Đặc biệt, việc một số địa phương đã xây dựng thành công thương hiệu gạo đã mở ra cơ hội để ngành hàng lúa gạo của tỉnh phát triển trong những năm tới.
Gia Lai có diện tích lúa nước 2 vụ ổn định mỗi năm khoảng 75.000 ha. Những năm gần đây, một số đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT và các doanh nghiệp đã liên kết xây dựng các mô hình trồng khảo nghiệm, trình diễn giống lúa nước có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với từng vùng, địa phương trong tỉnh để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.
Khu vực trồng khảo nghiệm được chia thành 3 khu: khu nhân dòng tạo ra những giống lúa siêu nguyên chủng để sản xuất giống chất lượng cao; khu đánh giá các giống lúa có năng suất, chất lượng cao; khu thử nghiệm các dòng lúa thơm Gia Lai (hiện chưa đặt tên giống lúa) để đối chứng với giống lúa khác.
Còn Tiến sĩ Huỳnh Quang Tín-Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long thì thông tin: Qua 2 vụ gieo trồng khảo nghiệm tại Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng Gia Lai và Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai (huyện Phú Thiện) cho thấy các giống lúa thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương gồm: Nông dân 1, Nông dân 2, Nông dân 7, Nông dân 26 và IRRI-5.
Những giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn (90-100 ngày), năng suất cao, kháng sâu bệnh và chất lượng gạo ngon và có thể thay thế những loại giống đã thoái hóa.
Bà Đặng Thị Dung (thôn 2, xã An Phú, TP. Pleiku) cho biết: Qua trồng thử nghiệm cho thấy các giống lúa Nông dân 1, Nông dân 5, Nông dân 7, IRRI-5 và giống lúa thơm Gia Lai có thời gian sinh trưởng ngắn, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại, tỷ lệ hạt chắc đạt cao.
Những ngày này, bà con nông dân các xã Ia Lâu, Ia Piơr (huyện Chư Prông) bắt đầu thu hoạch lúa vụ mùa. Hiện giá lúa tươi thu mua tại ruộng ở mức 7-11 ngàn đồng/kg tùy từng loại giống. Mức giá này tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với năm ngoái.
Bà Nguyễn Thị Hoạch (thôn Phố Hiến, xã Ia Lâu) cho hay: Gia đình bà có 2 ha ruộng lúa. Vụ Đông Xuân vừa rồi, năng suất lúa ST25 đạt 7,5-8 tấn/ha, còn vụ mùa đạt 6 tấn/ha. Tuy năng suất lúa ST25 thấp hơn các giống DV108, Đài Thơm… nhưng chất lượng gạo thơm ngon và đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Hoàng Văn Long-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu-cho biết: Cánh đồng lúa nước 2 vụ của xã rộng hơn 550 ha. Đến nay, khoảng 50% diện tích được bà con trong xã gieo trồng các giống lúa chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đây là cơ sở để nông dân tập trung phát triển cây lúa theo hướng bền vững.
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp đã lựa chọn xây dựng bộ giống lúa nước có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất đại trà như: TBR97, BC15, ST24, ST25,TĐ25, ĐT100, HN6… trên nhiều cánh đồng lớn ở các huyện: Phú Thiện, Ia Pa, Chư Prông, Đak Đoa, Chư Păh… Những giống lúa này cho hạt gạo thơm ngon và được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.