Sức khỏe

Dinh dưỡng

Cứu bệnh nhi mắc bệnh tim bằng kỹ thuật hiếm thực hiện trên thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phương pháp phẫu thuật Hybird trong điều trị bệnh nhân vừa được tiến hành tại Bệnh viện Trung ương Huế là lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam và rất hiếm khi được thực hiện trên thế giới vì kỹ thuật này rất phức tạp.
Ngày 16/8, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, Bệnh viện vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật tim bẩm sinh phức tạp, kết hợp đặc biệt giữa can thiệp tim mạch và phẫu thuật tim mạch để cứu sống bệnh nhân với sự hỗ trợ của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Đó là trường hợp bệnh nhi Lê Khánh T (8 tháng tuổi, cân nặng 4,5kg, quê Phong Điền, Thừa Thiên Huế). Bệnh nhân T vào viện ngày 3/6, được chẩn đoán thông liên thất phần cơ bè kích thước rất lớn khoảng 11 mm, áp lực động mạch phổi gần bằng áp lực hệ thống và tăng sức cản động mạch phổi nặng trên nền suy dinh dưỡng, nhiễm trùng phổi.

Phương pháp phẫu thuật Hybird trong điều trị bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh vừa được tiến hành tại Bệnh viện Trung ương Huế là lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam.
Phương pháp phẫu thuật Hybird trong điều trị bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh vừa được tiến hành tại Bệnh viện Trung ương Huế là lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam.
Bệnh nhân được điều trị các bệnh nền, nâng cao thể trạng, tuy nhiên lưu lượng máu quá lớn qua lỗ thông liên thất gây suy tim ngày càng nặng và nguy cơ tổn thương phổi không hồi phục biến chứng sang bệnh lý Eisenmenger phức tạp.
Qua siêu âm và thông tim cho thấy vị trí rất đặc biệt và phức tạp của dị tật tim bẩm sinh. Do vị trí và kích thước lỗ thông rất lớn nên việc thực hiện can thiệp đóng dù qua đường mạch máu ở chân là không khả thi. Ngoài ra, vị trí lỗ thông liên thất rất gần mỏm tim nên rất khó khăn cho bác sĩ phẫu thuật tim tiếp cận lỗ thông liên thất để khâu lại.
Sau khi hội chẩn đa chuyên khoa dưới sự đồng chủ trì của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu và GS. Phạm Như Hiệp- Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, các bác sĩ đi đến thống nhất phương án kết hợp vừa can thiệp đóng dù lỗ thông vừa kết hợp phẫu thuật bộc lộ tim.
Sáng 15/8, bệnh nhân được đưa vào phòng phẫu thuật Hybrid. Các bác sỹ ngoại lồng ngực tim mạch tiến hành mở lồng ngực để bộc lộ tim, sau đó các bác sỹ tim mạch can thiệp đã tiến hành đưa dụng cụ đóng dù xuyên qua thành tim được bộc lộ dưới hướng dẫn của siêu âm tim và màn tăng sáng DSA.
Trong suốt quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được gây mê và hỗ trợ tim bởi các thiết bị đặt biệt của hồi sức tim mạch. Sau 2 giờ can thiệp, bệnh nhi đã được đóng dù thành công lỗ thông liên thất và đóng thành ngực an toàn. Hiện bệnh nhi tiếp tục theo dõi sát tại Khoa Hồi sức tim mạch, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Trung ương Huế với huyết động ổn định.
Trước đó, ê kíp bác sỹ cũng đã bít dù lỗ dò khổng lồ động mạch phổi thành công cho bệnh nhi Nguyễn Nhật T (3 tuổi, quê Quảng Bình) có tiền sử hay tím môi đầu chi, vào viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, nôn mửa, nồng độ oxy máu dao động 65- 70%, trẻ tím nhiều. Kết quả CT não cho thấy hình ảnh áp xe não và vùng tổn thương lớn.
Trẻ được chụp CT lồng ngực phát hiện lỗ dò lớn từ động mạch phổi vào nhĩ trái. Bệnh nhi được phẫu thuật dẫn lưu áp xe não và điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức nhi. Sau hơn 1 tháng điều trị tích cực, trẻ cải thiện rõ về tình trạng lâm sàng. Sau khi hội chẩn đa chuyên khoa với hồi sức nhi, tim mạch can thiệp, ngoại lồng ngực mạch máu và nhi tim mạch thống nhất điều trị nguyên nhân gây áp xe não và tình trạng tím thường xuyên kết hợp đóng dị tật dò động mạch phổi lỗ rất lớn bằng phương pháp bít dù. Kích thước lỗ dò rất lớn lên tới 10mm đã được đóng thành công bằng dù 22/20mm.
Đây cũng là dụng cụ lớn nhất từng được bít ở bệnh nhân nhỏ tuổi tại Bệnh viện. Nồng độ oxy bão hòa trong máu trước can thiệp là 77%, đã cải thiện nhanh chóng ngay sau bít dụng cụ, đạt đến 99%. Với thành công của việc giải quyết triệt để nguyên nhân, giúp ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm do lỗ dò động mạch phổi gây ra như áp xe não tái phát hay suy hô hấp cấp sau này.
Theo PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, phương pháp phẫu thuật Hybird trong điều trị bệnh nhân này lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam vì lỗ thông liên thất rất lớn và chỉ chụp qua đuờng tĩnh mạch (thông thường các nơi khác thực hiện qua đường động mạch) và rất hiếm được thực hiện trên thế giới vì tính phức tạp của kỹ thuật này… 
Trần Hòe (Dân Việt)
https://danviet.vn/cuu-benh-nhi-mac-benh-tim-bang-ky-thuat-hiem-thuc-hien-tren-the-gioi-20200816185743286.htm

Có thể bạn quan tâm