Xã hội

Lao động - Việc làm

Đak Đoa chú trọng hướng nghiệp, đào tạo nghề trong vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời gian qua, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) luôn chú trọng thực hiện các chương trình hướng nghiệp, đào tạo nghề nhằm tạo việc làm cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Tạo cơ hội việc làm

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi học xong lớp 12, chị Oi (20 tuổi, làng Brong Goai, xã Ia Pết) được địa phương hướng nghiệp đến với ngành may mặc. Trong 2 năm học nghề may tại Trường Cao đẳng Gia Lai, chị luôn chăm chỉ học tập, chịu khó thực hành để có thêm kỹ năng.

Hiện nay, chị Oi đã có công việc ổn định với mức lương cơ bản 6 triệu đồng/tháng tại một công ty may ở TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

dak-doa-chu-trong-huong-nghiep-dao-tao-nghe-trong-vung-dan-toc-thieu-so-bg-4625.jpg
Sau khi học xong lớp 12, chị Chui (thứ 2 từ phải sang, làng Brong Goai, xã Ia Pết) được địa phương hướng nghiệp đến với nghề may mặc. Ảnh: T.D

Nhận thấy lợi ích của việc học nghề, chị Chui (làng Brong Goai) cũng mong muốn sau này có được công việc ổn định như chị Oi. Vì bản thân cũng đam mê với việc may vá nên chị Chui hào hứng tham gia lớp học may do xã giới thiệu. 2 tháng nữa, chị Chui sẽ tốt nghiệp.

Chị vui vẻ cho biết: “Khi tốt nghiệp THPT, mình nhận thấy không đủ điều kiện theo học cao đẳng hay đại học. Sau khi được cán bộ xã tư vấn, hướng nghiệp, mình đã đăng ký tham gia lớp học may. Hy vọng mình sẽ có được công việc ổn định sau khi kết thúc khóa học”.

Hiện nay, nhiều thanh niên xã Ia Pết cũng được định hướng về nghề nghiệp để theo học và có việc làm, ổn định cuộc sống. Xã Ia Pết có 7 làng đồng bào DTTS. Tỷ lệ người DTTS của xã chiếm 89% dân số.

Trước đây, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Do phương thức sản xuất còn thủ công, phụ thuộc vào thiên nhiên nên đời sống khó khăn. Trong những năm gần đây, khi công tác hướng nghiệp được chú trọng, người dân đã có việc làm, thu nhập ổn định hơn.

Ông Ưn-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Brong Goai-chia sẻ: “Tư vấn, hướng nghiệp cho người lao động DTTS là hoạt động rất tốt, nhất là đối với thế hệ trẻ. Khi được cung cấp đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, người dân sẽ được nâng cao nhận thức về lao động, việc làm. Đồng thời, tạo điều kiện để bà con tiếp xúc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân, từ đó giúp định hướng, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp với điều kiện bản thân và gia đình”.

Sau gần 2 năm tham gia lớp học nghề công nghệ thông tin tại Trường Cao đẳng Gia Lai, anh Nay Thủ Đô (làng Ring Rai, xã Hà Bầu) có cơ hội việc làm ngay tại địa phương.

Anh cho biết: “Cuộc sống của gia đình tôi chỉ trông chờ vào ít ruộng rẫy, thu nhập thấp và không ổn định, trong khi nhà lại đông anh em. Sau khi được cán bộ xã cung cấp thông tin về các lớp học nghề, tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Trong quá trình học tập, tôi được giáo viên chỉ dạy, hướng dẫn tận tình. Hiện nay, tôi đã tự tin để nhận công việc”.

Còn bà H’Thanh (mẹ anh Đô) thì chia sẻ: “Tôi cũng không muốn các con mình chỉ loanh quanh với ruộng rẫy trong làng vừa vất vả vừa nghèo khó. Vì thế, tôi luôn ủng hộ các con đi học nghề để có công việc ổn định, xây dựng cuộc sống tốt hơn”.

3td-6157.jpg
Anh Nay Thủ Đô (ở giữa; làng Ring Rai, xã Hà Bầu) sẵn sàng làm việc ngay tại địa phương sau khi tham gia lớp học nghề công nghệ thông tin. Ảnh: Trần Dung

Theo ông Nghênh-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ring Rai: “Thông qua sự định hướng, quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều gia đình đã cho con đi học nghề, trong đó có gia đình tôi. Con trai tôi cũng vừa đăng ký xuất khẩu lao động sang Nhật. Hiện nay, mỗi tháng, con gửi về cho gia đình trên 16 triệu đồng”.

