Phóng sự - Ký sự

Cuộc phiêu lưu của người Đan Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngồi trước mặt tôi là Lê Văn Điệp. Anh đến nơi ở mới tại bản Bá Hạ, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An) mới 8 tháng. Gia đình Điệp cùng với 34 hộ dân khác chuyển đến đây theo một dự án bảo tồn người Đan Lai của Chính phủ Việt Nam bắt đầu triển khai từ năm 2006.
Nom Điệp chững chạc hơn cái tuổi 38 của mình khi bên hông vẫn đeo một con dao đi rừng, vốn dĩ là thói quen của những người sống ở thượng nguồn con sông Giăng, (một chi lưu của sông Lam). Con sông bắt nguồn từ dẫy Pù Mát gần biên giới Việt - Lào mà theo một truyền thuyết thì dòng sông chính là đường thiên di của cộng đồng người Đan Lai hàng trăm năm về trước.
 
Bản tái định cư của người Đan Lai ở Thạch Ngàn, con Cuông, Nghệ An.
Bản tái định cư của người Đan Lai ở Thạch Ngàn, con Cuông, Nghệ An.
Người Đan Lai đến xã Thạch Ngàn theo những đợt khác nhau. Từ năm 2007, chính quyền tỉnh Nghệ An tổ chức di chuyển 42 hộ đầu tiên lập nên bản Thạch Sơn. Đến nay cuộc sống có thể nói là đã khá ổn. Trong năm 2019, có thêm 35 hộ nữa chuyển đến bản Bá Hạ. Lê Văn Điệp là một trong những người xung phong đi đầu tiên. Anh bảo ở giữa rừng mà chẳng được sống nhờ rừng nữa rồi. 
Từ ngày có công ty lâm nghiệp rồi Vườn Quốc Gia Pù Mát, vùng đất mà người Đan Lai cư trú đã trăm năm nay lại có chủ mới. Việc khai thác gỗ, săn bắt thú rừng bị cấm. Người Đan Lai chỉ còn cách sống nhờ việc bắt cá trên sông, thu hái măng, hái nấm. Cuộc sống có thể nói là vô vàn khó khăn. Khi có chủ trương tái định cư của chính quyền, Điệp coi như là một giải pháp tốt cho tương lai gia đình. 12 năm trước, cha mẹ anh cũng đã chuyển đến bản Thạch Sơn. Trước kia, ở thượng nguồn sông Giăng có 3 bản Đan Lai thì nay chỉ còn 2.
Đây không phải lần đầu tiên, những người Đan Lai thiên di. Ở cộng đồng thiểu số với số dân chỉ hơn 3.000 người này chẳng mấy ai không biết đến truyền thuyết về nguồn cội của họ. Câu chuyện này tôi đã từng nghe trong chuyến tác nghiệp cách đây gần chục năm khi về một quần cư người Đan Lai ở xã Châu Khê (Con Cuông). 
Ông La Văn Linh, một người sống thọ nhất cộng đồng kể rằng người Đan Lai có gốc gác từ người Kinh, xưa kia cư ngụ ở miền Hoa Quân (nay là huyện Thanh Chương - Nghệ An). Một lần không rõ là quan triều đình hay một tên bạo chúa nào đó dẫn theo quân lính đến cướp phá. Dân làng được lệnh ngày hôm sau phải kiếm đủ một trăm cây nứa vàng và "con thuyền liền chèo" cống nạp. Làm trái lệnh, cả làng sẽ bị giết.
Trưởng làng họp dân lại để cùng nhau nghĩ xem đích thực thì hai cống phẩm đó là gì? Một trăm cây nứa bằng vàng hay màu vàng? Tại sao lại gọi là "con thuyền liền chèo". Chẳng ai nghĩ ra. Cuối cùng cả làng bàn nhau bỏ đi để tránh tai họa. 
Dân làng men theo dòng sông mà chạy ngược. Chẳng biết là đi trong bao lâu. Cho đến khi trước mặt là ngọn núi sừng sững, không thể chạy xa hơn được nữa, họ dừng lại lập làng mới. Đó chính là nơi thượng nguồn con song Giăng, hiện vẫn còn gần 190 hộ người Đan Lai sinh sống ở đó. Cách không xa đó là dẫy Pù Mát và phía bên kia núi là địa phận nước bạn Lào. 
Ban đầu dân làng chỉ ở trong những lều tạm lợp lá chuối. Lều rách thì cũng là lúc họ chuyển đi. Và sau người Đan Lai cũng ở nhà sàn, làm rẫy như người Thái bản địa. Chỉ có tiếng nói thì cho đến ngày nay những từ ngữ cơ bản vẫn là tiếng Kinh. 
Một bản người Đan Lai ở thượng nguồn sông Giăng.
Một bản người Đan Lai ở thượng nguồn sông Giăng.
Suốt một thời gian dài, cộng đồng Đan Lai sống co cụm giữa rừng. Trong họ vẫn nguyên nỗi sợ bị trừng phạt vì không có cống phẩm nộp. Nhưng có một nỗi sợ hiện hữu hơn chính là thú dữ. Chính vì thế mà cộng đồng này có thói quen ngủ ngồi bên bếp lửa để sưởi ấm và tránh thú dữ. Người ta tin rằng khi ngủ ngồi, hổ báo cứ ngỡ người ta vẫn thức nên không dám tấn công. Có lẽ bởi thế mà báo chí đôi khi gọi họ là cộng đồng "ngủ ngồi".
*
