Kinh tế

Nông nghiệp

Đak Đoa: Chủ động cây giống tái canh cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 150.000 cây cà phê thuộc giống lai đa dòng TRS1, TR4, TR9 nhập từ Viện Ea Kmat Đak Lak đang được làm đất, đóng bầu ngay tại vườn ươm của huyện Đak Đoa, sẵn sàng cho kế hoạch trồng tái canh 473,69 ha trong  năm 2017.

 Vườn ươm chuẩn bị cây giống cho kế hoạch tái canh cà phê năm 2017. Ảnh: S.C
Vườn ươm chuẩn bị cây giống cho kế hoạch tái canh cà phê năm 2017. Ảnh: S.C

Cà phê là cây hàng hóa nông sản chủ lực của huyện Đak Đoa. Chính vì vậy, tái canh cà phê không chỉ là chương trình lớn góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện mà còn là vấn đề mang tính quyết định được-mất của mỗi hộ nông dân sản xuất loại cây trồng này. Do đó, cùng với sự đồng hành hỗ trợ, khuyến khích của chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các ngành chức năng, nông dân Đak Đoa cũng đã chủ động thực hiện tái canh chọn lọc hoặc tái canh từng phần, mang lại kết quả rất đáng ghi nhận.

Đơn cử như vườn cà phê của gia đình ông Đỗ Văn Hoàng (thôn Tân Lập, xã A Dơk) với diện tích được tái canh 1,8 ha từ năm 2012. Do vườn cây già cỗi, thoái hóa, năng suất kém nên gia đình ông đã tự bỏ vốn kiến thiết lại một phần bằng cách nhổ bỏ cây, cải tạo lại đất và trồng mới 1.500 cây/1,8 ha. Bằng kinh nghiệm cá nhân cộng với sự hỗ trợ kỹ thuật canh tác của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, vườn cây tái canh của gia đình ông đã bắt đầu cho quả bói vào năm 2016, đạt xấp xỉ 4,5 kg quả/cây. “Thích nhất là cây cho quả to, đều, sáng đẹp hơn trước đây. Cái này là nhờ nguồn cây giống mà Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cấp phát cho bà con năm 2012. Thu bói mà được như vậy thì tin chắc năm sau sẽ cho kết quả tốt hơn”-ông Hoàng bộc bạch. Từ kết quả ban đầu, gia đình ông dự tính sẽ tiếp tục tái canh 2,5 ha cà phê già cỗi còn lại trong những năm tới.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, tổng diện tích cà phê toàn huyện khoảng 27.000 ha, trong đó có trên 10.000 ha trồng những năm 1995-1999 đang ở trong tình trạng già cỗi, thoái hóa, năng suất kém. Theo kế hoạch giai đoạn 2016-2020, toàn huyện có 1.400 ha cà phê nằm trong diện tái canh. Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo trồng tái canh cà phê nhằm đôn đốc, nắm bắt tình hình cũng như có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Năm 2016, huyện đã hỗ trợ kinh phí 281 triệu đồng để tổ chức ươm ghép nguồn giống cà phê, xuất cấp 120.000 cây giống cho nông dân; thực hiện tái canh 352,5 ha/666 hộ; tổ chức 10 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng-chăm sóc cây cà phê cho 350 nông dân ở 5 xã. Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, điểm đáng ghi nhận trong chương trình tái canh cà phê của huyện là tinh thần chủ động của người dân. Đại đa số người trồng cà phê đều vững vàng về tài chính nên chọn cách phân kỳ, tái canh từng phần trên diện tích vườn cây. Cách làm này không ảnh hưởng đến năng suất toàn vườn, đảm bảo nguồn thu cho gia đình, nhất là trong bối cảnh giá cà phê đang có chiều hướng tăng lên như niên vụ vừa qua. Hoặc đối với cách tái canh chọn lọc-phương thức được đa phần hộ có diện tích nhỏ lẻ thực hiện là chọn nhổ bỏ một số cây trồng năng suất kém, sâu bệnh (chiếm khoảng 10-20% diện tích) để tái canh dần, cũng đã mang lại hiệu quả nhất định.

Trao đổi xung quanh chương trình tái canh cà phê của huyện, ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa nhận định: “Với đà tăng giá cà phê như hiện nay thì nhiều khả năng diện tích tái canh năm 2017 sẽ khó đạt kế hoạch. Qua rà soát nhu cầu trong dân, huyện tiếp tục thực hiện tái canh với diện tích 472,89 ha/853 hộ. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình này thì chúng tôi tổ chức thẩm định, xác nhận các vườn cây đủ điều kiện để làm cơ sở cho nông dân vay vốn ngân hàng. Kết quả tái canh cây cà phê có đạt hay không sẽ minh chứng cụ thể bằng sản lượng thu bói sau 4 năm. Do đó, chúng tôi đặc biệt coi trọng chất lượng, nguồn gốc xuất xứ cây giống thực hiện tái canh. Năm nay, huyện đã chi ngân sách hỗ trợ 300 triệu đồng để nhập nguồn giống lai đa dòng TRS1, TR4, TR9 từ Viện Ea Kmat Đak Lak. Sau khi Phòng Nông nghiệp và PTNT tổ chức gieo ươm, huyện sẽ xuất cấp hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân nằm trong danh sách đăng ký thực hiện tái canh”.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm