Kinh tế

Cung cấp nước sạch cho người dân đô thị: Bao giờ mới đủ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế trong nhiều năm qua thì tốc độ tăng dân số về mặt cơ học lẫn sinh học của TP. Pleiku và các trung tâm huyện, thị xã trong tỉnh đã tác động đến nhiều mặt xã hội. Trong đó, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt thường ngày càng tăng, trong khi đó hệ thống cấp nước hiện có chưa đáp ứng được yêu cầu. Thực tế này đã đặt ra vấn đề phải nâng cấp, mở rộng quy mô, xây dựng mới hệ thống cấp nước để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của người dân thành phố.

Người dân đô thị “khát” nước sạch

 

Biển Hồ- nguồn nước cung cấp cho TP. Pleiku

Việc thiếu nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố đã gây nhiều bức xúc cho người dân. Ông Lê Minh Sơn-tổ 12, phường Diên Hồng nói: Tổ dân phố tôi đều dùng nước giếng khoan để sử dụng cho ăn uống hàng ngày. Sống ở thành phố nhưng nhu cầu tối thiểu là nước sạch sinh hoạt lại không có. Còn anh Trần Anh Dũng-phường Trà Bá bức xúc: Sống ở thành phố mà không có nước sinh hoạt là điều vô lý. Nhiều lần họp tổ dân phố kiến nghị nhưng việc đâu vẫn còn đó. Chúng tôi sử dụng nước của Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai cung cấp thì trả tiền chứ có sử dụng không đâu mà không khảo sát đưa nước sinh hoạt đến khu vực này. Không có nước, chúng tôi đành phải khoan giếng để sử dụng, mà muốn khoan được giếng để có nước sinh hoạt rất khó khăn và tốn kém.

Không chỉ người dân Pleiku, mà tại thị xã Ayun Pa và thị xã An Khê vẫn còn rất nhiều hộ dân chưa có nước sạch phục vụ sinh hoạt hàng ngày hoặc phải dùng nước kém chất lượng. Chị Nguyễn Thị Trung-tổ 7, phường An Tân, thị xã An Khê đăng ký sử dụng nước máy đã 5 năm nhưng chưa khi nào hài lòng về độ sạch của nước. Nước máy bơm lên đục ngầu, để một lúc sẽ có một lớp bùn đọng lại. Nếu sử dụng để giặt quần áo thì quần áo bị ngã màu và nhanh cũ; tắm thường bị ngứa. Vì thế, gia đình phải mua thêm bồn lọc xử lý lại nước máy để tắm giặt và mua nước lọc để nấu ăn”. Nhiều gia đình phải khoan giếng hoặc mua thêm bồn lọc để lọc lại nước máy rồi mới sử dụng. Qua thống kê, trên địa bàn thị xã hiện có trên 3.000 hộ đăng ký sử dụng nước máy, song thực tế chỉ khoảng 2.600-2.700 hộ sử dụng, số còn lại chỉ bắc đợi sau này nước máy đảm bảo chất lượng hơn mới sử dụng.

Đề cập đến thực trạng nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng, ông Đỗ Tuấn Diệp-Trưởng ban Quản lý Nhà máy nước An Khê thừa nhận: Thực tế chất lượng nước của nhà máy cung cấp cho người dân vẫn chưa đảm bảo chất lượng so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Theo tìm hiểu của P.V, nguyên nhân chính dẫn đến việc nước sinh hoạt cung cấp cho người dân không đảm bảo chất lượng là do nguồn nước được lấy từ sông Ba để xử lý cung cấp cho người dân bị nhiễm bẩn kể từ khi thủy điện An Khê-Ka Nak chặn dòng tích nước và nhà máy thiếu trang-thiết bị xử lý nước, dẫn đến việc xử lý nước không đảm bảo chất lượng. Ông Diệp cho biết: Do nhà máy thiếu thiết bị xử lý, kể cả máy đo định lượng để kiểm tra chất lượng nước sau xử lý nên việc xử lý nước chủ yếu theo cảm tính. Sau khi cho vôi và phèn vào, nếu thấy nước đục quá thì tăng lượng phèn, vôi và clo vào chứ không có cách xử lý nào khác.

