Thi đua, khen thưởng là nhằm động viên, thu hút, khích lệ mọi cá nhân, tập thể trong năm tới vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được thành tích tốt nhất trong công tác, học tập, lao động sản xuất.
Tổng kết, đánh giá đúng tình hình thực tế, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, không tô hồng, không chạy theo thành tích, nhưng cũng không “cường điệu hóa” những tồn tại, khuyết điểm, yếu kém của cơ quan, đơn vị địa phương mình là việc làm cần thiết. Trong đó có việc đánh giá ưu-khuyết điểm của các cá nhân để từ đó động viên, khích lệ mọi cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích thật sự, có cống hiến, đóng góp cho thành tích chung và cũng chỉ ra những cá nhân chưa tích cực, không hoàn thành nhiệm vụ để góp ý xây dựng khắc phục cho thời gian đến.
Việc bình xét lựa chọn người có thành tích để khen thưởng phải đúng người, đúng việc. Thông qua cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến để đúc rút kinh nghiệm từ những sáng kiến tốt, mô hình hay, việc làm cao đẹp, kinh nghiệm hữu ích nhằm giáo dục, nêu gương. Thi đua đúng, khen thưởng trúng là liều thuốc kích thích phát triển và lan rộng, đem lại hiệu quả thiết thực cho phong trào thi đua yêu nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: Thi đua phải xuất phát từ tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc; thi đua từ trong công việc thường ngày, thi đua trong tất cả mọi việc, mọi lĩnh vực, mọi giới, mọi ngành, càng khó khăn càng phải thi đua.
Trên bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay vẫn còn những cuốn sách Người thường đọc, trong đó có cuốn nói về những tấm gương người tốt việc tốt của các giới, các ngành. Những tấm gương sáng được nêu trong các cuốn sách nói trên là các cá nhân đã làm việc ích nước lợi dân, từ việc nhỏ mà có ý nghĩa lớn trong cuộc sống hàng ngày đến những việc lớn như sáng kiến, thành tích trong sản xuất, công tác, học tập; dũng cảm trong chiến đấu quên mình vì Nhân dân.
Các cá nhân có thành tích xuất sắc được các sách báo nêu gương đều được Bác Hồ tặng thưởng huy hiệu của Người.
Trên thực tế, cũng còn không ít nơi chưa coi trọng công tác thi đua, khen thưởng. Công tác thi đua, khen thưởng có nơi, có lúc chưa phát triển đồng đều, liên tục, còn hình thức, thiếu chiều sâu. Một số phong trào thi đua chưa xác định rõ mục tiêu, tiêu chí thi đua cụ thể, nội dung không gắn với việc giải quyết các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Việc đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết phong trào chưa thường xuyên, kịp thời. Công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến tuy có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Một số hoạt động truyền thông chưa dành thời lượng tương xứng để giới thiệu, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt.
Một số cơ quan, đơn vị chưa có kế hoạch cụ thể tổ chức bồi dưỡng, nhân rộng mô hình, tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, lan tỏa tinh thần thi đua, cách làm sáng tạo.
Một trong các nguyên nhân chủ quan của những hạn chế trên là do cấp ủy, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chú trọng đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua.
Việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng và việc xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến còn thiếu chiều sâu, không hiệu quả.
Việc khen thưởng, biểu dương, động viên, nhân rộng điển hình tiên tiến chưa chú trọng đúng mức, khen nhiều nhưng thưởng chưa tương xứng, chưa động viên được người thật sự có nhiều cống hiến cho cơ quan, đơn vị, địa phương.