Giáo dục

Tin tức

Cung ứng kịp thời sách giáo khoa trước năm học mới 2021-2022

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phụ huynh, học sinh có thể mua tại hệ thống cửa hàng bán lẻ của NXB Giáo dục Việt Nam, các công ty sách-thiết bị trường học địa phương hoặc đặt mua tại trang bán hàng trực tuyến của NXB Giáo dục.

Học sinh, phụ huynh có nhu cầu mua SGK ở các cấp lớp có thể truy cập trang thương mại điện tử trực tuyến Nhà Sách Số https://nhasachso.nxbgd.vn của NXB Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Học sinh, phụ huynh có nhu cầu mua SGK ở các cấp lớp có thể truy cập trang thương mại điện tử trực tuyến Nhà Sách Số https://nhasachso.nxbgd.vn của NXB Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)


Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang ảnh hưởng khá nặng nề đến nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, hoạt động cung ứng sách giáo khoa trước thềm năm học mới cũng bị ảnh hưởng do việc vận chuyển hàng hóa bị hạn chế.

Lường trước tình thế này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và có nhiều phương án phát hành sách giáo khoa để cung ứng kịp thời cho học sinh trước khi bước vào năm học 2021-2022.

Theo thông tin từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, sách giáo khoa từ lớp 3-lớp 12 (chương trình hiện hành) đã được triển khai in sớm (tháng 11/2020) và bắt đầu phát hành từ 15/3/2021.

Đối với sách giáo khoa mới, để kịp có sách về các địa phương trước ngày khai giảng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chủ động triển khai in theo kế hoạch dự kiến, trước khi có kết quả lựa chọn tại các địa phương. Sách giáo khoa mới lớp 2, 6 đã được phát hành từ tháng 6/2021.

Tính đến ngày 8/8, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phát hành được gần 110 triệu bản sách giáo khoa về các địa phương.

Riêng với sách giáo khoa mới lớp 2 và 6, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã cung ứng tới các địa phương hơn 22,7 triệu bản, đạt gần 70% kế hoạch.

Tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam, đến ngày 8/8/2021, đã phát hành trên 32 triệu bản sách giáo khoa, trong đó sách giáo khoa lớp 2-6 đã phát hành hơn 6 triệu bản, đạt 54% kế hoạch.

Đối với các trường hợp chưa đăng ký mua sách giáo khoa theo đơn vị trường học vào cuối năm học trước, phụ huynh, học sinh có thể mua tại hệ thống cửa hàng bán lẻ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, các công ty sách-thiết bị trường học địa phương hoặc đặt mua trực tuyến tại trang bán hàng trực tuyến của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Nhà Sách Số: https://nhasachso.nxbgd.vn/).

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng khuyến cáo phụ huynh và học sinh không mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường để tránh mua phải sách giả.

Những cuốn sách giáo khoa, sách tham khảo, sách bài tập giả hoặc bị in lậu có thể bị sai lệch thông tin, nội dung, chất lượng; không thể kích hoạt mã để sử dụng nguồn tài nguyên hỗ trợ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và có thể ảnh hưởng nguy hại đến việc tiếp thu kiến thức của học sinh.

Hiện nay, do nhiều tỉnh, thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 nên việc vận chuyển sách tới tận tay học sinh tại các địa phương này đang gặp khó khăn.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang nỗ lực phối hợp với các ban, ngành chức năng để sớm khắc phục tình huống này.

Ngoài ra, trong năm học 2021-2022, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện Chương trình “Cùng tiếp bước em đến trường” trao tặng hơn 50.000 bộ sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh là con em thương binh, liệt sỹ trên cả nước. Tổng trị giá trên 10 tỷ đồng.

Ngay từ tháng 5/2021, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chủ động làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương, tổng hợp số lượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn để gửi tặng sách giáo khoa đến các em.

Tính đến đầu tháng 8/2021, Chương trình “Cùng tiếp bước em đến trường” đã trao tặng gần 19.000 bộ sách giáo khoa đến 26 tỉnh, thành phố.

Trong thời gian tới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiếp tục phối hợp với các địa phương còn lại để trao tặng toàn bộ số sách tới học sinh có hoàn cảnh khó khăn trước khi năm học mới bắt đầu.

Theo Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm