Cuộc thi về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tỉnh Gia Lai năm 2024

Kết nghĩa với các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số:

Củng cố niềm tin, tạo động lực giảm nghèo - Kỳ 1: Ngày hội gắn kết nghĩa tình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã củng cố niềm tin, tạo động lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no.

Từ năm 2004 đến 2010, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành văn bản chỉ đạo, phân công các sở, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, doanh nghiệp và đồn Biên phòng phụ trách các xã trọng điểm. Qua đó, tỉnh đã kịp thời nắm bắt, giải quyết các vấn đề từ thực tiễn cơ sở.

Đến ngày 5-12-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Hoạt động kết nghĩa này đã củng cố niềm tin, tạo động lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no.

Lễ kết nghĩa trang trọng, đầm ấm

“Rất lâu rồi, người dân làng Plei Hlốp (xã Chư Don, huyện Chư Pưh) mới có một ngày hội vui đến như vậy”. Đó là khẳng định của ông Rmah Sem-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Plei Hlốp khi nhắc đến lễ kết nghĩa giữa làng với Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) diễn ra cuối tháng 3-2024.

Bởi từ hôm nay, bà con dân làng và cán bộ, công chức, viên chức Sở GT-VT sẽ xem nhau như anh em một nhà, tương trợ, giúp đỡ nhau. Vì là sự kiện được mong đợi nên từ nhiều ngày trước khi diễn ra lễ kết nghĩa, người dân trong làng đã chủ động dọn vệ sinh nhà cửa, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm.

Tỉnh Đoàn kết nghĩa với làng Phang, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ. Ảnh: P.L

Tỉnh Đoàn kết nghĩa với làng Phang, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ. Ảnh: P.L

Làng Plei Hlốp có 100 hộ dân với 446 khẩu, trong đó, hơn 90% là người DTTS. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của làng chiếm trên 50%. Tại lễ kết nghĩa, nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn Sở GT-VT quan tâm hỗ trợ và đồng hành cùng người dân tạo nên những chuyển biến tích cực về mọi mặt của đời sống.

Trên cơ sở trao đổi, thống nhất nội dung, 2 đơn vị đã ký kết giao ước; trong đó, Sở GT-VT tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho người dân; phối hợp với các đơn vị đào tạo lái xe tiến hành rà soát, tổ chức đào tạo lái xe mô tô hạng A1 và máy kéo nhỏ hạng A4, giúp người dân có kiến thức và kỹ năng để tham gia giao thông an toàn; hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tại lễ kết nghĩa, Sở GT-VT đã hỗ trợ 5 con bò cho 5 hộ nghèo với tổng trị giá 50 triệu đồng. Đơn vị đang chuẩn bị khởi công 1 nhà tình nghĩa (trị giá 80 triệu đồng) cho hộ khó khăn về nhà ở. “Đối với các nội dung kết nghĩa, Chi bộ đều đưa vào nghị quyết hàng tháng để lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời, phân công đảng viên phụ trách việc hướng dẫn, giúp đỡ các hộ nghèo đã được hỗ trợ bò trong việc chăm sóc.

Chi bộ cũng lãnh đạo, chỉ đạo Ban Nhân dân thôn, các chi hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ”-ông Sem cho hay.

Chỉ thị số 13-CT/TU nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tăng cường sự gắn kết, phối hợp, hướng dẫn, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện với thôn, làng đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh trật tự gắn với thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh.

Trong khi đó, lễ kết nghĩa giữa làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro) với Sở Giáo dục và Đào tạo vui càng thêm vui khi có sự tham dự của Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung.

Tại lễ kết nghĩa, bà con mặc trang phục truyền thống của dân tộc hân hoan chào đón những người anh em. Đội cồng chiêng của làng tấu lên những bài chiêng rộn ràng, tươi vui. Trong tiếng chiêng ngân vang, mọi người nắm chặt tay nhau hòa theo điệu xoang.

Ông Đinh Văn Đơm-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Châu-phấn khởi chia sẻ: Kết nghĩa là một nét đẹp trong đời sống của đồng bào Bahnar. Chỉ cần thấy quý mến, tin tưởng nhau, họ có thể kết nghĩa làm cha-con, mẹ-con, anh-em với mong muốn quan tâm, gắn kết sâu đậm, giúp nhau trong cuộc sống.

Làng Châu cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức kết nghĩa mang ý nghĩa rộng hơn. Và với sự hỗ trợ từ đơn vị kết nghĩa, người làng Châu chắc chắn sẽ đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Ngoài 20 sở, ngành được UBND tỉnh phân công kết nghĩa với 17 thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, nhiều cơ quan, đơn vị cấp tỉnh cũng đã chủ động triển khai công tác kết nghĩa theo tinh thần Chỉ thị số 13.

Ngày 7-5, Tỉnh Đoàn đã kết nghĩa với làng Phang (xã Ia Lang, huyện Đức Cơ). Buổi lễ diễn ra trong không khí đầm ấm, vui vẻ. Phát huy bản sắc truyền thống, những chàng trai, cô gái Jrai đã mang đến buổi lễ những tiết mục trình diễn cồng chiêng cùng điệu xoang đặc sắc.

