Kinh tế

Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh: Cửa đã mở nhưng...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh được xác định là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Gia Lai. Nhưng ở đây vẫn chưa thực sự xác lập được vị thế vững chắc trong phát triển kinh tế- xã hội cũng như làm thay đổi diện mạo đời sống người dân nơi vùng biên giới.
Cửa khẩu… tiềm năng
Được Chính phủ công nhận là Cửa khẩu Quốc tế từ nhiều năm nay nhưng Lệ Thanh chỉ đang là cửa khẩu… tiềm năng. Từ năm 2003 đến nay, tỉnh Gia Lai đã đầu tư vào đây với nhiều hạng mục như Trung tâm Thương mại cửa khẩu, các công trình cơ sở hạ tầng với số tiền khoảng 120 tỷ đồng. Nơi đây từng có không khí tấp nập, nhộn nhịp, hối hả, nhưng đó là sự hiện diện của một công trường đang mùa thi công. Nhiều người dân nói rằng ở đây chỉ thực sự là tấp nập, đông vui vào hai thời điểm: Thi công công trình và làm lễ khi cửa khẩu được công nhận là cửa khẩu quốc tế. Còn sau đó, khối lượng hàng hóa, lượng người qua lại vẫn chưa đáng kể.
Chợ Cửa khẩu Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) chỉ hoành tráng… mặt ngoài. Ảnh: T.H
Chợ Cửa khẩu Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) chỉ hoành tráng… mặt ngoài. Ảnh: T.H
Gần đây, việc khánh thành quốc lộ 78 của Campuchia dấy lên hy vọng phát triển kinh tế- xã hội của vùng Đông Bắc nước này. Và quá trình phát triển kinh tế- xã hội ở vùng biên giới của Gia Lai (Việt Nam) từ đây cũng được đặt thêm nhiều kỳ vọng. Trong 2 năm vừa qua, việc các nhà đầu tư của Việt Nam sang vùng Đông Bắc của Campuchia đầu tư đã mang lại những tín hiệu khả quan về cơ hội phát triển. Nhưng tất cả chỉ đang trong giai đoạn kiến thiết, xây dựng cơ bản nên cơ hội thực sự hẳn sẽ mất không ít thời gian.
Ông Đào Văn Rõ- Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thừa nhận: “Hiện chưa có các mặt hàng mang tính định hướng, ổn định cao. Hàng nhập khẩu chủ yếu là gỗ xẻ, hạt điều, mì lát… và hàng xuất là vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng và xăng dầu… Riêng gỗ xẻ đã bị phía bạn tạm dừng cả năm nay. Chúng tôi hy vọng con đường 78 của Campuchia mới hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong trao đổi thương mại hai chiều, có thêm nhiều mặt hàng có giá trị cao được xuất-nhập. Lượng người qua lại gần đây có tăng lên do sự mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam”.
Theo Chi cục Hải quan Gia Lai- Kon Tum, tổng kim ngạch xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh trong 7 tháng đầu năm 2010 đạt gần 24 triệu USD, nhập khẩu gần 34 triệu USD. Hàng nhập khẩu đa phần là máy móc, trang- thiết bị của các công trình thủy điện. Trong kim ngạch xuất khẩu, mặt hàng xăng dầu đã có giá trị lên đến 7,9 triệu USD… Và theo như nhận xét của ngành chức năng thì những con số trên vẫn “chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có”.
Nhiều hạng mục dang dở
Thực tế, nhiều hạng mục ở khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đang dang dở. Nơi đây vẫn chưa thực sự thu hút những nhà đầu tư có tầm để góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở vùng biên. Chưa nhiều những người dân vùng biên giới Đức Cơ có thể mưu sinh từ hoạt động thương mại hai chiều. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đã từng có một số nhà đầu tư lưu tâm đến khu vực cửa khẩu nhưng cuối cùng mọi việc chỉ đang dừng lại ở mức khảo sát, tìm hiểu...
Hiện nhiều công trình có giá trị không nhỏ đang nằm chơ vơ. Một trong những công trình hoành tráng ở khu vực cửa khẩu nhưng cũng đang gây nhiều thất vọng là Chợ Cửa khẩu Lệ Thanh. Khu chợ có giá trị đầu tư nhiều tỷ đồng được xây dựng hơn 3 năm nay vẫn vắng bóng những gian hàng, khách lui tới. Khu chợ chỉ hoành tráng ở… mặt ngoài, có khoảng 80% diện tích đang bỏ trống. Một số chủ sạp hàng hiếm hoi kinh doanh một vài thứ hàng hóa ít giá trị như áo quần, một ít loại phấn thoa, mỹ phẩm rẻ tiền, hàng tiêu dùng thiết yếu… Họ cho biết là do quá ít khách ghé chợ nên hoạt động kinh doanh ế ẩm. Một nửa lầu 1 của chợ chỉ dùng để kinh doanh các loại nước giải khát nhưng cũng vắng bóng khách.
Gần một nửa của lầu 1 chỉ dùng để kinh doanh các loại nước giải khát, rất vắng khách. Ảnh: T.H
Gần một nửa của lầu 1 chỉ dùng để kinh doanh các loại nước giải khát, rất vắng khách. Ảnh: T.H
Bến xe khu vực cửa khẩu nằm cách chợ không xa cũng chịu chung cảnh ngộ. Hàng ngày bến chỉ đón vài chiếc xe khách lèo tèo dỡ hàng. Nếu không có cái biển khá to được treo “lơ đễnh” thì hẳn chẳng ai biết đó là bến xe! Trong khoảng ba giờ đồng hồ vào buổi sáng ở khu vực này, chúng tôi đếm chỉ có ba xe khách đến dỡ hàng.
Ông Trịnh Văn Thành- Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết: Từ cuối năm 2009, UBND tỉnh đã có phê duyệt, dành 200 ha đất để giới thiệu đến các nhà đầu tư. Hiện các ngành chức năng đang triển khai cắm mốc, đến năm 2011 sẽ tiến hành xây dựng các hạng mục tiếp theo, kịp mời gọi đầu tư vào đây. Trước đó nhiều năm, dân đã lấn chiếm khoảng 100/200 ha đất thuộc khu vực này để canh tác hoặc “đón đầu” chờ đền bù… Dĩ nhiên việc chiếm đất trái phép sẽ không khó để xử lý, nhưng cũng mất thời gian...
Trần Hiếu

Có thể bạn quan tâm