Chú trọng công tác hướng nghiệp

Thời gian qua, công tác hướng nghiệp, tạo việc làm cho người dân vùng đồng bào DTTS luôn được huyện Đak Đoa coi trọng, nhất là đối tượng thanh niên. Qua đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng cao.

Theo anh Luy-Bí thư Đoàn xã Ia Pết, lực lượng lao động của xã phần lớn trong độ tuổi thanh niên với trên 1.700 người (chiếm 45,4%). Những năm gần đây, cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn, làng đã vào cuộc trong công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho thanh niên DTTS.

Năm 2023, xã có 6 em học nghề may, đã có 3 em tốt nghiệp và đi làm tại Công ty May Nhà Bè Gia Lai. Năm 2024, xã tiếp tục phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh tốt nghiệp THCS và THPT. Hiện tại có 9 em người DTTS đang theo học các lớp học nghề.

Ngoài ra, xã phối hợp mở lớp điện dân dụng tại địa bàn thu hút 35 học viên tham gia. Hàng năm, xã cũng phối hợp với các đơn vị liên quan để hướng nghiệp cho học sinh lớp 9, lớp 12 để các em có những định hướng về nghề nghiệp đúng đắn.

2td-403.jpg
Huyện Đak Đoa chú trọng công tác hướng nghiệp trong vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: T.D

Xã Hà Bầu cũng là địa phương đặc biệt chú trọng đến công tác hướng nghiệp. Phó Chủ tịch UBND xã Dương Thị Kim Quy cho hay: Từ năm 2022, xã đã tư vấn cho 7 trường hợp đi xuất khẩu lao động (trong đó có 2 trường hợp đang chờ làm thủ tục xuất cảnh). Ngoài ra, xã thường xuyên hướng nghiệp cho lao động người DTTS theo học nghề may, điện ô tô, kỹ thuật xây dựng, dược…

“Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm là để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và người lao động về vai trò của công tác giáo dục nghề nghiệp đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng với đó, chúng tôi cũng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với các đối tượng nông dân, phụ nữ, thanh niên nông thôn, bộ đội xuất ngũ... Vừa đào tạo nghề vừa trang bị kỹ năng sống cho lao động trẻ người DTTS để các em tự tin và hòa đồng với môi trường công việc chuyên nghiệp hơn”-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Bầu cho hay.

Đến cuối năm 2023, huyện Đak Đoa có trên 72.000 người trong độ tuổi lao động. Những năm qua, công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động đã được các ngành, các cấp quan tâm.

Số lượng lao động tham gia đăng ký học nghề không ngừng tăng, người lao động đã từng bước nhận thức tích cực về việc tham gia học nghề để có việc làm ổn định; góp phần nâng cao tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề.

Giai đoạn 2021-2023, huyện phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức đào tạo nghề cho 443 lao động nông thôn; có 151 người tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng; phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đào tạo nghề cho 319 người lao động ký hợp đồng làm việc...

Ngoài ra, hơn 2.500 lao động chủ động tự tham gia học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tính riêng 9 tháng năm 2024, huyện có trên 1.400 lao động qua đào tạo nghề bằng các hình thức tự tham gia đào tạo nghề tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ hoặc các doanh nghiệp tuyển dụng lao động tổ chức đào tạo nghề phù hợp với vị trí tuyển dụng.

Bà Lê Thị Hương-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-thông tin: UBND huyện và Trường Cao đẳng Gia Lai đã ký Quy chế phối hợp tư vấn, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn. Vì thế, công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được phối hợp triển khai thuận lợi.

Cùng với đó, huyện cũng đã triển khai nhiều hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm, đặc biệt là chính sách liên quan thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Từ đó, tạo sự chuyển biến rõ rệt về ý thức của người lao động trong việc tham gia đào tạo nghề, làm việc tại các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Công tác quản lý nhà nước về lao động trên địa bàn huyện không ngừng được củng cố; qua đó, từng bước góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm giúp người lao động tiếp thu những tiến bộ khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Có thể bạn quan tâm