Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Đại án Trầm Bê: Truy 600 tỉ đồng chuyển cho bà Hứa Thị Phấn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 18-1, TAND TP HCM tiếp tục phiên xử "đại án" xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với phần xét hỏi để làm rõ số tiền mà ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) đã chuyển cho bà Hứa Thị Phấn (cựu lãnh đạo Trustbank) trong đề án tái cơ cấu VNCB theo yêu cầu cấp thiết của Ngân hàng Nhà nước.

Bà Hứa Thị Phấn trong phiên tòa xử ông Phạm Công Danh giai đoạn 1.
Bà Hứa Thị Phấn trong phiên tòa xử ông Phạm Công Danh giai đoạn 1.

Luật sư (LS) Trương Thị Minh Thơ (bảo vệ cho bà Hứa Thị Phấn) đã đặt một số câu hỏi liên quan đến khoản tiền mà ông Danh chuyển cho bà Phấn.

Theo LS Thơ, từ khi khởi tố đến nay, bà Phấn chưa được các cơ quan tố tụng lấy lời khai của với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và là nhân chứng cũng như những vấn đề liên quan. Trong khi đó, cáo trạng của VKSND Tối cao quy kết bà Phấn lấy tiền từ tài khoản của ông Danh chuyển cho bà Phấn để bà sử dụng. Trong khi đó, số tiền này ông Danh chuyển trả nhằm tái cơ cấu ngân hàng.

LS Thơ đặt câu hỏi số tiền 600 tỉ đồng mà ông Danh đã trả cho bà Phấn như thế nào?

Theo ông Danh, từ khi tiếp nhận Trustbank,bà Phấn có một khoản nợ 30 tỉ đồng đi mượn các tổ chức tín dụng khác để trả lãi ngoài. Sau đó, ông Danh đã chuyển 30 tỉ đồng để bà Phấn trả nợ. Chủ tọa phiên tòa cắt lời ông Danh vì cho rằng số tiền này không liên quan 600 tỉ đồng mà tòa cần làm rõ.

Vậy ông Danh có giao dịch dân sự, cá nhân với bà Phấn hay không, hay số tiền 600 tỉ đồng nằm trong dòng tiền sử dụng tái cơ cấu VNCB? LS Thơ đặt câu hỏi.

Ông Danh né tránh và nói số tiền này ông Phan Thành Mai biết rõ nhất chứ ông không nhớ rõ.

Ông Mai trả lời rằng sử dụng 600 tỉ đồng trả cho nhóm Phú Mỹ (do bà Phấn làm đại diện) nhằm tái cơ cấu VNCB.

Ông Đặng Văn Thảo, đại diện Ngân hàng Nhà nước, cho biết theo đề án tái cơ cấu, chủ ngân hàng mới tiếp nhận phải chịu trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ của ngân hàng cũ.

 

Đại diện Ngân hàng Xây dựng xác định trước tòa là bị hại trong vụ án này. Theo đó, đến nay số tiền thiệt hại do Phạm Công Danh và đồng phạm gây ra là 6.126 tỉ đồng, đây là hậu quả do 46 bị cáo cùng các tổ chức, cá nhân tại các ngân hàng: TPBank, Sacombank, BIDV cùng các công ty đã vay tại các ngân hàng gây ra.

Từ lập luận này, vị đại diện đề nghị 46 bị cáo và hơn 140 cá nhân được đề cập trong cáo trạng nhưng không bị xử lý hình sự, trừ 3 ngân hàng, tùy mức độ mà chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại, hoàn trả 6.126 tỉ đồng.

Phạm Dũng/nld

Có thể bạn quan tâm