TN - Đất & Người

Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ là một tấm gương làm kinh tế giỏi, thương binh 4/4 Phạm Đình Vĩnh-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hội Phú, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi TP. Pleiku-còn luôn năng động, nhiệt tình trong mọi hoạt động, phong trào Hội. Đặc biệt, ông luôn giúp đỡ đồng đội, người nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Đến thăm trang trại cao su, cà phê rộng 40 ha của thương binh Phạm Đình Vĩnh (gần Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai), chúng tôi không thể rời mắt khỏi những hàng cao su thẳng tắp, ngay lối chạy dài tít tắp, những vườn cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh cành sai trĩu quả. Đây chính là thành quả bao năm tháng miệt mài lao động sản xuất của gia đình ông. 

 

Thương binh Phạm Đình Vĩnh bên vườn cà phê của mình. Ảnh. Đ.Y
Thương binh Phạm Đình Vĩnh bên vườn cà phê của mình. Ảnh. Đ.Y

Ông Vĩnh tâm sự: Ông quê ở Bắc Ninh. Năm 1970, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ, trở thành người lính của mặt trận Tây Nguyên. Đầu năm 1977, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông xuất ngũ chuyển sang công tác ở ngành Công an tỉnh Gia Lai-Kon Tum (cũ). Năm 1993, ông nghỉ hưu nhưng chẳng thư nhàn bởi đồng lương ít ỏi, gia đình đông con, kinh tế quá khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, ông đã cùng với gia đình xoay xở làm đủ nghề, thuê đất làm trang trại, chăn nuôi heo, bò… Từ chỗ kinh tế eo hẹp, sau 10 năm, gia đình ông có tiền mua được 10 ha đất. Dù ngày nắng hay mưa, vợ chồng ông đều miệt mài khai hoang trồng cà phê, cao su. Để có tiền mua đất, ông bàn với vợ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội. Đến năm 2006, gia đình ông mua được 40 ha đất, trong đó 30 ha trồng cao su, 10 ha trồng cà phê.

“Hồi ấy, sức khỏe còn tốt, dù là ngày nắng hay ngày mưa, vợ chồng tôi đều rời nhà từ lúc tờ mờ sáng và chỉ trở về khi trời tối. Để có nguồn phân bón cho cây trồng, vợ chồng tôi còn mua thêm vài con bò về nuôi. Dốc toàn bộ vốn liếng vào vườn cây nhưng đến khi cà phê, cao su cho thu hoạch thì giá sụt giảm. Gia đình tôi cũng như nhiều hộ trồng cà phê, cao su rơi vào cảnh lao đao. Nhiều gia đình đã phải quyết định chặt bỏ vườn cây vì không đủ kiên nhẫn chờ giá. Còn gia đình tôi, nếu bán hết vườn cây cũng không đủ trả nợ. Vì thế, sau nhiều đêm trăn trở, tôi nghĩ, giá cả sẽ có lúc cao lúc xuống thấp. Tôi đã nhờ đến đồng đội, bạn bè, người thân giúp vốn để duy trì vườn cây. Cà phê cho thu bói, tôi không thuê hái mà để công nhân hái được bao nhiêu thì cho họ bán. Còn cây cao su, một số diện tích trồng sớm đến thời điểm mở miệng cạo tôi cũng không cạo mủ”-ông Vĩnh cho biết.

Sự kiên trì cuối cùng cũng mang lại thành quả, cà phê tăng giá trở lại giúp gia đình ông có nguồn thu ổn định và đầu tư chăm sóc 30 ha cao su tiểu điền. Những năm 2009-2014, giá mủ cao su lên cao đỉnh điểm. Nhờ đó, tiền vay ngân hàng, bạn bè, đồng đội đều được ông trả hết.

 

Ông Quách Đình Hoàng-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Pleiku: “Cựu chiến binh Phạm Đình Vĩnh luôn phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế, mặc dù đã tạo dựng được một cơ nghiệp ổn định, có của ăn của để, song ông Vĩnh vẫn luôn phấn đấu vươn lên làm giàu cho gia đình và giúp đỡ đồng đội. Ngoài ra, ông còn tích cực hoạt động công tác Hội, nhờ vậy, Hội Cựu chiến binh phường Hội Phú liên tục được xếp loại đơn vị trong sạch vững mạnh, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao”.

Nhìn vào cuộc sống hiện tại với mức thu nhập bình quân từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm (sau khi trừ chi phí) từ cao su, cà phê, ông Vĩnh tự hào: “Những năm tháng trong quân ngũ đã rèn cho tôi tính kiên trì, nhẫn nại, không chịu khuất phục trước khó khăn, gian khổ, nếu không có lẽ tôi đã bỏ cuộc. Vì vậy, tôi luôn nhắc nhở 5 đứa con của tôi, cuộc sống có những lúc thăng trầm, nhưng dù như thế nào cũng phải biết kiên trì, rồi mọi khó khăn sẽ qua”.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Vĩnh còn đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hội Phú, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi TP. Pleiku. Hàng năm, ông đứng ra mua giúp các hội viên phân bón vi sinh trả chậm không tính lãi. Bên cạnh đó, ông Vĩnh còn thường xuyên hỗ trợ giúp đồng đội vốn làm ăn. Nhiều lao động đang làm tại trang trại của gia đình ông Vĩnh đều được ông giúp đỡ về vốn để phát triển kinh tế. Năm nay tròn 65 tuổi nhưng ông Vĩnh luôn gương mẫu, nhiệt tình, được nhiều hội viên tin yêu, quý mến. Bất cứ thành viên nào trong Câu lạc bộ cần hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, ông đều sẵn sàng hỗ trợ. Nhờ vậy, Câu lạc bộ mới đầu chỉ có 15 hội viên giờ phát triển lên 35 hội viên, trung bình mỗi hội viên thu nhập từ 300 triệu đồng đến vài tỷ đồng/năm.

Hà Tây

Có thể bạn quan tâm