Xã hội

Đời sống

Cựu chiến binh Rơ Mah Pur: “Tàn nhưng không phế”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trở về từ chiến trường ác liệt với vết đạn hằn sâu trên cơ thể nhưng thương binh hạng 4/4 Rơ Mah Pur (làng Plong, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) vẫn luôn nỗ lực vượt khó để vươn lên. Ngoài làm kinh tế giỏi, ông còn cống hiến hết mình cho cộng đồng, chung tay xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

57 năm về trước, chàng trai 17 tuổi Rơ Mah Pur gia nhập lực lượng du kích E15, Khu 5 (nay là xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê). Bất kỳ trận đánh nào, Rơ Mah Pur cũng đều xung phong nhận nhiệm vụ. Trong Chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ông và đồng đội cải trang, cùng hàng ngàn quần chúng Khu 5 tiến về thị xã Pleiku theo đường cánh Đông. Tuy nhiên, khi đến quận Thanh An (nay là xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông), đoàn bị xe tăng, máy bay địch vây bắn dữ dội.

“Tôi còn nhớ lúc đó khoảng 1 giờ chiều. Cuộc đàn áp của địch khiến hàng trăm người chết và bị thương. Bị trúng đạn từ máy bay trực thăng, tôi gục xuống và ngất lịm đi. Đến khi tỉnh lại thì thấy mình đã bị địch bắt đưa xuống Trại giam Phú Tài (tỉnh Bình Định). Sau 1 tháng chữa trị cho tôi và khai thác liên tục không được gì, chúng tiếp tục chuyển tôi vào Nhà lao Tân Hiệp (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) rồi về Nhà lao Pleiku. Dù có bị tra khảo bằng hình thức nào, tôi vẫn một lòng kiên trung với cách mạng. Đến đầu năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, tôi mới thoát khỏi cảnh ngục tù”-ông Pur kể.

Ông Rơ Mah Pur chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: M.T

Ông Rơ Mah Pur chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: M.T

Được trả tự do, ông Pur trở về quê nhà và nhanh chóng liên lạc lại với tổ chức cách mạng tại địa phương. Dù sức khỏe giảm sút do thương tích cũ, song với trình độ học vấn có sẵn, ông được cấp trên giao nhiệm vụ dạy tiếng Jrai cho một số cán bộ người Kinh, người dân và trẻ em trong làng cho đến ngày tỉnh nhà hoàn toàn giải phóng.

Về với đời thường, khắc ghi lời dạy của Bác, ông Pur tích cực hưởng ứng phong trào khai hoang, phát triển sản xuất. Năm 1995, ông được cấp trên và dân làng tín nhiệm bầu giữ chức trưởng thôn. Trên cương vị mới, ông không ngừng tuyên truyền, vận động bà con chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. “Học hỏi kinh nghiệm từ người Kinh, tôi đầu tư trồng lúa nước 2 vụ, cà phê, hồ tiêu rồi hướng dẫn dân làng cùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Lúc đầu, nhiều hộ cũng e dè nhưng sau khi thấy tôi làm hiệu quả, bà con chịu làm theo. Nhờ những loại cây trồng này, đời sống của người dân làng Plong đã cải thiện rất nhiều so với trước”-ông Pur chia sẻ.

Năm 2005, ông Pur thôi giữ chức trưởng thôn nhưng vẫn tham gia công tác đoàn thể với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh (CCB) làng Plong; tiếp tục trở thành “đầu tàu” dẫn dắt phong trào ở cơ sở. Ông cũng trở thành CCB sản xuất giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ 1.600 trụ hồ tiêu và 1.900 cây cà phê. Đặc biệt, thời điểm cuối năm 2013, khi giá hồ tiêu tăng cao, gia đình ông thu về gần 1 tỷ đồng và xây dựng lại ngôi nhà mới khang trang trị giá hơn 800 triệu đồng. Noi gương ông, nhiều CCB trên địa bàn cũng tích cực sản xuất kinh doanh. Ông Pur cũng sẵn sàng tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ một số hộ khó khăn trong làng vay vốn không lãi suất để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Năm 2018, do điều kiện sức khỏe không cho phép, ông Pur làm Trưởng ban liên lạc cựu tù chính trị yêu nước xã Ia Hlốp cho đến nay.

Ông Rơ Mah Pur (làng Plong, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) tự hào kể về những tháng ngày cầm súng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Mộc Trà

Ông Rơ Mah Pur (làng Plong, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) tự hào kể về những tháng ngày cầm súng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Mộc Trà

“Bên hông phải của tôi vẫn còn 2 mảnh đạn chưa lấy ra nên cứ trái gió trở trời là đau nhức. Dẫu vậy, tôi chưa bao giờ ngừng làm việc. Ngoài duy trì 2 ha cà phê và 1,1 ha lúa nước, tôi vừa trồng thêm 100 cây chanh dây, chăn nuôi 3 con bò. Lúc nào tôi cũng cố gắng làm lụng để thoát khỏi đói nghèo. Tôi cũng luôn nhắc nhở con cháu mình và dân làng phải chí thú làm ăn, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”-ông Pur khẳng định.

Trò chuyện với P.V, ông Nguyễn Đình Thủy-Chủ tịch Hội CCB xã Ia Hlốp-nhận xét: Ông Rơ Mah Pur là hội viên CCB gương mẫu, luôn đi đầu trong các phong trào của Hội cũng như phát triển kinh tế ở địa phương. Bản thân ông cùng gia đình sống rất hòa đồng, sẵn sàng hỗ trợ các hội viên khác và dân làng khi cần. Đây là tấm gương điển hình của CCB Ia Hlốp, khẳng định ý chí, nghị lực của Bộ đội Cụ Hồ “tàn nhưng không phế”.

Có thể bạn quan tâm