Kinh tế

Nông nghiệp

Cục Trồng Trọt lên tiếng cảnh báo việc dân trồng ồ ạt cây mít Thái

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Năm 2018 diện tích trồng mới cây mít Thái cả nước tăng 2,5 lần so với năm 2017. Riêng ĐBSCL tăng nhanh nhất, gấp 4,15 lần.
Các tháng đầu năm 2019, do thương lái Trung Quốc thu mua mít Thái với giá cao khiến nông dân các tỉnh mở rộng thêm diện tích trồng loại quả này, khiến Cục Trồng Trọt phải tiếp tục lên tiếng cảnh báo vì tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sơ kết vụ Hè Thu 2019, việc sản xuất các loại cây ăn trái gặp nhiều thuận lợi do giá thu mua các loại cây ăn trái tương đối tốt, đặc biệt các loại cây ăn trái chủ lực được rải vụ thu hoạch như thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn, sầu riêng.
 
 Cục Trồng Trọt tiếp tục lên tiếng cảnh báo vì việc gia tăng trồng mít Thái chứa đựng nhiều rủi ro.
Một số cây ăn trái được nông dân tiếp tục mở rộng riện tích như thanh long, sầu riêng, bưởi,… Đặc biệt khi giá thu mua mít Thái của thương lái xuất khẩu sang Trung Quốc ở mức cao (35.000 - 45.000 đồng/kg, cá biệt có thời điểm giá mít từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, lợi nhuận từ 400 triệu đồng đến 600 triệu đồng/ha/năm), dẫn đến nông dân tại một số tỉnh mở rộng diện tích nhanh, một số ngoài vùng quy hoạch, thiếu tính ổn định.
Số này trồng chủ yếu trên vườn cây ăn quả, cây công nghiệp kém hiệu quả, vườn mít giống cũ và một số diện tích đất trồng lúa, tập trung tại các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam Bộ.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng Trọt, năm 2018 cả nước có 26.174 ha mít, sản lượng 307.534 tấn. Trong đó vùng ĐBSCL có diện tích lớn nhất với 10.105 ha; diện tích thu hoạch 6.396 ha, chiếm 38,6% tổng diện tích và 37,1% sản lượng cả nước năm 2018.
 
Diện tích trồng mới mít Thái diễn ra nhanh nhất tại các tỉnh ĐBSCL.
Đáng lưu ý, tổng diện tích trồng mới cả nước trong 2 năm 2017 - 2018 là 5.790 ha. Nếu năm 2017 diện tích trồng mới khoảng 1.654 ha thì sang năm 2018 là 4.134 ha, gấp 2,5 lần năm trước.
Diện tích trồng mới diễn ra nhanh nhất tại các tỉnh ĐBSCL. Trong năm 2017 chỉ 581 ha, thì sang năm 2018 lên tới 2.407 ha, tăng gấp 4,15 lần.
Từ đầu năm 2019 đến nay, diện tích trồng mới khoảng 1.140 ha, tập trung tại tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ…
Ông Tùng cho biết, cây mít chưa được các tỉnh xác định là cây ăn quả chủ lực. Do đó, việc đầu tư, hỗ trợ cho phát triển sản xuất mít chưa có. Phần lớn nông dân vẫn sản xuất tự phát, chưa có quy trình sản xuất cụ thể cho các loại hình trồng xen, trồng thuần và chuyển đổi từ đất lúa.
Việc chuyển đổi sang trồng mít diễn ra rải rác ở nhiều địa phương, lại không theo vùng trồng tập trung. Diện tích lớn sẽ dẫn đến nhiều rủi ro trong mùa lũ, ngập úng và thiệt hại do hệ thống đê bao chưa hoàn thiện, khép kín.
 
Nhiều mặt hàng nông sản trong nước còn phụ thuộc vào Trung Quốc nên rủi ro khi thị trường biến động.
Tình hình sâu bệnh xuất hiện gây hại vẫn còn diễn biến phức tạp trong khi nguồn cung cấp cây giống sạch bệnh, quản lý chất lượng nguồn gốc cây giống còn gặp nhiều khó khăn. “Đặc biệt là thị trường chủ yếu phụ thuộc Trung Quốc nên rủi ro khi thị trường biến động”, ông Tùng lưu ý.
Tình hình xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,83 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm với 73,7% thị phần.

Xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm 2019 đạt 1,04 tỷ USD, tăng 4,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Nguyên Vỹ (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm