Đô thị

“Cung đường biết nói” cảnh báo nguy cơ mất an toàn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Gia Lai là 1 trong 3 tỉnh, thành phố được chọn triển khai Dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói” do Quỹ Phòng-chống thương vong châu Á (AIP) cùng một số đối tác thực hiện.

Triển khai tại TP. Pleiku từ tháng 3-2021, dự án xác định các cung đường nguy hiểm tại khu vực trường học gửi đến các cơ quan thẩm quyền để đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng đạt hiệu quả cao nhất.

Dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói” được triển khai tại 18 trường học ở TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Yên Bái và Gia Lai từ tháng 3-2021 đến tháng 3-2024 với mục tiêu nâng cao năng lực cho thanh-thiếu niên, từ đó chủ động đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề giao thông thiếu an toàn đến với các cấp quản lý.

Tại TP. Pleiku, dự án được triển khai thí điểm tại 5 trường học gồm: Cao đẳng Gia Lai, THPT Hoàng Hoa Thám, THPT Phan Bội Châu, THCS Trần Phú và THCS Nguyễn Du.

Ban An toàn giao thông tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành chia sẻ và trao đổi kết quả dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói” được triển khai tại TP. Pleiku. Ảnh: Minh Phương

Ban An toàn giao thông tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành chia sẻ và trao đổi kết quả dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói” được triển khai tại TP. Pleiku. Ảnh: Minh Phương

Đánh giá về kết quả triển khai dự án tại đơn vị, thầy Bùi Hữu Nghĩa-Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du-nhận xét: Qua hơn 2 năm triển khai Dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói”, giáo viên và học sinh nhà trường đã tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa.

Đáng chú ý, hơn 100 giáo viên và học sinh được tham gia tập huấn về khu vực trường học an toàn và ứng dụng kết nối thanh-thiếu niên (YEA). Ứng dụng này là công cụ hỗ trợ học sinh trực tiếp chia sẻ ý kiến và các địa điểm có nguy cơ về an toàn giao thông (ATGT) khu vực trường học cũng như “điểm đen” về giao thông để hỗ trợ các cơ quan chức năng lựa chọn giải pháp cải tạo cơ sở hạ tầng phù hợp, đảm bảo ATGT.

Với các điểm đã ghim kèm theo ghi chú về những rủi ro an toàn đường bộ mà các em cảm nhận được, giáo viên và học sinh tổ chức thảo luận, đánh giá với sự phản biện của học sinh; đồng thời, tổ chức buổi thuyết trình để học sinh trình bày thực trạng giao thông khu vực trường học với chính quyền địa phương thông qua những “tấm ảnh biết nói” như: khu vực trường học có đèn tín hiệu bị hư hỏng nhưng chậm sửa chữa; tình trạng các phương tiện giao thông phóng nhanh, vượt ẩu tại các ngã ba, ngã tư; vỉa hè bị lấn chiếm để buôn bán, lòng đường trở thành nơi đỗ xe…

Cùng với đó, học sinh của trường cũng đã giành giải nhất khối THCS tại cuộc thi “Thử thách sáng tạo cùng cung đường biết nói” với thông điệp “Tuổi trẻ hành động vì những cung đường biết nói”.

Thầy Nguyễn Văn Tàu-Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám cũng cho biết: Các giải pháp đảm bảo ATGT đối với học sinh luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm. Toàn trường có hơn 1.900 học sinh, trong đó, nhiều em đi học bằng xe máy.

Đáng chú ý, ngã tư Biển Hồ ở gần trường được xem là “điểm đen” về tai nạn giao thông. Do vậy, các hoạt động tập huấn, tổ chức sự kiện hay phối hợp tuyên truyền trong khuôn khổ dự án đã thu hút đông đảo học sinh tham gia, từng bước hình thành ý thức chấp hành các quy định về ATGT cho các em.

Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám khẳng định: Thông qua việc triển khai ứng dụng YEA, các em học sinh đã chia sẻ ý kiến của mình về nguy cơ mất ATGT, góp phần hỗ trợ cơ quan chức năng triển khai các giải pháp an toàn, nhất là ở khu vực trường học.

Mặt khác, khi tham gia Dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói”, cơ sở hạ tầng khu vực cổng trường được đầu tư cải tạo như: lắp đặt hàng rào phòng hộ trên vỉa hè, gắn biển báo trường học, biển báo quy định tốc độ hay ký hiệu “đi chậm” trên nền đường, vạch kẻ sang đường dành cho người đi bộ, gờ giảm tốc… đã tạo ra một khu vực an toàn về giao thông trước trường học.

“Dự án đã thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh, đồng thời truyền cảm hứng cho các em tham gia các hoạt động xã hội, làm cầu nối với chính quyền trong việc cải thiện hạ tầng giao thông cũng như phản ánh, đề xuất kịp thời đến các cấp những bất cập về ATGT tại khu vực trường học”-thầy Tàu thông tin thêm.

Trường THCS Nguyễn Du là 1 trong 5 trường học trên địa bàn TP. Pleiku được triển khai thí điểm Dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói”. Ảnh: M.P

Trường THCS Nguyễn Du là 1 trong 5 trường học trên địa bàn TP. Pleiku được triển khai thí điểm Dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói”. Ảnh: M.P

Em Nguyễn Hoàng Linh-học sinh Trường THCS Nguyễn Du-cho hay: “Ứng dụng YEA rất hữu ích và dễ sử dụng đối với mọi người. Học sinh có thể dễ dàng sử dụng ứng dụng để báo cáo chính quyền địa phương về những địa điểm cảm thấy an toàn, không an toàn hoặc rất không an toàn, hỗ trợ cơ quan chức năng từ xa có giải pháp cải thiện, khắc phục nhằm bảo đảm ATGT.

Ý kiến phản hồi của chúng em hỗ trợ chính quyền địa phương xác định các điểm tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông để thực hiện đánh giá chi tiết hơn về mức độ an toàn của khu vực trường học”.

Theo bà Trương Thị Nguyệt Trang-Quản lý chương trình cấp cao của AIP: Sau khi triển khai, ứng dụng YAE đã mang lại hiệu quả khả quan, thu hút hơn 1.800 học sinh, sinh viên tham gia. Các tỉnh, thành thực hiện dự án đã ghi nhận hơn 18.000 điểm ghim, kèm theo ghi chú những rủi ro an toàn đường bộ. Trung bình mỗi người dùng ứng dụng ghi nhận 10 điểm ghim, lớn hơn nhiều so với dự án kỳ vọng ban đầu là 3-5 điểm ghim/học sinh.

“Kết quả này cho thấy, ứng dụng YEA thu hút được sự quan tâm, tham gia đóng góp, chia sẻ ý kiến về vấn đề ATGT của học sinh. Khi được trao quyền, các em đã mạnh dạn nêu ý kiến, nói lên những điều mà các em quan tâm về ATGT.

Tại TP. Pleiku cũng ghi nhận 3.863 điểm ghim, trong đó có 3.237 điểm ghim ghi nhận tập trung ở khu vực trường học. Việc xác định các khu vực có nguy cơ cao về ATGT sẽ hỗ trợ cơ quan chức năng đưa ra các biện pháp phòng ngừa trước khi thương vong xảy ra, góp phần đảm bảo ATGT đường bộ”-bà Trang khẳng định.

Có thể bạn quan tâm