Trưởng thôn Kpuih Quan thông tin: “Thu nhập của bà con dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi nên đời sống còn nhiều khó khăn. Đến nay, làng còn 77 hộ nghèo, 26 hộ cận nghèo. Chúng tôi cũng hy vọng qua hoạt động kết nghĩa, với các nội dung đã ký kết, làng Phang sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới”.

Niềm vui của người nghèo

Nhìn về phía ngôi nhà cũ đã tháo dỡ một phần, khuôn mặt chị Rmah Hlin (làng Plei Hlốp, xã Chư Don) hiện rõ sự vui mừng. 26 tuổi, chị Hlin đã là mẹ của 5 đứa con. Nhìn các con ngày một lớn phải sống trong ngôi nhà chưa đầy 20 m2 đã xuống cấp, vợ chồng chị nhiều đêm mất ngủ. Vợ chồng chị cũng nghĩ đến việc vay mượn để sửa lại nhà nhưng vì nhà tạm, sử dụng đã lâu, rất khó để sửa chữa; còn tháo dỡ hoàn toàn để dựng lại nhà mới thì chi phí vượt ngoài khả năng.

Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Thị Giang Thảo tặng quà cho người dân làng Phang (xã Ia Lang, huyện Đức Cơ). Ảnh: Phan Lài

Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Thị Giang Thảo tặng quà cho người dân làng Phang (xã Ia Lang, huyện Đức Cơ). Ảnh: Phan Lài

Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình chị, làng đã đề xuất và được đơn vị kết nghĩa hỗ trợ 80 triệu đồng xây dựng nhà mới trên nền ngôi nhà cũ. “Con mình ngày nào cũng hỏi: Mẹ ơi có người giúp mình làm nhà thật hả? Vợ chồng mình cũng vui và biết ơn lắm! Có nhà ở ổn định rồi, vợ chồng mình không còn phải lo lắng nhiều nữa, chỉ tập trung chăm sóc đàn bò để chúng khỏe mạnh, sinh sản đều và chăm sóc cây trồng, nuôi dạy các con. Mình sẽ cố gắng để sớm thoát nghèo”-chị Hlin bộc bạch.

Cũng giống như chị Hlin, từ ngày được Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Păh hỗ trợ kinh phí xây dựng căn nhà mới, ông A Kih-hộ nghèo làng Kon Kơ Mŏ (xã Hà Tây) như được tiếp thêm động lực, siêng năng lao động hơn.

Ông Kih phấn khởi kể: “Ngày 22-4, làng kết nghĩa với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Păh thì ngày 11-6, đơn vị đã khởi công xây dựng nhà ở cho gia đình mình. Cuối tháng 7-2024, mình sẽ dọn vào nhà mới. Nhà mới có phòng khách, 2 phòng ngủ rộng rãi. Có nhà mới rồi, các cán bộ sẽ bày cho mình cách làm ăn, chỉ cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Đến nay, tất cả các sở, ban, ngành được UBND tỉnh phân công đã hoàn thành việc tổ chức lễ kết nghĩa với 17 thôn, làng đồng bào DTTS. Có 15/17 địa phương cấp huyện đã triển khai tổ chức kết nghĩa với 504 cơ quan, đơn vị kết nghĩa với 329 thôn, làng. Riêng thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa dự kiến tổ chức kết nghĩa trong tháng 6 này.

Được biết, trước khi kết nghĩa với làng Kon Kơ Mŏ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Păh đã khảo sát để nắm rõ tình hình đời sống của người dân, từ đó thống nhất kế hoạch, nội dung hướng đến mục tiêu giúp đúng, trúng những thứ bà con cần.

Ông Đặng Thái Huy-Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện-cho biết: “Ban xác định công tác kết nghĩa là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, đồng thời cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm của đơn vị với các làng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

Do đó, ngoài kinh phí do các cán bộ, nhân viên đóng góp, đơn vị đã kết nối, huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng những công trình ý nghĩa cho làng. Mặt khác, căn cứ theo nhu cầu của người dân, Ban cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, từng bước cải thiện đời sống”.

Lễ kết nghĩa là sự kiện đánh dấu mối quan hệ đoàn kết, thống nhất trên cơ sở hiểu biết, giúp đỡ giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào DTTS. Sự tương tác 2 chiều sẽ giúp các sở, ngành, địa phương bám sát địa bàn, kịp thời nắm bắt các vấn đề phát sinh ở cơ sở để tham mưu, đề xuất xây dựng các chính sách phù hợp.

Ngược lại, thực lực chính trị tại các thôn, làng đồng bào DTTS sẽ được củng cố; dân làng cũng được tiếp cận kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thông qua công tác tuyên truyền, vận động. Mặt khác, mỗi sở, ngành đều cam kết hỗ trợ 5 hộ khó khăn, giúp người dân có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm