Đáng chú ý, các luật sư tiếp tục hỏi các bị cáo là cựu cán bộ SCB về nội dung xoay quanh các tài sản bảo đảm.
Theo cáo trạng, để hợp thức hồ sơ, rút được tiền tại SCB, Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã dùng nhiều tài sản chưa đủ điều kiện pháp lý, nâng khống giá để đưa vào làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay.
Đối với 1.284 khoản vay còn dư nợ thuộc trách nhiệm của Trương Mỹ Lan, có 1.166 mã tài sản có giá trị sổ sách SCB ghi nhận, phân bổ là 1.265.504 tỷ đồng, Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá được 726/1.166 mã tài sản. Còn lại 440/1.166 mã tài sản, Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân không định giá vì lý do các tài sản là cổ phần, cổ phiếu; quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản…
Bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) tại tòa, sáng 13-3. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Đồng thời, trong 726 mã tài sản có giá trị định giá được, Công ty thẩm định giá Hoàng Quân cũng cho rằng có 209 mã tài sản không đủ điều kiện pháp lý để tiến hành xử lý tài sản vì không có hợp đồng thế chấp/cầm cố, hợp đồng thế chấp chưa được công chứng, tài sản chưa đăng ký giao dịch đảm bảo đúng quy định...
Như vậy, theo các luật sư, hiện có 649 mã tài sản chưa được Công ty Hoàng Quân định giá. Trả lời về vấn đề này, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB) cho biết, bị cáo không có thông tin về các tài sản bảo đảm không được Công ty Hoàng Quân định giá là các tài sản nào!
Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó Tổng Giám đốc SCB tại tòa. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Theo bị cáo Dung, cổ phần, cổ phiếu… đều là tài sản có giá trị được ghi nhận trên sổ sách của SCB. Vì vậy bị cáo Trần Thị Mỹ Dung đề nghị HĐXX xem xét, yêu cầu các cơ quan tố tụng cung cấp danh sách các tài sản không được Công ty Hoàng Quân định giá trong vụ án, từ đó bị cáo mới có cơ sở trả lời quan điểm của mình về việc này.
Tiếp tục trả lời luật sư, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung nói bản thân rất day dứt khi vì bị cáo mà bị cáo Bùi Ngọc Sơn (cựu nhân viên Phòng Tái thẩm định của SCB) phải vướng vào lao lý.
Bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) tại tòa. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Theo bị cáo Dung, do bị cáo bận nhiều công việc nên mới chỉ đạo Bùi Ngọc Sơn liên hệ với các công ty thẩm định giá để phát hành 5 chứng thư nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để SCB đưa vào hợp thức hồ sơ vay vốn, rút tiền cho Trương Mỹ Lan. Sơn khai chỉ liên hệ các công ty thẩm định giá và nói yêu cầu của Trần Thị Mỹ Dung, sau đó giá thẩm định các công ty đưa ra như thế nào, Sơn về truyền đạt lại cho Dung.
Trong vụ án này, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung có vai trò rất quan trọng, là người nhận chỉ đạo trực tiếp từ Trương Mỹ Lan rồi truyền đạt lại cho các đối tượng tại SCB rút tiền cho Trương Mỹ Lan sử dụng. Vì vậy, bị cáo Dung được rất nhiều luật sư hỏi từ ngày 12-3 tới sáng nay.
Theo cáo trạng, Dung biết rõ các khoản vay của Trương Mỹ Lan nhưng đứng tên các cá nhân, công ty “ma” do các khoản vay này đều có điểm chung là được theo dõi trên hệ thống Core Banking tại SCB là “HSTT-Hội sở tiếp thị”; giải ngân, rút tiền của SCB ra trước, sau đó mới hoàn thiện hợp thức hồ sơ cho vay; thực tế các đơn vị tại SCB không có việc thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản bảo đảm, không quan tâm phương án vay vốn, bỏ qua quy trình cho vay thông thường theo quy định pháp luật.
Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó Tổng Giám đốc SCB tại tòa. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Từ ngày 11-9-2019 đến ngày 15-8-2022, Dung với các vai trò là Phó Giám đốc Khối Tái thẩm định, Giám đốc Khối Tái thẩm định, Phó Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc được Tổng Giám đốc ủy quyền thực hiện quyền hạn của Tổng Giám đốc đã ký 395 Tờ trình tái thẩm định, 395 Biên bản họp Hội đồng Kinh doanh và Đầu tư Hội sở, 144 Tờ trình của Tổng Giám đốc (thừa ủy quyền Tổng Giám đốc) trình Hội đồng quản trị đồng ý cho 394 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn VTP, với 617 khoản vay tại SCB trái quy định pháp luật, có dư nợ đến ngày 17-10-2022 là hơn 356.800 tỷ. Tổng giá trị tài sản bảo đảm cho các khoản vay là hơn 87.000 tỷ đồng.
Cáo trạng cáo buộc, Trần Thị Mỹ Dung giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền hơn 200.690 tỷ đồng và gây thiệt hại cho SCB số nợ lãi phát sinh hơn 69.000 tỷ đồng.