Thời sự - Sự kiện

Thời sự trong nước

Cựu Kế toán trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương rút ruột hơn 246 tỷ đồng để tiêu xài, đánh bạc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Quá trình công tác với vai trò Kế toán trưởng tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bị cáo Nguyễn Hoàng đã “rút ruột” hơn 246 tỷ đồng, chi vào việc cá nhân, đánh bạc. Đến nay, hơn 149 tỷ chưa được bị cáo nộp khắc phục.

Ký giấy rút tiền khống vì tin tưởng cấp dưới

Kết thúc phiên tòa đêm muộn 23/9, TAND TP Hà Nội tuyên bị cáo Nguyễn Hoàng (cựu trưởng phòng Tài chính Kế toán, cựu Kế toán trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) tử hình về tội “Tham ô tài sản”.

Cùng vụ án, các bị cáo Nguyễn Trần Hiển (70 tuổi); Đặng Đức Anh (60 tuổi) đều là cựu Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, mỗi người lĩnh 3 năm tù; Phạm Sơn Thủy (65 tuổi, cựu Kế toán trưởng) 4 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 13/2/2023, bị cáo Đặng Đức Anh gửi đơn lên Bộ Công an tố cáo ông Nguyễn Hoàng có hành vi rút tiền từ tài khoản của Viện nhưng không nhập quỹ.

Khi điều tra, cơ quan công an xác định, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương mở nhiều tài khoản ngân hàng, để tiếp nhận, giải ngân các dự án, tài trợ của các tổ chức phi Chính phủ, nước ngoài, các tổ chức cá nhân trong nước và lợi nhuận từ các hoạt động dịch vụ của Viện, trong đó có 6 tài khoản ngân hàng.

Chủ tài khoản do ông Nguyễn Trần Hiển đứng tên khi còn làm Viện trưởng giai đoạn 2005 - 2015; Đặng Đức Anh năm 2015 - 2023; Phạm Sơn Thủy làm kế toán trưởng năm 2006 - 2016; cá nhân Hoàng làm kế toán viên từ tháng 7/2003, kế toán trưởng từ 2017 và kiêm nhiệm Trưởng phòng Tài chính - Kế toán từ 2019 – 2023 cũng đứng tên.

Theo cơ quan điều tra, trong quá trình quản lý, sử dụng 6 tài khoản ngân hàng, Nguyễn Hoàng viết khống 409 giấy rút tiền để rút hơn 246 tỷ đồng.

Trong khi đó, 3 bị cáo còn lại đã thiếu trách nhiệm khi để Hoàng thực hiện được hành vi phạm tội.

Hơn 246 tỷ đồng đã rút, Hoàng nộp lại 94 tỷ mục đích để tài khoản còn tiền tránh bị phát hiện, 152 tỷ đồng ông ta sử dụng cá nhân.

Cơ quan tố tụng cho rằng, để rút được tiền của cần nhiều bước, nhiều khâu phê duyệt; một giấy rút tiền cần chữ ký của kế toán trưởng và chủ tài khoản là các Viện trưởng.

Để có chữ ký của những người này, ông Nguyễn Hoàng đã viết “khống” đề xuất tạm ứng của các đơn vị, phòng ban. Lợi dụng lúc lãnh đạo bận rộn công việc để trà trộn các giấy rút tiền vào tập văn bản, chứng từ cần ký gấp để họ ký, phê duyệt trên các giấy rút tiền.

Hai cựu Viện trưởng và cựu Kế toán trưởng "không kiểm tra kỹ" nên không phát hiện việc Hoàng tự ghi tên mình ở mục người nhận tiền. Do đó, Hoàng rút tiền trót lọt.

Quá trình điều tra, Hoàng khai tiền rút được ông ta sử dụng cá nhân, đánh bạc theo hình thức lô đề.

Bị cáo Nguyễn Trần Hiển và Đỗ Đức Anh.
Bị cáo Nguyễn Trần Hiển và Đỗ Đức Anh.

149 tỷ chưa được khắc phục

Khi tuyên án, HĐXX đánh giá, ông Đặng Đức Anh không kiểm tra xem có đề xuất phương án chi, chứng từ quyết toán chi…; cũng không kiểm tra quỹ tiền mặt của đơn vị; không thực hiện việc kiểm kê, đối chiếu số dư trong các tài khoản ngân hàng, dẫn đến tiền bị rút trong thời gian dài nhưng không được ngăn chặn.

Toàn vụ án, ông Đặng Đức Anh đã ký 330 giấy rút tiền, tổng 218 tỷ đồng. Do bị cáo Hoàng đã trả 89 tỷ đồng, nên số tiền bị thất thoát trong giai đoạn ông đương nhiệm là 129 tỷ đồng.

Tương tự, cựu Viện trưởng Nguyễn Trần Hiển, cũng thiếu kiểm tra, giám sát thông tin người nhận tiền; không kiểm tra xem có đề xuất phương án chi, chứng từ quyết toán chi, sự cần thiết phải rút tiền từ tài khoản hay không mà do tin tưởng Kế toán trưởng Phạm Sơn Thủy.

Ông Hiển đã ký duyệt 78 giấy rút tiền, tổng 28 tỷ đồng, trừ 5 tỷ đồng bị cáo Nguyễn Hoàng đã nộp lại, số tiền Viện Vệ sinh dịch tễ bị thất thoát trong giai đoạn ông Hiển làm viện trưởng là hơn 23 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, 4 bị cáo đã nộp khắc phục tổng 3,85 tỷ đồng, số tiền còn lại chưa được khắc phục là gần 149 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra đã kê biên của bị cáo Nguyễn Hoàng 1 ô tô, gần 2.500 m2 đất tại quận Tây Hồ (Hà Nội), huyện Tiên Du (Bắc Ninh) và huyện Khoái Châu (Hưng Yên).

Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế với vai trò là cơ quan chuyên môn của Bộ, trực tiếp quản lý việc chấp hành chế độ tài chính của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhưng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, không kịp thời phát hiện để ngăn chặn hành vi phạm tội của Hoàng. Bộ Công an có kiến nghị Bộ Y tế xử lý các cá nhân liên quan tại Vụ này theo quy định.

Tại phiên tòa, HĐXX kiến nghị cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm với ông Trần Như Dương (Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương) để làm rõ dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo Hoàng An (TPO)

Có thể bạn quan tâm