Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thực hiện trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng đầu năm 2018.
Nghị định 40/2018/NĐ-CP bổ sung một số quy định trong hoạt động bán hàng đa cấp. (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Việt Nam) |
Căn cứ quy định tại Điều 49 Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) mới có yêu cầu các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, thực hiện trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng đầu năm 2018 đến Bộ Công Thương theo quy định.
Trước đó, nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động bán hàng đa cấp, hướng tới xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh trong lĩnh vực này, Nghị định số 40/2018/NĐ-CP đã bổ sung thêm nhiều điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Cụ thể là nâng mức ký quỹ tối thiểu từ 5 tỷ lên 10 tỷ đồng đối với doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp; Các doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp phải có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp. Hệ thống công nghệ thông tin này phải được vận hành trên máy chủ đặt tại Việt Nam.
Đồng thời, các doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp phải có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.
Bên cạnh đó, để bảo vệ người tham gia trước các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, Nghị định cũng có nhiều quy định hướng hoạt động bán hàng đa cấp đi vào đúng bản chất là một hình thức phân phối hàng hóa, không bị lợi dụng để thực hiện hoạt động huy động tài chính trái phép.
Doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp phải thanh toán cho người tham gia bán hàng đa cấp bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng đối với tiền hoa hồng và tiền thưởng.
Doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp muốn hoạt động tại địa phương phải nộp hồ sơ đăng ký và phải được Sở Công Thương tại các địa phương đồng ý xác nhận đăng ký hoạt động tại địa phương. Cơ quan quản lý tại địa phương có quyền thu hồi xác nhận đăng ký hoạt động tại địa phương nếu doanh nghiệp có các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định.
Ngoài việc bổ sung những điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, Nghị định 40 cũng đưa ra các quy định nhằm đơn giản hóa một số thủ tục hành chính: hạn chế các trường hợp sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận; áp dụng thủ tục thông báo trong trường hợp có thay đổi danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp; áp dụng cơ chế tự động trong thủ tục thông báo hội nghị, hội thảo, đào tạo.
Đặc biệt, để nâng cao trách nhiệm người tham gia bán hàng đa cấp, Nghị định quy định người tham gia bán hàng đa cấp phải có cam kết bằng văn bản khi tham gia bán hàng đa cấp.
PV/VOV.VN