Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Đa dạng hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Qua 1 năm triển khai, đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030” đã phần nào giúp nâng cao đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho hay: Mục tiêu của đề án là tổ chức hiệu quả các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa. Bên cạnh đó là phát huy vai trò làm chủ trong xây dựng đời sống văn hóa, nhân rộng các mô hình câu lạc bộ, đội văn hóa, nghệ thuật ở cơ sở. 
Nhiều hoạt động thiết thực
Với mục tiêu trên, Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng nữ làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang) là mô hình điểm đầu tiên của tỉnh, trở thành hình mẫu cho các địa phương khác học tập và áp dụng theo. Hiện nay, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch hỗ trợ đầu tư trang-thiết bị (cồng chiêng, dàn âm thanh...), trang phục và tiền công tập luyện cho CLB này.
Phó Chủ nhiệm CLB Đinh Thị Khóp chia sẻ, CLB ra đời vào tháng 7-2014, đến giờ đã thu hút khoảng 60 thành viên tham gia. Theo tập tục của người Bahnar, phụ nữ chỉ múa xoang chứ không đánh cồng chiêng. Nhưng với tình yêu văn hóa dân tộc mình, họ đã cùng nhau nỗ lực mang lại sức sống mới cho không gian văn hóa cồng chiêng. Ông Đinh Bli-Bí thư Chi bộ làng Leng-cho biết: Đến nay, đội vẫn duy trì luyện tập thường xuyên và đã thành thạo hầu hết các bài chiêng truyền thống. Sức hút từ sự uyển chuyển, “phá cách” khiến đội thường được mời tham gia biểu diễn tại nhiều sự kiện ở tỉnh, huyện. 
Bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh-thông tin: Từ đội cồng chiêng nữ đầu tiên ở làng Leng, đến nay, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã thành lập được 25 đội cồng chiêng nữ với trên 1.000 thành viên tham gia. Sự ra đời và hoạt động hiệu quả các đội cồng chiêng nữ đã khẳng định vai trò tích cực của phụ nữ trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, chủ động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở.
Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang) trong một chương trình biểu diễn. Ảnh: Đ.T
Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang) trong một chương trình biểu diễn. Ảnh: Đ.T
Bên cạnh đó, trong năm 2022, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San đã xây dựng 15 chương trình nghệ thuật; dàn dựng 12 tiết mục mới; bổ sung nâng cao 26 tiết mục; thực hiện 100 buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ cơ sở, thu hút 65.000 lượt người xem. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch còn tổ chức thành công các chương trình biểu diễn “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” nhân các ngày lễ 30-4, 1-5, 2-9 và trung tuần tháng 10-2022 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku); tổ chức các ngày hội, giao lưu, hội thi, hội diễn văn hóa, nghệ thuật cấp tỉnh và cấp huyện với nhiều hoạt động đặc sắc như: trình diễn cồng chiêng, hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, thi đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm...
Góp phần không nhỏ vào thực hiện các mục tiêu của đề án còn có hoạt động của hệ thống thư viện các cấp. Năm qua, Thư viện tỉnh đã phục vụ xe ô tô thư viện lưu động và luân chuyển bằng xe máy tại tủ sách của 117 địa điểm thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với tổng số sách, báo gồm 410.800 bản, thu hút trên 115.000 lượt người tham gia. Các thư viện cấp huyện cấp tổng cộng 3.777 thẻ bạn đọc; phục vụ 177.200 lượt độc giả; luân chuyển 551.220 lượt sách; luân chuyển sách từ kho dùng chung của thư viện huyện, thị xã về các điểm bưu điện văn hóa xã tại 89 điểm, tổng số chuyến phục vụ là 152 chuyến…
Xây dựng phong trào từ cơ sở
Từ những kết quả đạt được, năm 2023, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch xác định tiếp tục tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả các nội dung, mục tiêu đề án đã đề ra theo Kế hoạch số 961/KH-UBND ngày 19-7-2021 của UBND tỉnh; đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí để triển khai thực hiện tại địa phương. Cùng với đó, Sở hướng dẫn Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức cuộc thi sáng tác về đề tài dân tộc thiểu số; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp, kỹ năng triển khai các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; lồng ghép việc triển khai thực hiện kế hoạch với các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. 
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung cho biết thêm: Năm 2022, Sở đã xây dựng kế hoạch tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng các huyện biên giới (mở rộng), nhưng do 2 đơn vị lực lượng vũ trang gồm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng một số địa phương không thành lập được đoàn tham gia nên hội diễn phải tạm dừng. Do vậy, năm 2023, Sở sẽ sớm triển khai kế hoạch để tổ chức hoạt động ý nghĩa, hấp dẫn này. Qua thực tế khảo sát, thống kê tại 17 huyện, thị xã, thành phố, số lượng các CLB sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật hiện rất ít, một số CLB được thành lập nhưng không theo đúng quy định của pháp luật, hoạt động tự phát và không thường xuyên. Vì vậy, năm tới, Sở sẽ tổ chức ra mắt CLB Cồng chiêng nữ làng Leng; đồng thời định hướng các địa phương xây dựng 1-2 CLB văn hóa, nghệ thuật với quan điểm: từ chỗ phát triển phong trào ngay tại cơ sở, đời sống văn hóa-văn nghệ ở địa phương sẽ theo đó được nâng cao và duy trì bền vững. 
LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm