Thời sự - Sự kiện

Thời sự trong nước

Trương Mỹ Lan đề nghị chuyển 1.000 tỉ đồng của Nguyễn Cao Trí qua SCB

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong phần thẩm vấn của luật sư, các bị cáo là cựu lãnh đạo của SCB một lần nữa vẫn khẳng định các khoản vay chính tại SCB đều là của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, do bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo.

Ngày 12.3, TAND TP.HCM tiếp tục ngày thứ 6 xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác trong vụ án sai phạm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và nhiều tổ chức khác, gây thiệt hại cho SCB khoảng 498.000 tỉ đồng, theo cáo trạng.

Bị cáo Trương Mỹ Lan (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) và các bị cáo tại tòa. Ảnh: NGUYỄN ANH
Bị cáo Trương Mỹ Lan (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) và các bị cáo tại tòa. Ảnh: NGUYỄN ANH

Theo diễn biến phiên tòa, sáng nay luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Trương Mỹ Lan thẩm vấn bị cáo này cùng một số cựu lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Trả lời luật sư Phan Trung Hoài, bị cáo Lan nhiều lần không đi vào trọng tâm câu hỏi, khiến HĐXX liên tục nhắc nhở.

Trương Mỹ Lan khai, tài sản của bị cáo có được là từ thời mẹ bị cáo tạo lập, sau này phát triển thêm. Thân mẫu bà vốn là tiểu thương chợ Bến Thành 14 năm, sau đó gia đình thành lập Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát. Đến năm 1992 gặp chồng là Chu Lập Cơ, nên duyên.

"Vì sao bà biết đến SCB vào thời điểm hợp nhất 3 tổ chức tín dụng?", luật sư Hoài hỏi. Lúc này, bị cáo bật khóc: "Nghĩ đến ngày đó tôi đau xót".

Theo bị cáo Lan, thời điểm đó tình hình ở 3 ngân hàng hỗn loạn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mời nhiều người bên ngoài vào giúp nhưng họ không dám vào. "Tính tôi là có bao nhiêu tiền nguyện giúp cho Việt Nam vì mang ơn. Nhà tôi không có ai làm ngân hàng, tôi không biết ngân hàng và không thích. Nhưng NHNN nói tôi làm 3 việc: làm sao cổ phần trên 65% giúp ngân hàng mà không ảnh hưởng các ngân hàng khác, không ảnh hưởng tiền tệ quốc gia; cho mượn tài sản; kêu đối tác nước ngoài vào.

Khi 3 ngân hàng họp vào tháng 10.2011, NHNN mời bị cáo tham gia các cuộc họp để cho mượn tài sản. Bà Lan đã cho mượn khách sạn Winsor được định giá 1 tỉ USD, đây là khách sạn 5 sao đầu tiên của Việt Nam, để cho SCB thực hiện tái cơ cấu.

"Lúc đó, tôi chỉ hiểu là tôi cho mượn tài sản, kêu gọi nước ngoài đầu tư, tôi có trách nhiệm không để cho SCB sụp đổ", Trương Mỹ Lan khai. Sau khi thế chấp Winsor cho ông Trần Bắc Hà giá 15.000 tỉ đồng, bị cáo Lan nói mượn thêm tòa nhà Times Square, mượn tài sản gia đình bạn bè để đưa vào SCB.

Luật sư Phan Trung Hoài. Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Luật sư Phan Trung Hoài. Ảnh: NGỌC DƯƠNG

"Với tư duy bất động sản tôi tin sẽ thành công. Tôi cho mượn nếu ngân hàng vực dậy không được tôi sẽ mất hết", bị cáo Lan nói đã xác định tinh thần "mạo hiểm" khi đưa tài sản cho SCB.

Bị cáo lý giải cổ phần bà và con gái chỉ có 15%, còn lại là của bạn bè và cổ đông nước ngoài. Lý giải lý do được mọi người đồng ý góp sức với SCB, bị cáo nói do gia tộc bà "sống giản dị, đạo đức uy tín nên có sức ảnh hưởng, được tôn trọng".

