Cựu chiến binh Cao Việt Đức: Hành trình tìm lại danh tính đồng đội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi tình cờ gặp cựu chiến binh Cao Việt Đức (SN 1954, xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) khi ông đang giúp ông Nguyễn Công Hoàng (tỉnh Bắc Ninh) đi tìm phần mộ của anh trai tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đak Đoa (Gia Lai). Hỏi ra mới biết, đây là một trong nhiều trường hợp ông Đức tiếp nhận đi tìm giúp với mong mỏi sớm đưa các liệt sĩ về với quê hương, gia đình.

Từ chập chờn ký ức...

Tranh thủ lúc cán bộ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa tìm hồ sơ một ngôi mộ liệt sĩ, ông Cao Việt Đức kể: Ông từng là sĩ quan đặc công tham gia chiến đấu khắp các mặt trận Tây Nam. Đất nước thống nhất, ông tiếp tục tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia trước khi phục viên về chăm lo kinh tế gia đình. Với sự kiên gan, bền bỉ, dẻo dai của người lính ở nơi tuyến đầu, chỉ sau 10 năm gầy dựng, ông đã đưa gia đình từ nghèo khó trở thành điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi không chỉ của tỉnh Bắc Giang mà còn của cả nước.

Ông Cao Việt Đức (bìa phải) dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đak Đoa. Ảnh: P.L



Thế nhưng, những hình ảnh về trận đánh oanh liệt hồi tháng 6-1977 tại Cửa khẩu Xa Mat (Campuchia) với 17 đồng đội ngã xuống cứ chập chờn trong giấc ngủ của ông. Trận ấy, chính tay ông lo chôn cất cho đồng đội. Trong ông chợt dậy lên câu hỏi: Không biết đồng đội mình giờ đã được quy tập hay chưa, gia đình có biết tin không? Thế rồi, ông đem theo 10 triệu đồng và lên đường tìm về chiến trường xưa. Chuyến đi ấy của ông kéo dài gần 10 ngày. “Tôi nhớ rất rõ mình chôn cất các đồng đội ở bìa rừng biên giới Campuchia. Khi tới nơi thì người dân nói có xe quân đội đến đưa đồng đội của tôi đi rồi. Đoán là các anh sẽ được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh), tôi liền theo về đó thì vô cùng xúc động khi 12 đồng chí đều yên nghỉ ở đây. Còn 5 người vẫn nằm đâu đó ở mặt trận. Tôi liền ghi lại tên tuổi, thông báo cho các gia đình của 12 đồng chí để họ đến đưa các anh về quê hương”-ông Đức cho hay.

Cũng từ đó, đôi chân không biết mỏi mệt của ông đi khắp nghĩa trang các tỉnh, thành tìm mọi cách để giúp thân nhân liệt sĩ đưa hài cốt các anh về quê hương bằng cách ghi lại thông tin, tra cứu hồ sơ, viết thư gửi về thông báo cho các gia đình. Dần dần, số lượng hồ sơ mà các gia đình liệt sĩ gửi về nhờ ông đi tìm giúp ngày càng nhiều. Ông cũng lập một tài khoản Facebook để tiếp nhận những thông tin do các gia đình gửi đến. “Trung bình mỗi tháng có khoảng 40-50 bộ hồ sơ liệt sĩ do các gia đình gửi nhờ tôi đi tìm giúp. Thế nên không lúc nào ngớt việc. Tháng này đã lo đặt vé máy bay giá rẻ cho chuyến đi tháng sau. Có tháng tôi đi suốt, chỉ ở nhà được 2-3 ngày. Có những trường hợp chỉ 2-3 ngày là tìm được, nhưng cũng có trường hợp phải mất đến 3 năm ròng rã vì thông tin không đầy đủ. Cũng may kinh tế đã vững, có vợ con phụ giúp và ủng hộ nên tôi yên tâm đi tìm đồng đội”-ông Đức vui vẻ chia sẻ.

Gõ từ khóa Cựu chiến binh Cao Việt Đức trên Google, tôi nhanh chóng nhận được kết quả là rất nhiều bài báo, phóng sự về ông. Suốt 19 năm qua, ông Đức rong ruổi khắp các tỉnh, thành rồi sang cả Campuchia, dấu chân ông in hằn khắp các nghĩa trang. Nghe ông đọc vanh vách tên các nghĩa trang liệt sĩ khắp cả nước, cảm tưởng như ông nhớ mồn một tên tuổi, quê quán, vị trí phần mộ của hàng ngàn đồng đội. Nhờ vậy mà có hơn 10.000 hài cốt liệt sĩ được xác nhận, được trở về với quê hương bản quán.

Nỗ lực đưa đồng đội về quê nhà      

Tìm liệt sĩ thông qua việc giải mã ký hiệu chính là phương pháp đặc biệt của ông Đức. Không giống như phương pháp ngoại cảm, ông dựa hoàn toàn vào hồ sơ, sau đó đối chiếu, loại trừ để cho kết quả đúng nhất. “Khi có gia đình liệt sĩ nhờ đi tìm, điều đầu tiên tôi cần là giấy báo tử. Từ giấy báo tử này, tôi bắt đầu giải mã ký hiệu. Nhìn vào đó sẽ biết liệt sĩ ấy hy sinh ở chiến trường nào, tọa độ bao nhiêu, thuộc đơn vị nào, đóng chân ở tỉnh nào và nếu được quy tập sẽ quy tập về đâu”. Nghe thì thấy đơn giản, nhưng để giải mã được, ông Đức phải kỳ công tích lũy và ghi chép từng trường hợp. Sau khi giải mã, ông kết nối với các cơ quan có thẩm quyền như: Bộ Chỉ huy Quân sự, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội… để xác minh thông tin và nhờ giúp đỡ. “Với các phần mộ đã xác định danh tính thì làm khá nhanh nếu thông tin khớp. Còn phần mộ chưa xác định được danh tính thì sau khi xác minh thông tin chính xác phải làm thủ tục xin trích mẫu để xét nghiệm ADN”-ông Đức giải thích.

