Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Đại sứ văn hóa đọc 2019

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là cuộc thi do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Thư viện tỉnh Gia Lai phối hợp tổ chức. Hiện các nhà trường đang hoàn tất việc gửi bài thi tham dự giải các cấp.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày là tới hạn gửi bài (từ ngày 20-2 đến 28-2) nên thư viện các nhà trường hoạt động sôi nổi hẳn lên. Các thầy cô bận bịu với việc hướng dẫn học sinh tìm sách đọc và viết bài tham gia. Nhìn thấy sự hào hứng của các em trong hoạt động này mới thấy cuộc thi có ảnh hưởng rất sâu rộng.
 Học sinh Trường THCS Lê Duẩn (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) đọc sách tại thư viện. Ảnh: Thuận Ánh
Học sinh Trường THCS Lê Duẩn (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) đọc sách tại thư viện. Ảnh: Thuận Ánh
Theo thể lệ, học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên địa bàn tỉnh đều có thể tham gia cuộc thi. Thí sinh được chọn 1 trong 3 đề sau: chia sẻ về một cuốn sách mà em yêu thích hoặc một cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức hoặc cuộc sống của em; sáng tác một tác phẩm (câu chuyện hoặc một bài thơ) nhằm khích lệ mọi người đọc sách (khuyến khích thí sinh vẽ tranh minh họa); viết tiếp lời cho một câu chuyện hoặc cuốn sách mà em đã đọc. Ngoài ra, mỗi thí sinh sẽ trả lời thêm câu hỏi: “Nếu được chọn là Đại sứ văn hóa đọc, em có kế hoạch và biện pháp gì để khuyến khích các bạn và mọi người đọc sách nhiều hơn?”. Thí sinh cũng có thể trình bày bài bằng một trong 2 hình thức: viết hoặc quay clip. Ban tổ chức sẽ nhận bài, chấm điểm, trao giải cuộc thi và chọn ra 30 bài xuất sắc gửi về Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch để tham gia vòng chung kết toàn quốc trước ngày 13-3.
Trong thời đại công nghệ số, khi chỉ cần chiếc smartphone nhỏ bé là như có cả thế giới kiến thức trong tay, việc phát triển hoạt động đọc sách ở thư viện là vấn đề nan giải. Vì vậy, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc năm 2019” được kỳ vọng sẽ khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với lứa tuổi thanh thiếu nhi, từ đó khuyến khích, thúc đẩy, hình thành văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Cô Nguyễn Thị Thu Lài-cán bộ thư viện Trường THCS Lê Duẩn (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) chia sẻ: Thư viện được trang bị nhiều đầu sách mới nhưng tình trạng vắng bóng người đọc khiến cô không khỏi chạnh lòng. Nhưng từ khi cuộc thi được phát động, thư viện xôn xao hẳn lên. Cô cũng nhiệt tình hướng dẫn học sinh tìm sách để đọc và lựa chọn câu hỏi phù hợp tham gia cuộc thi. “Hy vọng sau cuộc thi này, văn hóa đọc trong nhà trường nói riêng và trong cộng đồng nói chung sẽ được nhân rộng và phát triển”-cô Lài bày tỏ.
Em Be La-học sinh lớp 7 Trường THCS Lương Thế Vinh (xã Chư Á, TP. Pleiku) thì hào hứng: “Trước kia, em ít đọc sách vì không có thói quen lên thư viện. Nay được các thầy cô hướng dẫn cách đọc sách, em thấy rất ý nghĩa và thích đọc sách hơn. Em tham gia cuộc thi này trước tiên để tự đánh giá năng lực cảm thụ sách của mình, sau đó là để mở rộng vốn kiến thức bản thân. Em sẽ động viên các bạn trong lớp, trong trường thường xuyên lên thư viện đọc sách và tìm sách ở mọi nơi để đọc”.
Anh Nguyễn Hoàng Nam-cán bộ Thư viện tỉnh-cho biết: Đây là lần đầu tiên Thư viện tỉnh phối hợp với các sở, ngành tổ chức cuộc thi đọc sách với quy mô lớn như thế này. “Mong rằng cuộc thi sẽ thu hút được sự quan tâm tới văn hóa đọc, từ đó góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ Việt Nam, đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập”-anh Nam kỳ vọng.
Còn nhớ, có người từng nói rằng: “Sách là những con tàu tư tưởng lênh đênh trên các lớp sóng thời gian và trân trọng chuyên chở những thứ hàng quý báu của mình hết thế hệ này sang thế hệ khác”. Người viết ra một cuốn sách phải mất bao năm và bao cuộc trải nghiệm mới để lại cho đời những trang viết đầy trí tuệ và tâm huyết. Hòa trong không khí rộn ràng đọc sách và tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc năm 2019”, tôi nhận ra, sách muôn đời vẫn truyền tải đầy đủ sứ mệnh của nó, nếu ta biết cách khai thác và tuyên truyền cách đọc phù hợp.  
Thuận Ánh

Có thể bạn quan tâm