Kinh tế

Cung ứng vốn kịp thời cho tam nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đak Pơ là huyện mới được chia tách, còn gặp rất nhiều khó khăn. Toàn huyện có 8 xã nhưng trong đó có 2 xã đặc biệt khó khăn. Nền kinh tế của huyện chủ yếu là thuần nông, cây trồng chủ lực có mía, bắp lai, mì, đậu đỗ các loại. Xác định là người bạn thân thiết, đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn, nông dân nên hoạt động của Chi nhánh (CN) Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện luôn ưu tiên với đối tượng phục vụ, gắn bó chặt chẽ với địa phương trên đường phát triển. Phương châm của CN hiện nay cũng đã nói lên điều đó: “Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, nông thôn là thị phần chủ yếu, nông dân là khách hàng truyền thống”.
 

1
Ảnh: K.N.B

Theo kết quả mới nhất: đến hết tháng 9-2013, CN huy động đạt 91,66% kế hoạch, chủ yếu là tiền gửi dân cư; dư nợ 190  tỷ đồng, đạt 97,43% kế hoạch, 100% vốn phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân; nợ xấu dưới 1% tổng dư nợ. Điều đáng nói là khoản nợ xấu này chủ yếu rơi vào các hộ vay sản xuất bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng hạn, mất mùa… Chi nhánh ưu tiên đầu tư các lĩnh vực, cây trồng chủ lực của địa phương, trong đó cây mía chiếm khoảng 70% tổng dư nợ, còn lại là đầu tư chăn nuôi bò lai, đậu đỗ, rau, bắp. “Sàng lọc” qua thời gian, thổ nhưỡng và thị trường, cây mía hiện đang phát triển rất nhanh. Toàn huyện hiện có 7.647 ha mía, 3.195 ha bắp, 5.394 ha đậu đỗ các loại. Các xã Tân An, Cư An… đã “phất” lên trông thấy nhờ cây mía cùng với hoạt động của các dịch vụ thương mại tổng hợp.

Đak Pơ hiện có 40 doanh nghiệp, 130 hộ sản xuất kinh doanh cá thể nhỏ lẻ nên có thể nói đây là  huyện kinh tế nông nghiệp, sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Vì vậy, đồng vốn của CN có ý nghĩa rất quan trọng đối với bà con. Tìm đến CN tức là bà con tìm đến nguồn vốn phục vụ sản xuất, chăn nuôi (chỉ một ít kinh doanh thương mại nhưng quy mô nhỏ lẻ, không đáng kể). Món vay lớn nhất cũng chỉ khoảng 100 triệu đồng. Cam kết đồng hành cùng với nông dân nên CN không ngại giá trị món vay nhỏ lẻ, vốn ít, không ngại địa hình, khoảng cách, chi phí hoạt động để có thể đáp ứng vốn kịp thời, thuận lợi cho bà con nông dân.

Đặc biệt, với việc triển khai thực hiện chương trình tín dụng theo Nghị định 41 của Chính phủ, CN đã đạt được những kết quả nổi bật. Mới đây, UBND huyện đã tổ chức sơ kết 3 năm triển khai thực hiện chương trình này và đánh giá cao nỗ lực của CN. Kết quả phản ánh Nghị định 41/NĐ-CP ra đời rất kịp thời, phù hợp với nguyện vọng của người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa. Chấp hành chủ trương, CN đã tiến hành cho vay nhanh gọn, thuận lợi, kịp thời cung ứng vốn để bà con sản xuất, chăn nuôi. Với kết quả đạt được, CN đã góp phần làm rõ vai trò của đồng vốn tín dụng đối với kinh tế hộ-vốn có vị trí quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xóa đói giảm nghèo, ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi, bán non sản phẩm nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm