạn, Malaysia miễn visa cho 164 quốc gia và vùng lãnh thổ, Singapore miễn cho khoảng 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, Philippines miễn cho 165 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đối với Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại mới miễn visa cho 24 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Quyết định nói trên được kỳ vọng tạo cú hích cho ngành du lịch trong thời gian tới. Qua phân tích của các hãng lữ hành, thời gian gần đây, 2 đối tượng khách đến nước ta đông nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc, nhưng mức chi tiêu của nhóm khách này chỉ khoảng 900USD/người, với thời gian lưu trú dưới 10 ngày. Riêng khách châu Âu, thời gian lưu trú dài hơn, bình quân khoảng 15 ngày trở lên, với mức chi tiêu khoảng 1.600USD/người…
Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, việc tạo điều kiện thuận lợi về visa giúp tăng lượt khách quốc tế đến Việt Nam khoảng 10%, tương ứng với mức doanh thu trực tiếp khoảng 100 triệu USD, cao hơn nhiều so với số tiền thất thu từ miễn visa cho khách (khoảng 17 triệu USD). Song song đó, nền kinh tế Việt Nam có thể hưởng lợi gấp 3 lần, đến từ nguồn thu trực tiếp và gián tiếp do du lịch mang lại.
Thông tin từ Tổng cục Du lịch, trong 4 tháng đầu năm 2018, khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, đạt trên 5,5 triệu lượt, tăng 29% so với cùng kỳ 2017. Năm 2015 Việt Nam đón khoảng 720.000 lượt khách Tây Âu, đến năm 2017 là 1,5 triệu lượt. Những con số đạt được khá ấn tượng. Tuy vậy, nếu căn cứ Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xác định đến năm 2020 ngành du lịch đón khoảng 18,5 triệu lượt khách quốc tế, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch là 20 tỷ USD, thì Việt Nam cần hàng loạt chính sách “mở” để đạt mục tiêu đặt ra.
Theo các chuyên gia phân tích, muốn kích cầu du lịch đạt hiệu quả, Việt Nam không chỉ gói gọn ở việc miễn visa cho du khách 5 nước Tây Âu, mà cần tăng thời gian lưu trú cho nhóm khách này lên 30 ngày thay vì 15 ngày; đồng thời xem xét mở rộng miễn visa đến các thị trường tiềm năng khác như Úc, New Zealand, Bỉ, Hà Lan, Canada…
Thi Hồng (sggp)