Việc quản lý nhà ở xã hội tại Đà Nẵng còn nhiều bất cập, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các đối tượng được hưởng thụ. Có thực trạng được cấp nhà ở xã hội rồi chuyển đổi tên, cho thuê, cho ở nhờ, tự ý thay đổi công năng. Cũng không ít người dù có điều kiện vẫn chiếm dụng nhà ở xã hội tại Đà Nẵng.
134 người có điều kiện vẫn chiếm dụng nhà ở xã hội tại Đà Nẵng. Ảnh: H.L |
Hàng loạt bất cập
Trước việc này, Sở Xây dựng Đà Nẵng vừa chỉ đạo rà soát yêu cầu những đối tượng không đủ quy định được cấp nhà phải trả lại, nếu không sẽ cưỡng chế.
Tháng 12.2019, Thanh tra TP.Đà Nẵng công bố kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội tại chung cư An Trung 2 (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà). Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan thanh tra rà soát 324 trường hợp mua nhà xã hội tại chung cư An Trung 2, qua đó phát hiện 80 trường hợp sai phạm như trường hợp hồ sơ xét duyệt không có các giấy tờ chứng minh các đối tượng hoặc không đủ điều kiện, đã có nhà ở thuộc sở hữu, kê khai không trung thực, đứng tên mua giúp, không làm việc trong doanh nghiệp…
Trường hợp giao nhà ở xã hội sai đối tượng như chung cư An Trung 2 không phải là hiếm ở Đà Nẵng. Báo cáo chưa đầy đủ của Sở Xây dựng cho biết, từ năm 2007-2016, có 3.228 căn hộ/9.579 căn hộ đã xảy ra tình trạng chuyển đổi tên, sang nhượng cho thuê, cho ở nhờ chủ yếu tập trung vào diện các hộ giải tỏa được bố trí thuê căn hộ chung cư.
Cụ thể, có 2.716 hộ giải tỏa đã sang nhượng chuyển đổi tên cho người khác và có 512 trường hợp người dân ở nhà chồ ven sông, giải tỏa bố trí chung cư để chỉnh trang đô thị… diện này chỉ quản lý, không thu tiền thuê nhà.
Hiện tại, trong tổng số 209 trường hợp sở hữu nhà ở hoặc 2 lô đất trở lên thì hiện có 75 trường hợp đã trả lại căn hộ, còn lại 134 trường hợp trung tâm đã yêu cầu các hộ bàn giao căn hộ trước ngày 30.9.
Riêng 6 căn hộ diện tích nhỏ (29m2) được bố trí sử dụng nhưng các hộ tự ý thông 2 phòng với nhau, đến nay, có 1 trường hợp đã trả lại nguyên trạng, còn lại 5 trường hợp, UBND TP.Đà Nẵng có chủ trương rà soát nhà đất, nếu đảm bảo đủ điều kiện thuê thì bố trí 1 căn hộ khác có diện tích lớn hơn và thu hồi 2 căn hộ nhỏ thông phòng.
Cưỡng chế nếu không trả nhà
Nhiều năm qua, Đà Nẵng đã nhận ra những bất cập và đưa ra các giải pháp trong việc giao nhà ở xã hội như “chấm dứt việc cho phép ký hợp đồng chuyển đổi quyền cho thuê căn hộ đối với các hộ giải tỏa”, “các hộ giải tỏa được bố trí cho thuê chung cư, nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước phải có nghĩa vụ trả tiền thuê nhà theo quy định”. Tuy nhiên, đến nay hiệu quả vẫn còn chưa đạt được như kỳ vọng.
Theo Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng, sở dĩ có chuyện giao nhà ở xã hội sai quy định bởi, một số quy định của nhà nước không rõ ràng và sự phối hợp giữa các ngành liên quan chưa chặt chẽ. Chưa hết, sự hiểu biết, nhầm lẫn của người dân còn hạn chế nên xảy ra tình trạng trên.
Ông Lê Doãn Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng - cho biết, khi phát hiện ra nhiều trường hợp giao nhà ở xã hội không đúng quy định, một số người đưa ra các lý do như không có nhà hoặc có nhà đứng tên giúp... Tuy nhiên, quan điểm của Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà là phải chấm dứt tình trạng này, tạo ra sự công bằng trong việc cấp nhà ở xã hội.
“Chúng tôi đã đưa ra nhiều quy định để thu hồi nhà ở như đưa ra thời hạn cuối cùng ngày 30.9. Đối với những người nếu trả sẽ nhờ chính quyền địa phương cưỡng chế. Riêng các cán bộ công chức, viên chức, chúng tôi sẽ nhờ Sở Nội vụ can thiệp” - ông Lâm thông tin.
Tại phiên thảo luận chung về vấn đề quản lý, sử dựng nhà ở xã hội thuộc Kỳ họp 15, HĐND TP.Đà Nẵng Khóa IX, ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng cho biết, về tiêu chuẩn, tiêu chí cần phải rà soát lại. Với đối tượng sử dụng không đúng, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo, rà soát và xử lý để làm sao đảm bảo công bằng. Ông Trung cho rằng, tình trạng người không có nhà ở trong khi đó nhiều người có điều kiện vẫn chiếm dụng căn hộ. Như thế là không được.
HỮU LONG (LĐO)