Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc": Lan tỏa ánh sáng tri thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tiếp nối thành công của cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” tổ chức lần thứ nhất năm 2019, Thư viện tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức cuộc thi lần thứ 2 với mong muốn lan tỏa ánh sáng tri thức đến đông đảo học sinh, khuyến khích các em nuôi dưỡng tình yêu với sách và hình thành thói quen đọc sách.
Lan tỏa ánh sáng tri thức
Sau hơn 5 tháng triển khai, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” lần thứ 2 đã nhận được hơn 14.506 bài dự thi của học sinh các cấp, trong đó 6.924 bài của 19 trường THPT, 4.344 bài của 33 trường THCS, 3.228 bài của 43 trường tiểu học-THCS thuộc các huyện, thị xã, thành phố.
Cuộc thi gồm 3 nội dung: chia sẻ về một cuốn sách mà em yêu thích hoặc cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức và cuộc sống của em; sáng tác một tác phẩm (câu chuyện hoặc bài thơ) nhằm khích lệ mọi người đọc sách; viết tiếp lời hoặc câu chuyện cho cuốn sách đã đọc. Ngoài ra, câu hỏi bắt buộc khá thú vị dành cho tất cả các học sinh là: “Nếu trở thành đại sứ văn hóa đọc, em có kế hoạch và biện pháp gì để khuyến khích các bạn và mọi người đọc sách nhiều hơn?”.
Bà Nguyễn Thị Thủy-Giám đốc Thư viện tỉnh-cho biết: “Bộ đề thi có tính mở đã khuyến khích các em viết những cảm nhận, cảm xúc chân thực, phát huy khả năng viết văn, phát triển tư duy và thu nhận nhiều kiến thức bổ ích từ những “người thầy sách vở” làm hành trang cho cuộc sống”.
Bài dự thi của học sinh các cấp trình bày nhiều suy nghĩ, cảm nhận, ý tưởng cá nhân độc đáo, sáng tạo. Đa số các em chọn đề thi số 1 với trên 13.700 bài thi ở nội dung này. Chọn giới thiệu cuốn sách đã làm thổn thức trái tim nhiều thế hệ bạn đọc “Totto chan bên cửa sổ” của nhà văn Kuroyanagi Tetsuko, em Phạm Thảo Nguyên (Trường THPT chuyên Hùng Vương) thêm một lần nữa lay động cảm xúc của bạn đọc khi viết về cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật Bản sau thế chiến thứ II.
Nguyên bày tỏ: “Em đã rung động ngay lần đầu đọc cuốn sách này. Đây không đơn thuần là một câu chuyện đầy tính nhân văn khiến ta không nén nổi nụ cười, như một chiếc ống nhòm hướng về tuổi thơ trong sáng mà còn cho ta cái nhìn bao quát hơn về một nền giáo dục Tomoe tuyệt vời. Trong sâu thẳm trái tim mỗi người vẫn mong muốn có một mẫu hình trường học như Trường Tomoe và phương pháp giáo dục “lắng nghe trẻ em” của thầy Kobayashi”.
Bà Nguyễn Thị Thủy-Giám đốc Thư viện tỉnh: Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” lần thứ 2 không chỉ nhận được sự hưởng ứng tích cực của học sinh mà còn của phụ huynh, các thầy-cô giáo quan tâm, ủng hộ. Cùng với đó, cuộc thi góp phần thực hiện hiệu quả đề án phát triển văn hóa đọc giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030.

Một học sinh khác của Trường THPT chuyên Hùng Vương, em Nguyễn Phan Phương Thảo lại chọn giới thiệu cuốn sách “Lời chia tay đẹp nhất thế gian” của nữ nhà văn Noh Hee Kyung với lý do: “Đời người có vô vàn những nuối tiếc, song có lẽ điều khiến chúng ta ân hận nhất chính là thờ ơ trước tình cảm của gia đình, của mẹ. Tác phẩm như một sự nuối tiếc, gieo vào lòng bạn đọc những trăn trở, suy ngẫm và khơi dậy sự quan tâm, yêu thương đối với người phụ nữ tuyệt vời nhất cuộc đời chúng ta, để khi chia tay mẹ, đó sẽ là “Lời chia tay đẹp nhất thế gian”.