Từ đầu những năm 2000 để giải quyết tình trạng hôn nhân cận huyết và giúp cho bà con phát triển kinh tế, một khu tái định cư người Đan Lai được xây dựng ở 2 bản Tân Sơn và Cửa Rào, xã Môn Sơn. Một trang mới trong lịch sử cư trú của cộng đồng này được mở ra. Họ học làm ruộng, trồng rau màu, chăn nuôi thay vì chỉ hái lượm tự nhiên như trước đây. Từ nơi này, người Đan Lai vẫn có thể trở về rừng cũ để hái măng, thăm than. Nghĩa là họ vẫn không vượt thoát hoàn toàn nơi cư trú mới.
Từ đây, nhiều người được học hành tử tế hơn, dẫu rằng những điểm trường ở thượng nguồn sông Giăng vẫn còn duy trì cho đến hiện nay. Những nơi người Đan Lai cư ngụ khác như ở xã Châu Khê cũng đã thay đổi khi một con đường mới được mở. Và cũng như bao cộng đồng khác, người Đan Lai thực sự bước vào cuộc hòa nhập với thế giới bên ngoài, trong số này có những người trẻ. Họ cũng đối mặt với những thách thức mới.
Và La Thị Na là một người như thế.
Na là chị cả của một gia đình gồm 3 chị em ở bản Khe Bu, xã Châu Khê. Năm 2012, cô gái khi đó 19 tuổi nhập học trường Đại học Vinh theo diện cử tuyển. Cô chọn Ngành Chính trị - Luật, với một nguyện vọng vừa thực tế và cũng không kém phần lãng mạn. "Em muốn kiếm một việc làm để giúp đỡ gia đình và để góp phần thay đổi cách sống, lối nghĩ của cộng đồng". - Cô gái tâm sự cùng người viết bài này trong lần gặp tình cờ tại cuộc liên hoan lên đường nhập học vào cuối năm 2012. 
Thời gian bẵng đi, tôi lại có cuộc trở về Khe Bu trong một chuyến tác nghiệp sau đó gần 8 năm. La Thị Na lúc này hệt như một cô gái thị thành, áo phông, quần bò. Cô gái đã trở nên từng trải và điềm tĩnh hơn. Na bảo sau khi tốt nghiệp trở về nhà, chờ mãi không có việc làm, dù được đào tạo theo diện cử tuyển, cô liền cắp ba lô lên đường tìm việc làm ở một khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh. Vừa làm vừa nuôi hy vọng.
Nhưng rồi đến cuối năm 2019, cô quyết định lập gia đình, bỏ dang dở niềm mơ ước về một công chức nhà nước và tạo cảm hứng cho những thanh niên người Đan Lai trong cuộc vượt khó hội nhập. Na cho biết thêm, em gái sau cô 3 tuổi cũng đã tốt nghiệp đại học, nhưng sau 2 lần thi công chức đều rớt.
Trở lại với câu chuyện của Lê Văn Điệp, cũng như bao nhiêu hộ dân tái định cư khác ở bản Bá Hạ, anh được nhà nước cấp cho một ngôi nhà sàn. Điệp bảo học hành để thay đổi cuộc sống cũng là niềm mong mỏi của không ít người trẻ tại nơi ở mới này. Các bạn trẻ cũng có niềm háo hức kiểu như La Thị Na khi nơi cư trú mới tạo ra nhiều thuận lợi. Nhưng từ câu chuyện của Na, khiến các bậc làm cha, làm mẹ như Điệp không khỏi âu lo. Với cư dân Đan Lai ở Bá Hạ, học để làm cán bộ vẫn là một niềm mơ ước khá xa vời.
Và bây giờ, 35 hộ dân Đan Lai ở bản Bá Hạ đang đối mặt với một thách thức hiện hữu hơn. Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa thì nguồn hỗ trợ 15kg gạo cho mỗi nhân khẩu mới chuyển đến sẽ bị dừng. Đó là quy định của dự án tái định cư. Trong khi việc chia đất ruộng, đất trồng rừng vẫn chưa hoàn thành. "Nếu việc này được đẩy nhanh hơn, chúng tôi đã có thể gặt vụ lúa đầu tiên tại nơi ở mới - Phó bản Lê Văn Điệp đưa tay quệt mồ hôi trán, lộ vẻ âu lo - “Để tiết kiệm gạo, bây giờ mỗi người chỉ ăn 2 bữa mỗi ngày. Nếu không kịp có đất sản xuất, sợ rằng sẽ có người tìm cách về lại bản cũ".
Đem những mối lo của anh Phó bản, cũng là vấn đề chung của những hộ Đan Lai mới chuyển đến ở bản Bá Hạ trao đổi với ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, ông cho hay: rằng trong chính sách dân tộc của huyện thì người Đan Lai được đặc biệt ưu tiên. "Chúng tôi sẽ không bao giờ để cho dân đói!" - Ông Vi Văn Sơn khẳng định. Nhưng ông cũng cho hay: hiện địa phương vẫn chưa có phương án cụ thể trong việc chia đất ruộng, đất sản xuất cho những hộ người Đan Lai mới chuyển đến ở bản Bá Hạ.
Và có vẻ như cuộc phiêu lưu của cộng đồng thiểu số Đan Lai vẫn còn đó những chặng chông gai.
VI VĂN CHÔỒNG (CANDO)

Có thể bạn quan tâm