Chính trị

Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Pleiku: “Nóng” vấn đề sách giáo khoa và “tín dụng đen”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 4-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các ông, bà: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Thị Mai Phương-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Đại tá Đinh Văn Thê-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Rơ Châm H’Phik-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh đã có buổi tiếp xúc cử tri TP. Pleiku trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Dự buổi tiếp xúc có các ông, bà: Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku; Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn phát biểu kết luận buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Q.T

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn phát biểu kết luận buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Q.T

Sau khi nghe đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh thông báo dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, cử tri TP. Pleiku đã có nhiều ý kiến, kiến nghị gửi đến Đoàn ĐBQH tỉnh. Cử tri Trần Đình Vân (thôn 9, xã Tân Sơn) cho rằng: Từ khi thực hiện chương trình cải cách giáo dục (năm 2018) đến nay đã xuất hiện rất nhiều bất cập. Một cấp học có nhiều bộ sách, số lượng đầu sách nhiều và bán với giá khá cao. Bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 sau khi học xong thì không thể sử dụng lại. Ngoài ra, việc sử dụng nhiều bộ sách cũng gây khó khăn cho giáo viên trong tập huấn. Điều này gây lãng phí rất lớn, trong khi đời sống người dân còn nhiều khó khăn. “Đề nghị ĐBQH tiếp thu và có ý kiến đến Trung ương, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, thống nhất một bộ sách từ lớp 1 đến lớp 12”-cử tri Trần Đình Vân đề nghị.

Còn cử tri Vũ Thị Hồng Chinh (thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ) thì bức xúc: “Hoạt động cho vay “tín dụng đen” hiện đang tràn lan trên các mạng xã hội cũng như phát tờ rơi khắp nơi trên địa bàn thành phố. Nhiều gia đình đã rơi vào cảnh tan nhà, nát cửa bởi nạn cho vay nặng lãi. Để xảy ra tình trạng này trách nhiệm thuộc về ai, cơ quan nào? Tôi đề nghị ĐBQH tỉnh có ý kiến để các cấp có thẩm quyền mạnh tay xử lý vấn nạn này, tạo sự bình yên trong Nhân dân”.

Cử tri Pleiku nêu nhiều vấn đề được dư luận quan tâm. Ảnh: Q.T

Cử tri Pleiku nêu nhiều vấn đề được dư luận quan tâm. Ảnh: Q.T

Ngoài ra, cử tri Pleiku cũng đề nghị các cấp quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường hiện đã xuống cấp như: Đào Duy Từ, Nguyễn Xí, Ngô Quyền. Các tuyến đường này đều có lưu lượng phương tiện qua lại rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Tình trạng quy hoạch “treo”; chế độ chính sách cho người cao tuổi; chế độ cho đội ngũ làm việc tại các thôn, làng, tổ dân phố; chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… cũng được cử tri Pleiku đề cập.

Dịp này, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tặng 10 suất quà cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn TP. Pleiku.

Trả lời về nạn cho vay nặng lãi, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đỗ Việt Hưng cho biết: Ủy ban nhân dân thành phố xin tiếp thu và sẽ có ý kiến với cấp thẩm quyền ngăn chặn tình trạng này trên không gian mạng. Đồng thời, giao Công an thành phố tăng cường ngăn chặn, xử lý quyết liệt hơn nữa vấn nạn “tín dụng đen”. Thành phố cũng đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền và mong bà con cử tri cảnh giác, phòng ngừa vấn nạn này.

Chủ tịch UBND thành phố cũng ghi nhận các ý kiến của người dân về đầu tư hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, nhu cầu hoàn thiện hệ thống giao thông của thành phố rất lớn nhưng nguồn lực có hạn nên chính quyền sẽ tính toán, đưa vào kế hoạch đầu tư theo mức độ ưu tiên của từng tuyến đường.

Thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch ghi nhận và tiếp thu toàn bộ các ý kiến của cử tri liên quan đến chính sách, quy hoạch… và giao các sở, ngành xem xét, giải quyết thấu đáo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng thông tin: Hiện nay, tỉnh Gia Lai đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung của tỉnh và đây sẽ là nền tảng để các địa phương, trong đó có TP. Pleiku triển khai các quy hoạch tiếp theo. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các sở, ngành cùng với thành phố để thực hiện điều chỉnh quy hoạch đảm bảo điều kiện triển khai các công trình, dự án liên quan đến Pleiku.

Đối với vấn đề y tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Qua đợt dịch Covid-19, tỉnh ta đã bộc lộ rất nhiều lỗ hổng về y tế cũng như nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của người dân. Theo đó, UBND tỉnh đã xây dựng lại toàn bộ Đề án phát triển mạng lưới y tế của tỉnh đến năm 2030, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt và đang triển khai cụ thể hóa đề án này. Trong đó, xác định nhiệm vụ quan trọng nhất là xây dựng mạng lưới chăm sóc sức khỏe cho người dân; đồng thời, xây dựng các chính sách thu hút nguồn bác sĩ giỏi về công tác tại các bệnh viện. Hiện nay, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác làm việc trực tiếp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh để xây dựng lại Đề án của đơn vị này.

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng mong muốn các đại biểu Quốc hội tỉnh có ý kiến ở cấp độ vĩ mô đối với những vấn đề bất cập trong thực hiện chính sách thu hút nhân tài của ngành y tế hay các quy định về đấu thầu chuyên biệt nhằm đảm bảo thuốc, vật tư y tế phục vụ khám-chữa bệnh...

Bà Nguyễn Thị Mai Phương-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Q.T

Bà Nguyễn Thị Mai Phương-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Q.T

Trả lời ý kiến của cử tri về Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, bà Nguyễn Thị Mai Phương cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông. Qua đó, Quốc hội đã nhìn nhận được những tồn tại, hạn chế, bất cập trong chương trình đổi mới SGK. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng một bộ SGK chuẩn nhất và đưa SGK vào danh mục nhà nước quản lý về giá tránh tình trạng đầu cơ, nâng giá.

Đoàn đại biểu Quốc hội tặng 10 suất quà cho các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Q.T

Đoàn đại biểu Quốc hội tặng 10 suất quà cho các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Q.T

Kết luận buổi tiếp xúc, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Châu Ngọc Tuấn đánh giá cao các ý kiến của cử tri cũng như nội dung trả lời của lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành, chính quyền TP. Pleiku. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh, thành phố làm tốt công tác quy hoạch và quản lý cũng như xóa các quy hoạch “treo” trong thời gian tới nhằm đảm bảo cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương và không ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị chính quyền các cấp quan tâm thực hiện và đề cao vai trò Quy chế dân chủ ở cơ sở. Ngoài ra, tất cả các phản ánh liên quan đến giáo dục cũng như các ý kiến khác của cử tri rất xác đáng, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp và gửi đến các cấp có thẩm quyền giải quyết; đồng thời đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Có thể bạn quan tâm