TN - Đất & Người

Cung đường Đông Bắc ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ở hướng cực Bắc Bắc Tây Nguyên có một cung đường lớn nối kết miền núi Tây Nguyên về với miền xuôi đồng bằng Trung bộ. Đó là quốc lộ 40B. Quốc lộ này chạy đúng hướng Đông Bắc nên còn được gọi là cung đường Đông Bắc.
Cung đường Đông Bắc khởi đầu từ Km 0 trên quốc lộ 1A tại TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) vươn đến trung tâm thị trấn Đak Tô (huyện Đak Tô, tỉnh Kon Tum). Nơi đóng cột cây số cuối cùng của nó là cột Km 205.
Cũng nên nói sơ qua về lịch sử cung đường này: Đoạn phía Quảng Nam trước kia gọi là đường Nam Quảng Nam, sau đó là tỉnh lộ 616 nối từ TP. Tam Kỳ lên các huyện miền núi Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, rồi tiếp tục luồn lách quanh mạn sườn Đông Bắc khối núi Ngọc Linh, “leo” lên đến điểm giáp ranh xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum).
Quốc lộ 40B, đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam. Ảnh: internet
Còn ở phía Kon Tum thì quốc lộ 40B trước đây là tỉnh lộ 672 từ thị trấn Đak Tô đi về xã Ngọc Lây, quanh co luồn lách mạn sườn Đông Nam khối núi Ngọc Linh, tiếp vào điểm cuối tỉnh lộ 616 Quảng Nam.
Hai tuyến tỉnh lộ của 2 tỉnh ôm vòng quanh hết mạn sườn Đông của núi Ngọc Linh, là khu vực heo hút đại ngàn cách chia 2 miền đất. Để tạo điều kiện cho “miền ngược đuổi kịp miền xuôi”, năm 2010, 2 đường nhỏ ấy được quy hoạch nối liền nhau và nâng cấp thành cung đường lớn với tên gọi quốc lộ 40B, chạy băng ngang vùng “Sâm quốc bảo” Ngọc Linh, mở ra một thế phát triển mới cho khu vực cư trú tập trung của đồng bào Xê Đăng ở cả 2 vùng.
Tiếng là quốc lộ, nhưng so với các quốc lộ 25, 19, 24… nối Bắc Tây Nguyên về miền xuôi thì đường 40B ít được biết đến, ít được sử dụng (có lẽ vì “sinh sau đẻ muộn”), thậm chí nhiều người chưa một lần qua lại. Do vậy, trong hình dung của mọi người thì đó là cung đường miền núi heo hút xa xôi, quanh co đèo dốc hiểm nguy. Thật ra, đường 40B không quá xấu, nếu không muốn nói là tương đối tốt so với cấp độ đường miền núi. Mặt đường rộng rãi, thông thoáng, đúng là có nhiều đèo dốc quanh co nhưng không đến nỗi ghê gớm. Lại còn thêm cảnh quan của quần sơn Ngọc Linh đại ngàn trùng điệp vây quanh vô cùng bắt mắt, rất hợp “gu” với những khách du lịch ưa phiêu lưu khám phá những miền đất hoang sơ trên mọi miền đất nước.
Theo quốc lộ 40B từ Đak Tô xuôi về hướng Quảng Nam, nếu muốn thấy đỉnh Ngọc Linh “huyền thoại” thì đến Km 161 ta rẽ trái vào xã Măng Ri, nơi có biển đề “Di tích lịch sử cách mạng Tỉnh ủy Kon Tum” sẽ thấy mờ mờ trên tít cao xanh, khuất sau trùng trùng núi khác là một chỏm núi cao ngất nghểu lẫn vào mây khói. Sau khi ngang qua các xã Tu Mơ Rông, Văn Xuôi, Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây… là khu vực chỉ dẫn địa lý của vùng sâm Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum thì đường 40B bắt vào các xã Trà Nam, Trà Dơn, Trà Mai, Trà Linh…, là khu vực chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam. Thế cho nên dọc 2 bên đường ở cả 2 tỉnh thỉnh thoảng có những chòi chốt giữ rừng của bà con tại chỗ, họ luôn cảnh giác với những ai ngang qua đây mà ra vẻ ngó nghiêng, ra chừng rất cảnh giác với “lâm tặc” và “sâm tặc”!
Cứ thế, đường 40B đổ dốc xuống dần, quanh co uốn lượn dưới bóng rừng đại ngàn, ngang qua những xóm làng vắng vẻ tiêu sơ, đủ cho khách trải nghiệm những nét đặc trưng của miền núi, miền trung du và miệt đồng, rồi xuôi luôn ra biển. Nếu đến đây vào dịp mùa mưa Tây Nguyên sẽ bắt gặp thêm cảnh tượng tương phản vô cùng kỳ thú khi phía sau lưng là kín bưng một màn mưa rừng giăng mịt đất trời, còn trước mặt lại là màu nắng sáng rực rỡ ở phía miền xuôi như mời gọi! Lúc này, du khách có thể tự thưởng mình câu cảm khái: “Trường Sơn Đông nắng Tây mưa/Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”!
Đi tiếp nữa, đến khoảng Km 75 ta sẽ gặp đường chiến lược Trường Sơn Đông cắt ngang qua. Tại đây, nếu đi tiếp thì về đến TP. Tam Kỳ, nếu rẽ phải theo đường Trường Sơn Đông thì về huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) và tiếp về phía Nam xa nữa.
Ngày nay, có nhiều khách du lịch, nhiều nhóm phượt, nhiều đoàn carnaval… rất thích những hành trình khám phá. Chắc chắn miền rừng huyền thoại Ngọc Linh này cũng nằm trong “tầm ngắm” của họ và khi ấy cung đường Đông Bắc này sẽ thôi màu hiu quạnh. Và chắc rằng, chỉ cần một lần ngang qua cung đường xuyên sơn này, không những mọi người sẽ thích thú, mà còn tự trách mình sao lâu nay đã “lãng quên” một cung đường đẹp đến thế!
 TẠ VĂN SỸ

Có thể bạn quan tâm