Trao giải cho các “Đại sứ văn hóa đọc” lần thứ nhất năm 2019. Ảnh: M.C
Trao giải cho các “Đại sứ văn hóa đọc” lần thứ nhất năm 2019. Ảnh: M.C
Theo bà Nguyễn Thị Thủy, các em chọn giới thiệu sách với nhiều nội dung, thể loại, nhưng nhìn chung đều là những cuốn sách có nội dung nhân văn, hướng tâm hồn con người tới những giá trị nhân bản cốt cõi, từ đó hình thành lối sống, suy nghĩ và hành động đẹp. Thành công của cuộc thi không chỉ lan tỏa tri thức đến các em học sinh, mà từ thói quen đọc sách sẽ góp phần xây dựng nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn, hướng các em tới những giá trị chân, thiện, mỹ.
Sách là bạn thân
Ở bậc THPT, nếu Trường THPT chuyên Hùng Vương có nhiều thí sinh đạt giải nhất cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2020 thì Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Chư Sê) lại 2 năm liên tiếp có số lượng học sinh tham gia nhiều nhất với số lượng bài dự thi là 1.592 bài. Cô Trần Thị Hồng Uyên-Tổ trưởng Tổ Ngữ văn-cho biết: Để đạt được kết quả trên, ngay khi triển khai cuộc thi, nhà trường đã hướng dẫn cho các em cách triển khai với bố cục và nội dung chặt chẽ, rõ ràng. Nhà trường khuyến khích các em coi sách là bạn, viết ra những cảm nhận, cảm xúc chân thực về cuốn sách đã đọc.
“Cuộc thi triển khai ngay trong thời điểm học sinh phải nghỉ học do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà trường phải sử dụng các trang mạng xã hội để kêu gọi, khuyến khích học sinh tham gia. Khi chúng tôi chấm ở cấp trường, có nhiều bài thi ý tưởng rất hay, độc đáo nhưng kỹ năng viết chưa tốt, triển khai chưa rõ ràng, chúng tôi sẽ giúp các em khắc phục trong các cuộc thi khuyến đọc khác”-cô Uyên cho hay.
Cô Uyên cho biết thêm, để truyền cảm hứng cho học sinh đọc sách, nhà trường đã có những cuộc thăm dò để biết mong muốn thực sự của các em về không gian đọc. “Chúng tôi đặt ra câu hỏi cho các em là vì sao hiện nay học sinh lại ít đọc sách, phân tích nguyên nhân vì sao. Bản thân các em muốn đọc loại sách gì để tiếp nhận tri thức ở những lĩnh vực nào, để làm gì. Ý kiến của các em sẽ được chúng tôi tập hợp lại để tìm hướng cải tạo, củng cố thư viện nhà trường sao cho phong phú hơn, đáp ứng được nguyện vọng của học sinh, từ đó giúp các em hình thành thói quen hữu ích ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Qua 2 năm triển khai cho học sinh tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, chúng tôi cũng đã tiếp nhận khá nhiều ý tưởng khuyến đọc sáng tạo, thú vị của các em, mong muốn về một không gian đọc truyền cảm hứng. Dựa trên những ý tưởng đó, nhà trường sẽ cố gắng để tạo ra một không gian đọc sách phần nào đáp ứng được nguyện vọng của học sinh”-cô Uyên chia sẻ.
Mặc dù thời gian phát động và tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” không dài, lại vào thời điểm học sinh nghỉ học để phòng-chống dịch Covid-19, nhưng các trường học đã hưởng ứng nhanh, cho thấy sự quan tâm rất lớn của ngành Giáo dục và Đào tạo đối với văn hóa đọc trong nhà trường.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm