Với số tiền thi hành án lên đến hàng ngàn tỉ đồng, để giữ lại Sân vận động Chi Lăng, bài toán tìm nguồn vốn là không dễ đối với chính quyền Đà Nẵng.
Giá trị thi hành án Sân vận động Chi Lăng khoảng 3.000 tỉ đồng chưa kể tiền lãi ngân hàng |
Hôm qua (10/8), UBND TP.Đà Nẵng cho hay đã có Công văn 6167 gửi Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND TP, Ban Nội chính T.Ư và các ngành liên quan của TP về việc đề xuất thu hồi dự án phức hợp Sân vận động (SVĐ) Chi Lăng.
Trong khi đó, đầu tháng 5 vừa qua, UBND TP.Đà Nẵng đã nhận được báo cáo của Cục Thi hành án dân sự (THADS) về việc thụ lý, tổ chức THADS vụ Phạm Công Danh và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh. Số tiền phải thi hành án đối với quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại các thửa đất thuộc khu phức hợp SVĐ Chi Lăng (Q.Hải Châu) tương đương 3.000 tỉ đồng, 600 tỉ còn lại là phần thi hành án đối với quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 71 (số 209 Trường Chinh, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng).
Vẫn đang nghiên cứu
Trên thực tế vấn đề thu hồi dự án để giữ lại SVĐ Chi Lăng đã được lãnh đạo TP.Đà Nẵng đặt ra tại nhiều cuộc họp và đã đem ra bàn thảo phương án xử lý (Thanh Niên đã nhiều lần thông tin). Trong quá trình rà soát, UBND TP đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy cho chủ trương để Ban Cán sự Đảng UBND TP hoàn thiện hồ sơ, báo cáo kiến nghị Thủ tướng và các cơ quan T.Ư xử lý vụ việc này theo hướng cho phép TP được giữ lại toàn bộ diện tích đất tại SVĐ Chi Lăng. Trong đó, phương án được đưa ra là TP sẽ chuyển trả toàn bộ số tiền sử dụng đất mà các đơn vị thực nộp vào ngân sách khi giao đất, có tính lãi suất theo lãi ngân hàng nhà nước tại thời điểm thanh toán thực tế.
Vừa qua, UBND TP cũng cho hay đã giao các Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND TP có văn bản xin ý kiến Đảng đoàn HĐND TP, Thường trực Thành ủy theo hướng thu hồi đất thuộc dự án khu phức hợp sân Chi Lăng để phục vụ mục đích chung của TP. Thời hạn gửi báo cáo đề xuất kèm dự thảo chậm nhất vào ngày 24.8.
Theo ông Lâm Hồng Anh, Cục phó Cục THADS TP.Đà Nẵng, việc xử lý tài sản kê biên SVĐ Chi Lăng nhằm đảm bảo quyền lợi cho Ngân hàng Xây dựng trước món nợ hàng ngàn tỉ đồng. Nếu các bên đương sự thỏa thuận bán lại SVĐ Chi Lăng cho TP thì mọi việc quá đơn giản. Nhưng ở đây cho thấy sự chồng chéo quyền lợi giữa các bên, nên Cục THADS sẽ tham mưu cho UBND TP một số phương án. Tuy nhiên, điều ông lo lắng nhất là theo quy định pháp luật thi hành án, trường hợp nếu chưa có điều kiện thi hành án thì Cục THADS TP tiếp tục theo dõi cho đến khi có điều kiện thì mới thi hành án. |
Trả lời PV về việc TP.Đà Nẵng sẽ huy động nguồn lực từ đâu để lấy lại SVĐ Chi Lăng, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, thông tin: “TP đang giao các sở liên quan nghiên cứu và đề xuất các thủ tục nguồn vốn để xử lý chủ trương này”.
Quyền quyết định là của Trung ương
Ông Lâm Hồng Anh, Cục phó Cục THADS TP.Đà Nẵng, cho biết việc thi hành án không chỉ liên quan Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng VN mà còn xuất hiện thêm Agribank Láng Hạ, với 3 lô đất trong tổng số 14 lô đất SVĐ Chi Lăng bị Phạm Công Danh và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh “xẻ thịt”. “Cục THADS TP.Đà Nẵng đang khẩn trương tổng hợp các số liệu của các bên liên quan để báo cáo UBND TP.Đà Nẵng theo yêu cầu, chủ trương của UBND TP là lấy lại SVĐ Chi Lăng, Cục THADS hoàn toàn ủng hộ chủ trương, còn pháp lý thế nào thì phải tính tiếp”, ông Lâm Hồng Anh nói.
Luật sư Trần Tuấn Lợi, Đại biểu Ban Pháp chế HĐND TP, Chánh văn phòng Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng, đánh giá trong vụ án này thì Ngân hàng Xây dựng là nguyên đơn, được thi hành án, nếu giữa Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây dựng không thỏa thuận được thì phải thuê đơn vị thẩm định giá SVĐ Chi Lăng. Lúc này, UBND TP muốn mua lại phải theo giá xác định.
“Tuy nhiên cũng có nhiều cơ chế để TP giữ lại SVĐ Chi Lăng chứ không nhất thiết cứng nhắc, nhưng vấn đề này không còn thuộc thẩm quyền của TP mà ở cấp trung ương mới giải quyết được”, luật sư Lợi nói.
Nguyễn Tú (thanhnien)