Các bị cáo ngộ nhận về vai trò của bà Lan

Luật sư Hoài dẫn chứng lại lời khai tại tòa của những cựu lãnh đạo, nhân viên SCB cho rằng bà Lan có quyền lực, vai trò chỉ đạo tại SCB, bà Lan lý giải do ở SCB mọi người không thấy ai xuất hiện ngoài bà nên ngộ nhận bà là chủ.

"Tôi ngoài việc cho mượn tài sản, tìm nhà đầu tư thì tôi không biết gì khác. Các công việc phân công tôi không biết... Tôi đã đưa hết tài sản vào SCB, về anh em SCB xin HĐXX xem xét lại thật sự họ khổ lắm", Chủ tịch Vạn Thịnh Phát trình bày.

Bị cáo Lan mong HĐXX xem xét kỹ vai trò của bị cáo trong vụ án, phủ nhận việc tạo lập 1.000 công ty "ma" cũng như hành vi liên hệ công ty thẩm định giá để nâng khống.

"Số tiền quy buộc tôi trong vụ án kính nhờ HĐXX xem xét kỹ số tiền cáo buộc tôi chiếm đoạt, gây thiệt hại", bị cáo Lan nói.

Bị cáo bày tỏ mong muốn được khắc phục thiệt hại trong vụ án, và đề nghị HĐXX giúp chuyển 1.000 tỉ đồng mà bị cáo Nguyễn Cao Trí hoàn trả cho bị cáo để đưa vào SCB, "SCB đang rất cần tiền, giải quyết kinh tế tài chính", bị cáo bày tỏ.

"Trước HĐXX, tôi hứa số cổ phần của tôi, bạn bè và con tôi, xin HĐXX tạo cơ chế tôi sẵn sàng ủy quyền cho NHNN có cổ phần đấy để tiện trong lúc điều hành. Xin HĐXX xem giúp", bị cáo Trương Mỹ Lan kết thúc phần trả lời thẩm vấn của luật sư.

Trước khi hỏi bị cáo Lan, luật sư Phan Trung Hoài đã hỏi một số cựu lãnh đạo SCB. Các cựu lãnh đạo này vẫn khẳng định dù bị cáo Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ gì tại SCB nhưng quyết định toàn nhân sự, cũng như hồ sơ vay tại SCB đều phục vụ cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Hệ thống dữ liệu ký hiệu HSTT

Theo cáo trạng, các bị cáo là cựu lãnh đạo SCB đều có vai trò đồng phạm giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan.

Cụ thể, cựu Chủ tịch HĐQT Đinh Văn Thành (bị xét xử vắng mặt do trốn truy nã), cựu Tổng giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Phó chủ tịch HĐQT Tạ Chiêu Trung, 2 cựu Phó tổng giám đốc Trương Khánh Hoàng và Trần Thị Mỹ Dung nhận trực tiếp chỉ đạo từ Trương Mỹ Lan, hoặc thường xuyên trao đổi, bàn bạc/truyền đạt chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, hợp thức hồ sơ khống, giải ngân tiền tại SCB cho bị cáo Lan.

Các bị cáo đều biết rõ các khoản vay của Trương Mỹ Lan được các cá nhân, công ty "ma" đứng tên do các khoản vay này đều có điểm chung là theo dõi riêng trên hệ thống dữ liệu Core Banking tại SCB với ký hiệu "HSTT – Hội sở tiếp thị". Tức giải ngân, rút tiền ra trước, sau đó mới hoàn thiện hợp thức hồ sơ cho vay.

Trên thực tế các đơn vị tại SCB không thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản đảm bảo, không quan tâm phương án vay vốn, bỏ qua quy trình cho vay thông thường theo quy định.

Ngoài ra, để tránh kiểm tra giám sát của hoạt động cho vay tại các chi nhánh SCB của Ngân hàng Nhà nước, đồng phạm của Lan tại SCB còn thành lập 3 đơn vị độc lập chuyên thực hiện các khoản vay của Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Có thể bạn quan tâm