Giải mã ký hiệu trong giấy báo tử là cơ sở để ông Cao Việt Đức (bìa phải) xác minh tên tuổi, quê quán của liệt sĩ. Ảnh: P.L



Để “mục sở thị”, chúng tôi theo chân ông Đức đến Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đak Đoa. Cùng đi là ông Nguyễn Công Hoàng (58 tuổi, tỉnh Bắc Ninh). Đây là lần thứ 4 ông Đức đến Gia Lai để giúp các gia đình đi tìm hài cốt liệt sĩ. Trong gần 10.000 ngôi mộ mà ông đã tìm giúp thì có khoảng 170 ngôi mộ ở khu vực Gia Lai, Kon Tum. Lần trở lại này, ông Đức giúp ông Hoàng tìm mộ của anh trai là liệt sĩ Nguyễn Công Bang (SN 1949), từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia từ năm 1968, mất tích đến năm 1976, không có hồ sơ để báo tử. Ông Hoàng nghẹn ngào kể: “Đây là lần thứ 3 tôi đi tìm anh trai, cũng khá vất vả. Sau khi nhờ ông Đức tìm giúp thì ông nói ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đak Đoa có một ngôi mộ của liệt sĩ Nguyễn Công Trạng, có quê quán trùng với quê của anh trai tôi. Ông Đức cũng đã dò tìm tên Nguyễn Công Trạng ở đơn vị ghi trên bia mộ nhưng đơn vị khẳng định là trong danh sách lưu trữ không có tên chiến sĩ nào như vậy. Trong khi đó, trong danh sách lưu trữ của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh có tên của anh trai tôi. Vì thế có khả năng tên trên bia mộ bị ghi sai. Hôm nay vào Gia Lai, chúng tôi muốn xác minh lại lần nữa. Ông Đức cũng đã gửi công văn về Bộ Quốc phòng để xin trích mẫu giám định ADN. Hy vọng lần này tôi sẽ tìm được anh trai mình”.

Cũng trong chuyến đi này, ông Đức đã giúp cho thân nhân liệt sĩ Đào Công Nguyên (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) tìm được phần mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Trường hợp này ông Đức chỉ xác minh trong vòng 2 tiếng đồng hồ đã cho ra kết quả chính xác. Ông kể, điều may mắn là khi làm việc với Quân đoàn 3, ông được cung cấp danh sách 10 chiến sĩ hy sinh cùng một tọa độ, an táng cùng một vị trí thuộc huyện Chư Pah (khu 4, tỉnh Gia Lai-Kon Tum cũ). Thế nhưng trong giấy báo tử chỉ ghi là hy sinh tại Kon Tum nên gia đình liệt sĩ Đào Công Nguyên đi tìm ở Kon Tum mãi mà không thấy. Ông Đức nêu suy luận: “Chắc chắn, nếu ở Chư Pah thì sẽ quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Gia Lai. Ngày xưa, Gia Lai và Kon Tum là một tỉnh. Giấy báo tử ghi ở Kon Tum nên gia đình bỏ qua Gia Lai mà không tìm kiếm, do đó mới mất thời gian lâu như vậy. Sau khi xác minh chính xác, tôi cùng gia đình ra nghĩa trang khảo sát và mọi người đều vỡ òa sung sướng khi tìm thấy chính xác phần mộ của liệt sĩ Đào Công Nguyên. Sắp tới, tôi sẽ hướng dẫn cho gia đình thủ tục để xin chuyển hài cốt liệt sĩ về quê”.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, điều ông Đức mong mỏi nhất chính là các cấp, các ngành cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng ngân hàng ADN của các nghĩa trang để các liệt sĩ chưa xác định được danh tính được “trả lại tên”. Ông cũng mong muốn sẽ có thêm nhiều cựu chiến binh tham gia hỗ trợ, cung cấp thông tin giúp các đồng đội đã hy sinh được trở về. Hỏi về sự ghi nhận của các cấp, các ngành đối với những nỗ lực của cá nhân ông trong ngần ấy năm, người cựu binh đưa mắt nhìn các ngôi mộ liệt sĩ rồi trả lời: “Mỗi một lần đưa được đồng đội trở về, nhìn giọt nước mắt của những người mẹ, người vợ, người con sau 40, 50 năm mới tìm được người thân, tôi thấy lòng thật nhẹ nhõm. Với tôi, đây chính là phần thưởng cao quý nhất mà tôi nhận được”.

Ông Đức để lại cho tôi số điện thoại rồi vội vã chia tay, bởi ông còn phải đi xác minh thêm một vài thông tin khác. Tôi lặng im đứng nhìn theo bóng dáng của người cựu binh 64 tuổi rắn rỏi, giản dị trong bộ đồ quân nhân bạc màu, chiếc mũ cối và một túi xách đeo chéo nghiêng nghiêng theo vạt nắng chiều cuối năm nơi khoảng sân rộng trước nghĩa trang…

Phương Linh

 

Có thể bạn quan tâm