Bao giờ mới đủ nước sạch cung cấp cho dân

 

Ảnh: Thụy Sương

Hiện nay trên địa bàn TP. Pleiku có khoảng 17 ngàn khách hàng sử dụng nước sạch do Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai cung cấp, chiếm 40% dân số của thành phố. Như vậy, 60%  dân số còn lại người dân phải đào hoặc khoan giếng để lấy nước sinh hoạt hàng ngày. Theo dự  báo của cơ quan quản lý, đến năm 2015, dân số TP. Pleiku là 224.701 người và tăng lên 267.995 người vào năm 2020. Song song với tốc độ tăng dân số thì nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cũng tăng lên làm nới rộng khoảng cách giữa nhu cầu sử dụng nước và khả năng cấp nước của Công ty cấp nước sạch ngày càng cao. Báo cáo điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Pleiku đến năm 2020 đặt ra yêu cầu phát triển hệ thống cấp nước đảm bảo cung cấp lượng nước 49.000 m3/ngày vào năm 2015 và đến giai đoạn 2015-2020 đạt chỉ số 86.000 m3/ngày. Định hướng phát triển đã có, song dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt của đơn vị cấp nước hiện nay rất khó đáp ứng mục tiêu cấp nước đề ra.

Ông Hà Quang Khanh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai cho biết: Hiện nay, hệ thống ống dẫn nước của Công ty chưa thể phủ hoàn toàn đến các khu vực dân cư được nên trên một số tuyến đường ở thành phố chưa có nước sạch để người dân sử dụng. Riêng đối với các đường hẻm, Công ty sẽ khảo sát và phải có sự hỗ trợ của nhân dân để cùng thực hiện chứ nguồn kinh phí của Nhà nước còn hạn chế không đủ vốn đề đầu tư, khi khảo sát những tuyến đường nào có khả thi thì Công ty mới đầu tư đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
 

Trưởng ban Quản lý Nhà máy nước An Khê-ông Đỗ Tuấn Diệp nói: Để đáp ứng nước sạch cho dân, thời gian qua thị xã An Khê đã đầu tư cho Nhà máy nước xây dựng 2 bể lắng ngang, cải tạo bể lọc trước khi bơm nước, sửa chữa, lắp đặt các van xả cặn để xả cặn bả trước khi bơm, tránh bị nghẹt và ảnh hưởng đến chất lượng nước. Mỗi quý, Nhà máy nước An Khê thuê Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh kiểm tra chất lượng nước một lần để xử lý những nội dung chưa đạt theo yêu cầu của địa phương. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của những người có trách nhiệm của thị xã An Khê thì những biện pháp trên không đảm bảo việc xử lý nước về chất lượng nước. Vì vậy, cần thiết phải đầu tư nâng cấp hệ thống trang-thiết bị xử lý nước mới đảm bảo được chất lượng nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân trên địa bàn.

Để giải quyết vấn đề nước sạch sinh hoạt cho người dân, dự án xây dựng mới hệ thống cấp nước tại xã Biển Hồ, công suất giai đoạn đầu là 30.000 m3/ngày, giai đoạn đến năm 2020 là 40.000 m3/ngày, tổng vốn đầu tư trên 231,5 tỷ đồng do Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku làm chủ đầu tư chính thức khởi công ngày 8-3-2014. Dự án sẽ hoàn thành đưa vào vận hành vào tháng 3-2015. Hạng mục chính của dự án gồm cụm công trình thu và trạm bơm nước thô; tuyến ống chuyển tải nước thô; nhà máy xử lý bao gồm hạng mục cụm xử lý với ngăn phân chia lưu lượng-bể phản ứng có lớp cặn lơ lửng-bể tuyển nổi-bể lọc nhanh, nhà hóa chất, trạm bơm cấp 2 và nhà điều hành... Cùng với nhà máy cấp nước hiện có, dự án sẽ góp phần nâng tỷ lệ số hộ của thành phố được sử dụng nguồn nước an toàn, liên tục, nhất là khu vực dân cư phía Đông-Tây thành phố, xã Trà Đa và khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bên cạnh đó, hệ thống cũng sẽ cung ứng nguồn nước sạch cho hoạt động dịch vụ, thương mại, sản xuất công nghiệp tại Khu Công nghiệp Trà Đa. 

Anh Khoa-Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm