Kinh tế

Giá cả thị trường

Cụm Công nghiệp Đức Cơ: Đòn bẩy thu hút đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhằm tạo khu vực sản xuất tập trung cho doanh nghiệp, huyện Đức Cơ đã đề xuất UBND tỉnh Gia Lai cho phép thành lập Cụm Công nghiệp (CCN) quy mô 30 ha tại xã Ia Kriêng.

Bắt đầu theo đuổi việc trồng và chế biến cà phê bột cách đây vài năm, anh Nguyễn Hân-thành viên Hợp tác xã Kinh doanh-Dịch vụ-Nông nghiệp Ia Lang (huyện Đức Cơ) đã xây dựng được sản phẩm cà phê mang thương hiệu Nguyễn Hân đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Tuy nhiên, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, cơ sở chế biến được đặt ngay tại nhà nên bất tiện. Anh Hân bày tỏ: “Mở rộng quy mô sản xuất và được tiếp cận thị trường rộng lớn hơn chính là mong ước của tôi. Khi đã phát triển quy mô thì việc có một quỹ đất sạch rộng rãi để đặt cơ sở chế biến là điều rất cần nhưng với tôi là khá khó khăn vì đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Không chỉ tôi mà những người đang khởi nghiệp đều cho rằng thành lập một CCN là cần thiết. Chúng tôi có thể thuê đất với những chính sách ưu đãi của Nhà nước”.

 Dự án điện mặt trời tại huyện Đức Cơ. Ảnh: Hà Duy
Dự án điện mặt trời tại huyện Đức Cơ. Ảnh: Hà Duy


Liên quan vấn đề này, ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho biết: “Nhu cầu thực tế về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương là rất lớn. Trong khi đó, huyện chỉ có một khu sản xuất kinh doanh tập trung nằm ở phía Tây thị trấn Chư Ty với diện tích 9,4 ha được thành lập năm 2007. Lúc đó, huyện xây dựng khu này với mục đích đưa các hộ kinh doanh có khả năng gây ô nhiễm môi trường vào để dễ quản lý. Đã từng có hơn 90 tổ chức, hộ gia đình thuê đất xây dựng cơ sở hạ tầng để hoạt động nhiều ngành nghề như: mộc, sửa chữa ô tô, mua hàng nông sản, buôn bán vật liệu xây dựng, cơ khí, nội thất…”.

Là cửa ngõ phía Tây của tỉnh, Đức Cơ có nhiều thế mạnh mở rộng dịch vụ buôn bán, sản xuất kinh doanh cũng như thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, Đức Cơ cũng là vùng đất có trữ lượng lớn về khoáng sản, có thế mạnh về cây công nghiệp, hệ thống giao thông thuận tiện. Những năm gần đây, huyện Đức Cơ đang dần thay đổi cơ cấu kinh tế, chuyển dịch theo hướng ngày càng tăng giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, cung cấp nước… Cuối năm 2020, giá trị sản xuất ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt gần 1.200 tỷ đồng, chiếm 20,31% trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Từ những thuận lợi trên, vừa qua, UBND huyện Đức Cơ đề xuất UBND tỉnh cho phép thành lập CCN. Theo đó, CCN huyện được quy hoạch tại làng Ia Kăm (xã Ia Kriêng) với diện tích 30 ha theo Quyết định số 1629/QĐ-UBND ngày 9-9-2014 của UBND huyện về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng xã Ia Kriêng đến năm 2030. Vị trí quy hoạch CCN nằm trên trục quốc lộ 19, cách Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh 25 km, thuận lợi cho việc xuất-nhập khẩu hàng hóa; cách trung tâm TP. Pleiku 54 km và nằm giữa các khu kinh tế, khu công nghiệp, CCN lớn của tỉnh, góp phần giảm thiểu chi phí, tăng khả năng lưu thông sản phẩm, hàng hóa, giảm thời gian vận chuyển, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, thành phẩm sản xuất ra.

Ông Trần Ngọc Phận cho biết: Thành lập mới CCN là phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện giai đoạn 2021-2025 và khả năng kết nối với khu vực đô thị, vùng nguyên liệu. “Trong đề xuất gửi UBND tỉnh, chúng tôi cũng đã thể hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2022 xúc tiến việc thành lập mới CCN Đức Cơ; đến năm 2025 đưa tỷ lệ lấp đầy trong CCN lên trên 35%, thu hút khoảng 100 tỷ đồng vốn đầu tư, tạo việc làm cho 300-500 lao động. Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục đầu tư hạ tầng và thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh với mục tiêu lấp đầy 60-70%, thu hút khoảng 200 tỷ đồng vốn đầu tư, tạo thêm việc làm cho 600-1.000 lao động”-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết thêm.

 

 HÀ DUY
 

Có thể bạn quan tâm