Kinh tế

Nông nghiệp

Đak Đoa: Chủ động phòng ngừa dịch tả heo châu Phi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa vừa tổ chức lớp tập huấn kiến thức về công tác phòng-chống dịch tả heo châu Phi cho 17 xã, thị trấn nhằm giúp người chăn nuôi heo trên địa bàn huyện có thêm kiến thức để chủ động phòng-chống dịch bệnh. 
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, tổng đàn heo trên địa bàn hiện nay khoảng 40.250 con/7.408 hộ, hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình chiếm ưu thế. Đến thời điểm này, huyện Đak Đoa chưa ghi nhận dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, UBND huyện vẫn đang tích cực chỉ đạo ngành chức năng và người dân tăng cường triển khai các hoạt động phòng-chống dịch. Bên cạnh đó, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo phòng-chống dịch tả heo châu Phi, lập đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin về tình hình dịch bệnh... Huyện cũng đã thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông liên xã, trong đó, chốt số 1 làm nhiệm vụ tại xã Ia Băng và chốt số 2 tại xã Hà Bầu. Chốt kiểm dịch hoạt động 24/24 giờ, có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tất cả các phương tiện vận chuyển heo, sản phẩm heo đến và đi qua địa bàn huyện nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết không để dịch tả heo châu Phi bùng phát trên địa bàn. 
 Được tập huấn, người chăn nuôi có thêm kiến thức phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Ảnh: N.N
Được tập huấn, người chăn nuôi có thêm kiến thức phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Ảnh: N.N
Công tác tuyên truyền được địa phương đẩy mạnh thông qua việc tổ chức tập huấn kiến thức phòng-chống dịch. Ngày 18-6 vừa qua, hơn 100 đại biểu là thành viên Ban chỉ đạo phòng-chống dịch tả heo châu Phi cấp xã, huyện và các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn 17 xã, thị trấn trong huyện đã được tập huấn về công tác này. Ông Nguyễn Trọng Khải-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa-nhấn mạnh: “Lớp tập huấn không chỉ cung cấp thông tin, kiến thức hữu ích mà còn giải đáp cụ thể những thắc mắc xung quanh công tác phòng-chống dịch; hộ chăn nuôi cần làm gì trong tình huống dịch xảy ra”. Tham gia lớp tập huấn, ông Hnhil (làng Broch 1, xã A Dơk) cho biết: “Nhà tôi nuôi 5 con heo, dù ít nhưng là tài sản đáng giá của cả gia đình. Nghe thông tin về dịch tả heo châu Phi, tôi rất lo lắng nên tham dự tập huấn để có thêm hiểu biết và kinh nghiệm phòng-chống”. 
Với thâm niên nuôi heo gần chục năm nay và có nhiều kinh nghiệm nhưng ông Đỗ Công Hiền (thôn Ktu, xã Glar) vẫn không khỏi lúng túng và lo lắng. Ông Hiền cho hay: “Nhà tôi đang nuôi 40 con heo. Không chỉ lo dịch tả heo châu Phi, gia đình còn mất ăn mất ngủ vì heo xuất chuồng rớt giá. Nếu trước đây giá heo hơi là 48.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 32.000 đồng/kg và dự báo sẽ còn giảm nữa. Heo nhà tôi tầm một tháng nữa là xuất chuồng nhưng không biết có bán được không. Chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương thực hiện tốt các biện pháp phòng-chống dịch. Mong ngành chức năng kiểm soát tốt dịch bệnh để người chăn nuôi heo yên tâm”.
Nằm ở đầu mối giao thông liên xã, xã Ia Băng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch tả heo châu Phi. Ông Nguyễn Văn Bình (thôn Hàm Rồng, xã Ia Băng) nói: “Tôi đã làm đơn trình báo khẩn cấp về việc vùng chăn nuôi có nguy cơ xảy ra dịch và đề nghị cán bộ chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn cách phòng-chống dịch tả heo cho người chăn nuôi. Sau khi nhận được đơn, cán bộ xã đã xuống hiện trường xem xét và ghi nhận thực tế. Tôi đánh giá cao sự hỗ trợ kịp thời của địa phương đối với người chăn nuôi. Lớp tập huấn đã giúp chúng tôi có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm phòng-chống dịch trong tình hình hiện nay”.  
 NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm