Phóng sự - Ký sự

Đã thấy xuân về trên gốm sứ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đừng ngạc nhiên khi thấy nhiều khách cứ tần ngần trước một chiếc bình gốm nâu giả cổ hay chiếc độc bình men lam. Có thể họ tìm thấy đâu đó trong màu men cánh gián kia là hình bóng của cánh mai vàng đón xuân thời thơ ấu.
Cô chủ Gốm Nhà Tím giới thiệu một loại gốm giả cổ bên cành đào khoe sắc sớm. Ảnh: NHƯ HẠNH

Cô chủ Gốm Nhà Tím giới thiệu một loại gốm giả cổ bên cành đào khoe sắc sớm. Ảnh: NHƯ HẠNH

1. Tháng Chạp đi qua thành phố bằng những bước chân của nắng thênh thang. Người ta bắt đầu đổ ra đường để sắm sửa đón xuân. Những cửa hàng gốm sứ từ phố đến quê ngày thường lặng lẽ nay trở nên nhộn nhịp kẻ bán người mua. Bởi một bình gốm chưng hoa đào hay hoa mai ngày Tết vốn không thể thiếu được ở mỗi nhà. Huống chi bây giờ phố phường chật hẹp, người ta chuyển sang chơi hoa kiểng, bon-sai để phá vỡ giới hạn của không gian địa lý mà vẫn tận hưởng tròn trịa cảm xúc với thiên nhiên cây cỏ.

Người dân phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) vẫn gọi khúc đường Hoàng Thị Loan từ cầu vượt Ngã ba Huế chạy về hướng tây bắc qua Bồ Đề Thiện Viện là “con đường gốm sứ” bởi những bãi gốm trải dài sóng sánh hoa văn trong nắng vàng như mật. Ở đường gốm, không có sự mua bán xô bồ mà chỉ có sự thẩm thấu cái đẹp đến tĩnh lặng. Khách đến mua hàng, dựng xe trên lề đường, thong thả dạo chơi cùng mọi dòng gốm Việt. Từ gốm ở miền Bắc như Bát Tràng, Phù Lãng, Hải Dương… đến gốm ở miền Nam như Lái Thiêu (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai), Sông Bé, Cây Mai (Sài Gòn)… Ngay cả dải đất miền Trung cũng góp mặt với dòng gốm Châu Ổ (Quảng Ngãi), và gốm Hạ (Quảng Nam).

Trong cái thế giới mênh mông của gốm ấy, mỗi người có thể tìm cho mình một nỗi niềm riêng mang về nhà cắm hoa, trồng cây hay thậm chí chỉ chưng trên kệ như món đồ trang trí. Mấy năm trước, khi khu đô thị Tây Bắc cầu vượt Ngã ba Huế mở ra đã khơi thông một vùng ngoại ô chằng chịt những con hẻm chật hẹp như mê cung. Lúc đó đường Hoàng Thị Loan hãy còn một dải đất ngổn ngang đất đá và cỏ dại. Ý tưởng cho người dân thuê mặt bằng để kinh doanh của phường Hòa Minh không ngờ đã mở ra con đường gốm đầy bản sắc Việt. Nghe nói ban đầu chỉ có một người bán gốm vỉa hè với biệt danh Đức Mập, sau đó phát triển thành cửa hàng thu hút khách qua đường. Do mặt bằng thoáng rộng, con đường rộng thênh thang, nhiều hộ kinh doanh ở nơi khác đến hội tụ như một sự hữu duyên đã tạo nên một thế giới gốm kéo dài cả gần cây số, níu áo khách mê món đất nung này đổ về như trẩy hội.

2. Khách vì yêu gốm nên yêu cả người bán gốm. Bởi cả hai luôn có sự am hiểu và niềm đam mê về vẻ đẹp của từng dòng gốm. Nhiều khách đến vựa Gốm Nhà Tím đã thật sự thu hút không chỉ bởi sắc tím bàng bạc khắp nơi mà cách thẩm thấu gốm của cô chủ Nguyễn Thị Diệu Ánh. Cô gái xứ Huế ấy đã có 8 năm kinh doanh gốm theo trường phái “lộn xộn”. Cái lộn xộn như lời chị nói là nhiều dòng gốm, nhiều kích cỡ, nhiều thể loại. Từ loại bé xíu như lọ hoa bằng ngón tay người lớn, ấm chén trà đến các loại bình hoa khủng cao cỡ 2m trở lên. Từ chậu hoa bằng nắm tay để trồng sen đá đến hàng đại để trồng cây cổ thụ. “Đến hàng nhà em thì hàng thô, hàng sứ, giả cổ, vẽ tay… thứ chi cũng có!”, đôi mắt cô chủ Gốm Nhà Tím không giấu được vẻ tự hào khi trả lời khách.

Để có một nguồn gốm phong phú, giá rẻ phục vụ người yêu gốm thì chủ các vại gốm ở đây đã tự tìm kiếm các mối mua hàng với khối lượng lớn. Đặc biệt là phải nắm bắt các thông tin các nguồn hàng tồn, hàng thanh lý, hàng lỗi không xuất khẩu được của các kho hàng, công ty lớn từ Nam chí Bắc. “Có thể nói, đây là bãi tập trung gốm các vùng miền đổ về. Mỗi chuyến hàng nhập về bãi không chỉ tính bằng kiện mà là container mới thỏa!”. Đó là tiết lộ của ông chủ hàng Gốm Đức Mập, người được cho là đã đặt dấu mốc khai sinh “con đường gốm sứ” muôn hồng nghìn tía này.

Diệu Ánh, kẻ đã trót si tình với gốm đến cuồng nhiệt, trải lòng: “Nhiều người vẫn nói hàng lỗi, hàng bể mua về bán cho ai? Nhưng thật ra đối với người yêu gốm, đôi khi sự không hoàn thiện lại tạo nên một vẻ đẹp ngẫu nhiên hiếm thấy. Dân chơi bonsai rất thích lặn lội qua các vựa gốm, lùng mua cho được hàng bị lỗi, sứt mẻ. Bởi vì có thể đó là hàng giá trị nhưng nếu bị lỗi chút ít hay bị sứt mẻ một cách đầy nghệ thuật thì cái sự “lỡ tay nắn nhầm” của bà Mụ này không lặp lại bao giờ. Nhiều nghệ nhân bonsai mua cả xe gốm lỗi về trồng cây, tạo thành những tác phẩm giá trị đến bất ngờ”.

Những độc bình chờ cành mai, cành đào... Ảnh: NHƯ HẠNH

Những độc bình chờ cành mai, cành đào... Ảnh: NHƯ HẠNH

3. Chiều những ngày giáp Tết vẫn còn sót lại chút se lạnh của ngày đông nên con đường gốm thêm thi vị. Chút nắng cuối cùng rơi trên cành đào huyền cắm trên chiếc lọ gốm thô mang hơi thở của đất làm cho những đóa đào phai ửng hồng. Những người khách đến mua hàng ngồi nghỉ bên chiếc bàn gỗ bạc phếch vì thời gian kê tạm bên vỉa hè râm ran trò chuyện bên ấm trà do cô chủ vừa pha xong. Mỗi người mang đến một câu chuyện về gốm, về sứ thổi hồn vào những chậu, lọ vô tri nằm chồng chất thi gan cùng tuế nguyệt… Bằng tất cả tình yêu duy mỹ, đối với người chơi gốm thì mỗi bình hoa, ấm nước, tách trà... trở thành những bức họa có tâm hồn trên gốm.

Các chủ cửa hàng gốm ở đây thường nói vui rằng: Khách đến đây không bao gồm những người nhiều tiền ít thời gian mà chủ yếu là những người có nhiều thời gian để nhẩn nha chọn lựa. Rủng rỉnh tiền thì mua mấy hàng lớn giá trị, ít tiền thì chọn vài cái lọ nhỏ, vài cái tách trà lẻ bộ hay đôi khi chỉ để ngắm, để sờ từng hoa văn, nước men khoe mình trên gốm cho thỏa niềm yêu. Có người mua vì thích, mua vì cần, nhưng cũng có người đến để ngắm như một thú vui trong trẻo hoặc tìm hiểu kinh nghiệm để khởi nghiệp bằng nghề kinh doanh gốm sứ. Nên chi, đừng ngạc nhiên khi thấy nhiều khách cứ tần ngần trước một chiếc bình gốm nâu giả cổ hay chiếc độc bình men lam. Có thể họ tìm thấy đâu đó trong màu men cánh gián kia là hình bóng của cánh mai vàng đón xuân thời thơ ấu.

Theo những người thâm niên cùng gốm sứ, nghề này không chỉ đòi hỏi sự hiểu biết nhất định về gốm mà cần phải thuộc diện “miệng lái, vai phu”. Nghĩa là không chỉ tư vấn đúng theo nhu cầu, sở thích của khách mà còn phải có sức vóc để bưng bê, đi lại hết bãi gốm hết ngày này tháng nọ. Trời mưa thì khổ theo trời mưa, trời nắng thì vất vả theo kiểu nắng. Phải là người có tâm, yêu nghề thì mới sống chết với nghề. Còn không thì ăn xổi ở thì, bán buôn một thời gian rồi giải tán…

Có thể những gian hàng bán gốm kiểu “lộn xộn”, kiểu hàng sale, hàng lỗi ở đây không có giá trị lớn như một số cửa hàng gốm cao cấp ở trung tâm phố thị nhưng điều đặc biệt là đã tạo ra một sắc diện độc đáo cho một con đường mới ở ngoại ô thành phố với nét văn hóa thưởng ngoạn gốm Việt một cách bình dân nhất có thể.

Nắng vẫn đổ dài trên phố gốm Hoàng Thị Loan như một nét vẽ mềm mại. Bình hoa đào rơi vài cánh hồng phai. Nghe trong từng mạch gốm có mùa xuân về thật chậm!

Có thể bạn quan tâm