Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Đà Nẵng đề xuất xây cầu qua sông Hàn, làm hầm qua sân bay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sở GTVT thành phố Đà Nẵng đề xuất thêm công trình mới vượt sông Hàn và xây hầm qua sân bay quốc tế Đà Nẵng.
 

 
 Những công trình giao thông khác mức góp phần xóa nạn kẹt xe ở Đà Nẵng (Trong ảnh: Cầu vượt Ngã Ba Huế)
Những công trình giao thông khác mức góp phần xóa nạn kẹt xe ở Đà Nẵng (Trong ảnh: Cầu vượt Ngã Ba Huế)



Nhiều phương án tháo gỡ ùn tắc giao thông vừa được đưa ra tại hội thảo “Phương án phân luồng giao thông khu vực trung tâm thành phố” do Sở GTVT Đà Nẵng và Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật thành phố tổ chức ngày 25/5.

Xây thêm nhiều công trình khác mức

Theo ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, sự phát triển nóng về KT - XH của Đà Nẵng những năm qua đã kéo theo sự gia tăng về dân số, phương tiện cá nhân. Đáng chú ý, tình hình phát triển nóng trên lĩnh vực du lịch đã làm gia tăng số lượng lớn xe du lịch của Đà Nẵng và các địa phương khác hoạt động trên địa bàn, gây áp lực không nhỏ lên hạ tầng giao thông thành phố.

“Nhiều khu vực được quy hoạch khách sạn, chung cư, văn phòng, khu dịch vụ thương mại... tập trung khu vực trung tâm thành phố nhưng có khoảng lùi ít, không bố trí bãi đỗ xe. Hạ tầng giao thông thành phố thiếu đất bố trí giao thông tĩnh dẫn đến tình trạng đậu đỗ tràn lan, thu hẹp lòng đường. Ngoài ra, ý thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế cũng là những nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc”, ông Trung nói.

Ghi nhận thực tế của PV Báo Giao thông, tình trạng ùn tắc giao thông tại các tuyến đường như: Hùng Vương, Trần Phú, Trưng Nữ Vương, Lê Duẩn ngày càng phức tạp. Đặc biệt, vào các giờ cao điểm, nút giao thông phía Tây cầu Rồng, nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý phương tiện dồn ứ. Riêng nút giao thông phía Tây cầu Rồng mặc dù đã có hệ thống đèn tín hiệu giao thông nhưng tình trạng ùn tắc vẫn khá nghiêm trọng. Nhiều phương tiện phải mất 2 - 3 chu kỳ đèn mới qua được nút giao.

Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho biết, chỉ trong vòng 5 năm (2014 - 2018), lượng phương tiện đăng ký mới đã tăng rất nhanh. Năm 2014, số ô tô đăng ký mới là 3.727 xe, đến năm 2018 đã lên đến gần 12 nghìn xe. Hiện nay, tổng số ô tô thành phố đang quản lý là hơn 79 nghìn xe, tổng số mô tô đang quản lý gần 900 nghìn xe. Số lượng phương tiện tăng quá nhanh khiến hạ tầng giao thông không theo kịp.

Ông Lê Văn Trung cho biết, trước mắt, từ nay đến năm 2020 sẽ tổ chức giao thông một chiều tại 2 trục dọc và 4 trục ngang khu vực trung tâm thành phố và tổ chức giao thông một chiều các tuyến đường ngang nối đường Trần Phú - Bạch Đằng theo hướng xen kẽ...

Về cơ sở hạ tầng, ông Trung cho biết, ngoài 2 dự án giao thông khác mức phía Tây cầu Rồng và phía Tây cầu Trần Thị Lý, Sở GTVT thành phố cũng đề xuất là thêm công trình mới vượt sông Hàn và xây hầm qua sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Xe buýt ngoại tỉnh không được vào thành phố

 

Dự kiến ngày 2/9 tới, Đà Nẵng sẽ khởi công dự án cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý. Cụm nút giao thông này gồm 3 tầng, tầng trên bố trí cầu vượt thép trên đường 2 tháng 9; tầng mặt đất được bố trí đảo hình tròn tự điều chỉnh; tầng dưới cùng bố trí hầm chui trên đường Duy Tân kéo dài qua nút Duy Tân - Núi Thành và Duy Tân - Bạch Đằng nối dài. Tổng mức đầu tư dự án sau điều chỉnh quy hoạch hơn 723 tỷ đồng.

Riêng nút giao thông phía Tây cầu Rồng, hiện nay đang trong quá trình nghiên cứu lập hồ sơ, làm việc với Ngân hàng Thế giới để bổ sung nguồn vốn.

Theo Đại tá Phan Ngọc Truyền, để giải quyết bài toán ùn tắc phải có bước đi, lộ trình phù hợp đến năm 2020. Trong đó cần đưa những công trình không cần thiết ra khỏi trung tâm thành phố để tránh tập trung đông dân cư. Cần quy định giờ cụ thể loại xe nào được vào trung tâm thành phố, những loại xe nào không được vào. Nếu bị hạn chế mà vẫn chạy vào thì sẽ phải chịu mức phí cao, từ đó hạn chế được phương tiện vào trung tâm thành phố.

“Chúng ta nên có quy định xe buýt ngoại tỉnh nên dừng ở khu vực ngoại đô để xe buýt trợ giá trung chuyển vào thành phố, tránh chồng lấn, dẫn đến ùn tắc. Đến 2025, những xe buýt ngoại tỉnh phải có chỗ đỗ ở khu vực ngoại đô thành phố là hợp lý”, Đại tá Truyền nói.

Đồng quan điểm, KTS Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội KHKT cầu đường Đà Nẵng cho rằng, muốn phân luồng hiệu quả phương tiện vào trung tâm thành phố, cần phải phân luồng từ xa. Cùng với đó là phát triển hệ thống giao thông ngang để “gánh” bớt áp lực cho các trục chính. Khi phân luồng theo một chiều thì phải đồng hành với việc tăng diện tích cho giao thông tĩnh, phát triển giao thông công cộng để người dân có thể tiếp cận mới hạn chế được phương tiện cá nhân.

Trong khi đó, KTS Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng (Nguyên Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng) cho rằng, việc sắp xếp, tổ chức hoạt động đô thị cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ùn tắc.

“Một phần rất lớn lòng lề đường đang được dành cho việc đậu, đỗ xe. Nếu giải phóng được những phương tiện này, trả lại lòng đường cho giao thông thì năng lực lưu hành sẽ tăng. Còn cứ duy trì đậu đỗ xe trên đường thì ùn tắc phải xảy ra”, ông Hùng nói.

Vĩnh Nhân (baogiaothong)

Có thể bạn quan tâm